Quan hệ đồng minh Mỹ-EU rạn nứt vì căng thẳng thương mại (Phần 1)

05:30' - 18/07/2018
BNEWS Báo Le Monde (Pháp) mới đây đăng bài phân tích đáng chú ý về việc Liên minh châu Âu (EU) đe dọa trả đũa Mỹ trong cuộc chiến thuế quan.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: TTXVN 

Sau quyết định tăng thuế thép và nhôm, lấy lý do để bảo vệ “an ninh quốc gia”, Washington đang chuẩn bị tấn công vào ô tô xuất khẩu của châu Âu.

Nếu chính quyền Trump tiến hành cuộc tấn công quy mô lớn này, đối tượng thiệt hại trước hết là Đức, nhà xuất khẩu ô tô hàng đầu. Bị đẩy đến chân tường, Brussels buộc phải phản ứng cho dù chắc chắn sẽ bùng phát “một cuộc chiến thương mại thực sự” với đồng minh lịch sử.
Ngày 2/7, Ủy ban châu Âu (EC) chính thức công bố thông điệp được gửi đến trước đó cho Bộ Thương mại Mỹ, lên án Washington “vi phạm luật pháp quốc tế”.

Cụ thể, EU cảnh báo Mỹ rằng việc áp thuế nhập khẩu đối với ô tô và linh kiện xe hơi sẽ ảnh hưởng xấu đến ngành sản xuất ô tô của chính nước Mỹ và có thể dẫn tới các biện pháp trả đũa của các đối tác thương mại trị giá lên tới 294 tỷ USD đối với hàng hóa xuất khẩu của Mỹ.
Ngày 19 và 20/7 tới, Chủ tịch EC Jean Claude Juncker dự kiến có cuộc gặp Tổng thống Mỹ tại Washington để tìm cách thuyết phục ông chủ Nhà Trắng từ bỏ chiến lược này. Trong hiện tại, quan điểm của hai bên là hoàn toàn đối nghịch. 
Đối với Brussels, các nhà sản xuất ô tô châu Âu đã đóng góp vào việc tạo nên 120.000 việc làm ở Mỹ, đặc biệt tại nhiều tiểu bang miền Nam, nơi đông đảo cử tri ủng hộ ông Trump. Ngược lại, trả lời báo chí hôm 1/7, Tổng thống Mỹ thẳng thừng lên án EU làm hại nước Mỹ không kém gì Trung Quốc.
Đe dọa tiếp tục trả đũa thương mại của EU gây lo ngại cho chính giới kinh doanh Mỹ. Báo La Croix đăng bài viết với tựa đề: “Phải chăng Donald Trump đang đe dọa kinh tế thế giới?”, với dự đoán rằng một cuộc chiến thương mại toàn diện (với thuế tăng khoảng 60%) có thể khiến GDP của EU giảm 4%. Không một siêu cường thương mại nào có thể giành chiến thắng, Mỹ và Trung Quốc đều dự kiến sẽ thiệt hại ở mức tương tự.
Quan hệ giữa EU và Mỹ xấu đi không chỉ liên quan đến vấn đề thương mại. Vẫn theo Le Monde, trong Hội nghị thượng đỉnh châu Âu ngày 28/6, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã có những lời lẽ “đặc biệt nghiêm trọng”. Theo ông Tusk, cần phải chuẩn bị cho “kịch bản tồi tệ nhất”, đó là EU và Mỹ “cắt đứt hoàn toàn” quan hệ liên minh lâu đời.
Về chủ đề này, Le Monde dẫn nhận định của nhà tư vấn François Heisbourg, chuyên gia Quỹ nghiên cứu chiến lược, cho rằng các sử gia trong tương lai, khi nhìn lại thời điểm này sẽ chọn ngày ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, 8/11/2016, như là một bước ngoặt lịch sử; và cái ngày mà Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin họp thượng đỉnh 16/7/2018 chính là màn khởi đầu cho sự phân liệt (schisme) của phương Tây.
Sự chia rẽ này được ông Heisbourg so sánh với thời điểm đạo Tin Lành trỗi dậy chống lại Giáo hội Vatican tại châu Âu vào thế kỷ 15, đưa toàn châu lục vào một kỉ nguyên mới.
EU hiện đang đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn thứ ba trong vòng một thập niên, sau hai khủng hoảng (khu vực đồng euro và di cư - tị nạn). Theo ông Heisbourg, trước nguy cơ mang tính lịch sử này, người châu Âu có ba lựa chọn chính.
Thứ nhất là nhắm mắt coi như không, với hy vọng mọi sự sẽ trở lại tốt đẹp. Thứ hai là mạnh ai nấy lo mà quyết định chia tay với EU của nước Anh là “biểu hiện mạnh nhất”.

Nhiều quốc gia châu Âu khác có thể chọn khả năng dựa vào Mỹ, thông qua các đàm phán song phương, hay ngả sang Nga, thậm chí Trung Quốc. Một số quốc gia chơi trò “bắt cá hai tay” như Hungary, lợi dụng các ưu đãi của EU, nhưng không đóng góp xây dựng cộng đồng.
Lựa chọn thứ ba mà nhà tư vấn Heisbourg nhấn mạnh là EU chủ động chia tay với nước Mỹ của Donald Trump, giống như nhà cải cách Martin Luther đã khởi xướng cách đây 5 thế kỷ.

Ông Heisbourg đưa ra hình ảnh ví von: Nếu “Giáo hoàng” Donald Trump ở Washington cứ khăng khăng buộc châu Âu phải trung thành với nước Mỹ để đổi lấy sự bảo đảm về an ninh, thì phải chăng sẽ có một nhà cải cách Martin Luther mới?
Chuyên gia Pháp lưu ý rằng trong lịch sử, châu Âu đã từng thành công trong việc vượt qua sự phân liệt Công giáo - Tin Lành trong nội bộ, trong bối cảnh đe dọa trong ngoài chồng chất. Theo ông, trong hiện tại về kinh tế và quân sự, khối 27 nước có đầy đủ tiềm năng, nhưng điểm yếu của EU là thiếu đi một “sự thống nhất về chính trị và chiến lược”./.           

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục