Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Phải lo xa để có dư địa điều chỉnh khi khó khăn

19:25' - 27/03/2018
BNEWS Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng “khi kinh tế tốt hơn thì phải lo xa hơn cho các năm tiếp theo, để khi khó khăn thì có dư địa để điều chỉnh”.
 Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp Tổ điều hành kinh tế vĩ mô. Ảnh: Lâm Khánh - TTXVN

“Kinh tế vĩ mô trong nước đầu năm được dự báo có nhiều khả quan nhưng không được chủ quan, cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả, hiệu lực các giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 01 của Chính phủ”, đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp của Tổ điều hành kinh tế vĩ mô, chiều 27/3 tại Hà Nội.

Cuộc họp nhằm đánh giá tình hình thực hiện các giải pháp tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, dự báo kịch bản tăng trưởng kinh tế, bàn biện pháp đảm bảo các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2018 và các năm tiếp theo trên cơ sở mục tiêu phát triển bền vững.

Cùng dự cuộc họp có lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước - 4 bộ, ngành trong Tổ điều hành kinh tế vĩ mô.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh cho biết, dự kiến tăng trưởng GDP quý I/2018 tốt nhất trong 10 năm qua, ở mức tăng trưởng trên 7%. Công nghiệp - xây dựng là động lực cho tăng trưởng kinh tế với mức tăng 11%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng lớn.

Ngành nông nghiệp tiếp tục duy trì tăng trưởng khi tận dụng được những thuận lợi từ thời tiết và quá trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp; thủy sản có nhiều khởi sắc cả về khai thác và môi trường. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 3 tháng qua được kiểm soát tốt, ở mức tăng 2,82%.

Nhiều đơn hàng lớn về xuất khẩu hàng hóa được ký trong đầu năm 2018 đã đưa kim ngạch xuất khẩu ước đạt 33,62 tỷ USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó có 8 loại mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 32,54 tỷ USD, tăng 13,6%. Trong quý I/2018, cả nước xuất siêu 1,1 tỷ USD.

Thứ trưởng Lê Quang Mạnh cũng nêu rõ: Trong 3 tháng đầu năm, cả nước có 26.800 doanh nghiệp thành lập mới - mức cao nhất trong vòng 7 năm qua. Doanh nghiệp tư nhân tham gia vào thị trường với tốc độ cao đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của cả nước. Bộ Kế hoạch và Đầu tư hy vọng hết năm 2018, số lượng doanh nghiệp thành lập mới sẽ vượt con số 126.000 doanh nghiệp của năm 2017.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp Tổ điều hành kinh tế vĩ mô. Ảnh: Lâm Khánh - TTXVN

Tính tới nay, luỹ kế thực hiện vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 176,25 tỷ USD, bằng 55% tổng vốn còn hiệu lực. Trong quý I, vốn FDI tăng thêm, góp mới, đăng ký cấp mới là 5,8 tỷ USD (bằng 75,2% cùng kỳ). Thực hiện vốn đạt 3,88 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2018, bối cảnh thế giới sẽ có nhiều khởi sắc hơn năm 2017, thương mại toàn cầu duy trì tích cực với mức tăng trên 4%, công nghiệp chế tạo máy sẽ tăng mạnh vì tới chu kỳ tái đầu tư toàn cầu. Tuy nhiên, xu hướng bảo hộ thương mại sẽ ảnh hưởng tới xuất khẩu. Ở trong nước, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, doanh nghiệp đã tận dụng nhiều các yếu tố động lực tăng trưởng như tổng cung, cầu, kiều hối, FDI... nên khó tạo ra sức bật như năm 2017.

Song, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn đưa ra hai kịch bản tăng trưởng GDP của năm 2018 là 6,7% và 6,8%. Kịch bản 6,7% là mức cao nhất theo Nghị quyết của Quốc hội với điều kiện phải thực hiện kiên trì các giải pháp tại Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018. Kịch bản 6,8% trông đợi vào lực đẩy từ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

“Nếu không có biến động lớn xảy ra, các yếu tố khu vực tư nhân đi vào hoạt động tốt thì mức tăng GDP 6,8% cũng có thể phấn đấu hướng tới được”, Thứ trưởng Lê Quang Mạnh nhận định.

Đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp đã vào cuộc ngay từ đầu năm, đốc thúc sản xuất theo tín hiệu thị trường, thực hiện các giải pháp cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh thuận lợi, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng “khi kinh tế tốt hơn thì phải lo xa hơn cho các năm tiếp theo, để khi khó khăn thì có dư địa để điều chỉnh”.

Theo Phó Thủ tướng, kinh tế vĩ mô trong nước đầu năm được dự báo có nhiều khả quan nhưng không được chủ quan, cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả, hiệu lực các giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 01. Các bộ, ngành và địa phương cần rà soát, thúc đẩy các nhân tố hỗ trợ cho tăng trưởng, thu ngân sách của những tháng tiếp theo.

Các Bộ, ngành theo dõi sát các diễn biến kinh tế ở trong nước, khu vực và trên thế giới, thực hiện các báo cáo chuyên đề về tình hình kinh tế vĩ mô ở các lĩnh vực ngân hàng - tài chính, chứng khoán, bất động sản trong dài hạn để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ - Phó Thủ tướng yêu cầu./.

>> Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Bám sát kịch bản tăng CPI ở mức 3,55%

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục