Lợi thế của ngành thủy sản Việt Nam từ CPTPP và EVFTA

17:15' - 20/04/2018
BNEWS Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, CPTPP và EVFTA là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, với giá trị cốt lõi là tạo thuận lợi thương mại thông qua việc cắt giảm thuế quan.
Lợi thế của ngành thủy sản Việt Nam từ CPTPP và EVFTA. Ảnh: TTXVN

Ngành thủy sản Việt Nam có nhiều lợi thế và cơ hội xuất khẩu khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đi vào thực thi.

Đây là nhận định của các đại biểu tại Hội thảo phân tích lợi thế của CPTPP và EVFTA cho các doanh nghiệp ngành thủy sản do Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh ngày 20/4.
Ông Vương Đức Anh, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, CPTPP và EVFTA là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, với giá trị cốt lõi là tạo thuận lợi thương mại thông qua việc cắt giảm thuế quan.

Đối với mặt hàng thủy sản, Hiệp định EVFTA sẽ xóa bỏ thuế quan hoàn toàn (trừ cá ngừ đóng hộp và cá viên) với lộ trình dài nhất là 7 năm, cá ngừ đóng hộp áp dụng hạn ngạch thuế quan là 11.500 tấn; trong Hiệp định CPTPPP, Canada và Peru sẽ xóa bỏ thuế quan hoàn toàn về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực, một số nước khác cắt giảm thuế theo lộ trình, lâu nhất là 16 năm.
Theo ông Vương Đức Anh, việc ký kết EVFTA và CPTPP là cơ hội để các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các thị trường mới như Canada, Peru, Mexico…Đồng thời, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng thủy sản Việt Nam so với nhiều đối thủ chưa tham gia các FTA.

Điển hình với mặt hàng cá ngừ, Thái Lan, Trung Quốc đang là hai đối thủ lớn nhất của Việt Nam, nắm giữ nhiều thị phần xuất khẩu nhất nhưng cả hai quốc gia trên đều chưa ký kết FTA với EU và cũng không phải là thành viên của CPTPP. Điều này đồng nghĩa với mặt hàng cá ngừ của Việt Nam có lợi thế tuyệt đối về thuế so với hai nước trên tại hai khu vực thị trường lớn là EU và CPTPP.
Tương tự với mặt hàng tôm, Việt Nam hiện đang đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu tôm với thị phần 14%, đứng đầu là Ấn Độ với 15% thị phần. Sau khi EVFTA và CPTPPP có hiệu lực, Việt Nam sẽ được cắt giảm thuế nhập khẩu tôm nguyên liệu và cả thuế xuất khẩu tôm chế biến vào EU và khối CPTPPP; trong khi đó Ấn Độ không phải thành viên CPTPP, quá trình đàm phán FTA giữa Ấn Độ và EU cũng đang bị tạm ngưng. Đây được xem là cơ hội để sản phẩm tôm xuất khẩu Việt Nam vươn lên cạnh tranh vị trí xuất khẩu hàng đầu với Ấn Độ.
Theo các doanh nghiệp, cạnh tranh về giá trong ngành thủy sản hiện nay là rất lớn trong khi đó mức thuế xuất khẩu thủy sản vào một số thị trường hiện nay rất cao. Cụ thể, tôm xuất khẩu của Việt Nam vào khu vực EU có mức thuế trung bình là 6 - 20%, mặt hàng cá ngừ cũng có mức thuế từ 11 - 20%.

Đối với các thị trường trong CPTPP, mỗi nước áp dụng mức thuế suất khác nhau, dao động từ 2 -10%. Vì vậy khi EVFTA, CPTPP có hiệu lực, việc cắt giảm các dòng thuế sẽ giúp sản phẩm thủy sản Việt Nam hạ giá thành đáng kể, nâng cao khả năng cạnh tranh và kim ngạch xuất khẩu.
Các chuyên gia nhận định, ngoài các lợi thế về mặt thuế quan, ngành thủy sản Việt Nam cũng có thêm nhiều cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao công nghệ sản xuất và chất lượng sản phẩm.

Các doanh nghiệp cũng có điều kiện tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực nhờ sự dịch chuyển đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia và đa dạng hóa nguồn cung nguyên liệu. Đặc biệt, việc tham gia các FTA thế hệ mới yêu cầu Nhà nước phải cải cách thể chế, từ đó doanh nghiệp có môi trường kinh doanh ổn định và minh bạch hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế, EVFTA và CPTPP cũng đem đến một số thách thức nhất định. Cụ thể, doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài ngay tại thị trường nội địa; đối mặt với các các hàng rào kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng và quy tắc xuất xứ khá chặt chẽ.

Cách duy nhất để doanh nghiệp Việt Nam được hưởng các ưu đãi về thuế quan chính là tuân thủ quy tắc xuất xứ kèm theo trong mỗi FTA. Hiệp định EVFTA quy định khá chặt chẽ về điều kiện hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế, hầu như chỉ chấp nhận hàng hóa có xuất xứ thuần túy từ các nước thành viên của FTA. Trong khi đó, CPTPP có phần linh hoạt hơn khi chấp nhận xuất xứ cộng gộp có tổng giá trị khu vực từ 40% trở lên.
Để tận dụng tốt lợi thế mà EVFTA và CPTPP mang lại, các chuyên gia khuyến nghị doanh nghiệp cần chủ động trong việc xây dựng kế hoạch kinh doanh trong trung và dài hạn, điều chỉnh lại nguồn cung nguyên liệu phù hợp với yêu cầu xuất xứ của từng thị trường.

Hơn nữa, trong bối cảnh tự do hóa thương mại toàn cầu thì lợi thế cạnh tranh về thuế quan chỉ mang tính giai đoạn, doanh nghiệp Việt Nam cần phải nhanh chóng đổi mới công nghệ để có thể tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu mới có thể phát triển bền vững./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục