Phương Tây thiệt hại nặng do trừng phạt Nga

05:59' - 05/08/2016
BNEWS Bộ Phát triển Kinh tế Nga vừa công bố thống kê cho thấy nhiều quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), Mỹ , Canada, Na Uy và Australia đã bị thiệt hại nặng nề do áp đặt lệnh trừng phạt chống Nga.
Phương Tây thiệt hại nặng do trừng phạt Nga. Ảnh: Reuters

Các mặt hàng thực phẩm từ những quốc gia này ngày càng vắng bóng trên thị trường tiêu thụ của Nga với khối lượng nhập khẩu giảm từ 4,331 triệu tấn xuống còn 0,465 triệu tấn (giảm 98,9%). 

Số liệu của Bộ Phát triển Kinh tế Nga cho thấy tính riêng các quốc gia thuộc EU, mức thiệt hại khoảng 50 tỷ euro/năm, chiếm gần 0,4% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của EU.

Đây là con số hoàn toàn không nhỏ nếu biết rằng năm 2015, theo số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), kinh tế của toàn EU tăng trưởng 2% trong lúc kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) giảm 1,7%.
Eurostat cho biết kể từ năm 2004, kinh tế EU tăng trưởng trung bình 1%/năm, trong khi kinh tế Eurozone chỉ tăng trưởng 0,8%. Tuy vậy, đây là số liệu trung bình toàn EU. Bức tranh sẽ còn ảm đạm hơn nếu tính toán cả những thiệt hại trực tiếp lẫn gián tiếp.
Theo số liệu của các chuyên gia tập đoàn General Invest, chỉ tính riêng trong năm 2014 (năm đầu tiên các biện pháp trừng phạt Nga có hiệu lực) những thiệt hại mà riêng các công Italy hứng chịu lên tới 20-22 tỷ USD.

Thiệt hại bao gồm không chỉ những công ty làm ăn trực tiếp với Nga mà còn những công ty tham gia gián tiếp vào thị trường Nga thông qua các nước thành viên khác của EU.
Tờ La Stampa của Italy đã cảnh báo rằng cuộc chiến trừng phạt Nga đang gây ra cơn bão thực sự, do nó tác động nặng nề tới ngành sản xuất của nước này. Năm 2015, xuất khẩu của Italy giảm tới 34% so với năm 2014 xuống còn 7,1 tỷ euro.

Các chuyên gia Italy là trong số những người đầu tiên lên tiếng nói về sự nguy hại của cuộc chiến trừng phạt với Nga.
Giới chuyên gia kinh tế quốc tế cảnh báo rằng "Brexit" không phải là vấn đề phức tạp nhất mà EU cần phải phân tích kỹ lưỡng. Nước Anh rời khỏi EU và những hậu quả của sự kiện này tác động lên nền kinh tế và chính trị châu Âu cần phải lưu ý.

Tuy nhiên, EU đang đối mặt với tai họa kinh hoàng hơn đó là cuộc khủng hoảng tài chính tại Italy, có khả năng "quật ngã" châu Âu.
Chuyên gia Nhóm tư vấn những nguy cơ chính trị Eurasia Group, ông Federico Santi nhận định tình hình đang xảy ra tại Italy và hậu quả của nó đối với phần còn lại của châu Âu có thể trở thành nguy cơ chính trị trong nửa cuối năm 2016.

Hệ thống Ngân hàng Italy đã tích tụ gánh nặng lớn nhiều khoản tín dụng không được giám sát. Giới chức Italy cho biết hiện có khoảng 200 tỷ euro tín dụng xấu, nhưng các chuyên gia độc lập lại khẳng định con số này thực tế còn lớn hơn nhiều.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục