Rà soát, nâng cấp lưới điện phục vụ sản xuất nông nghiệp cho Thái Nguyên

21:42' - 05/06/2018
BNEWS Bộ trưởng Trần Tuấn Anh giao cho các đơn vị thuộc Bộ và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) rà soát, đánh giá nhu cầu phụ tải để lập kế hoạch đầu tư nâng cấp lưới điện 110KV cho tỉnh Thái Nguyên.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.Ảnh: TTXVN

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên ngày 5/6 về phát triển công nghiệp, thương mại; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá; nâng cấp hệ thống điện phục vụ sản xuất công nghiệp… Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành cùng địa phương và tháo gỡ từng vướng mắc.

Theo Phó Bí thư tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Vũ Hồng Bắc, mặc dù tỉnh là điểm sáng về kinh tế trong phát triển công nghiệp, thương mại nói riêng, kinh tế - xã hội nói chung trong cả nước nhưng địa phương vẫn đang gặp một số khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.

Chẳng hạn, các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu muốn xin thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) nhưng thời gian quá dài. Vậy nên tỉnh Thái Nguyên đề nghị Bộ Công Thương xem xét uỷ quyền cho địa phương tự thực hiện thủ tục cấp C/O cho doanh nghiệp trên địa bàn.

Hay như việc thu hút đầu tư rất khả quan vào lĩnh vực công nghiệp, số lượng các doanh nghiệp công nghiệp, các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh liên tục gia tăng kéo theo nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất công nghiệp tăng nhanh. Tuy nhiên, hệ thống truyền tải điện, các trạm biến áp… không đáp ứng yêu cầu.

Do vậy, tỉnh mong muốn Bộ Công Thương xem xét, chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hỗ trợ địa phương nâng phụ tải nhằm đáp ứng yêu cầu điện cho sản xuất, đặc biệt là tại các khu, cụm công nghiệp mới, như: Yên Bình, Điềm Thuỵ và Sông Công 2.

Ngoài ra, chương trình cấp điện nông thôn của địa phương hiện đang khó khăn về nguồn vốn.

Theo đó, chương trình được phê duyệt gồm 102 tỷ đồng vốn trung ương và 120 tỷ đồng vốn địa phương nhưng hiện Thái Nguyên mới được ngân sách trung ương cấp 32 tỷ đồng và 60 tỷ đồng ngân sách địa phương, ảnh hưởng đến tiến độ và kết quả của chương trình.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Thái Nguyên đã đạt được và nhấn mạnh: Bộ Công Thương đã và sẽ tiếp tục rà soát các quy định của pháp luật liên quan để tiến tới thực hiện uỷ quyền cấp C/O cho không chỉ Thái Nguyên mà cả các địa phương khác trong cả nước.

Theo Bộ trưởng, việc uỷ quyền hay không cần được xem xét một cách tổng thể, nhất là trong điều kiện Việt Nam đã và sẽ tham gia ký kết các hiệp định thương mại tự do đa và song phương với các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Trong quan hệ thương mại quốc tế, vấn đề xem xét, cấp C/O là vấn đề rất nhạy cảm liên quan đến các hành vi gian lận thương mại, gian lận xuất xứ hàng hoá. Do đó, Bộ sẽ thận trọng nghiên cứu, rà soát các quy định liên quan và sẽ sớm có câu trả lời.

Đối với kiến nghị xem xét đầu tư nâng cấp lưới điện 110KV phục vụ sản xuất công nghiệp và cân đối nguồn vốn cho chương trình cấp điện nông thôn của tỉnh Thái Nguyên, Bộ trưởng đã giao cho các đơn vị thuộc Bộ và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) rà soát, đánh giá nhu cầu phụ tải để lập kế hoạch đầu tư nâng cấp; trong đó tập trung đầu tư hệ thống trạm biến áp tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bản tỉnh Thái Nguyên.

Bên cạnh đó, hiện Bộ Công Thương đang tích cực vận động, tìm kiếm nguồn lực, nhất là nguồn vốn ODA cho chương trình cấp điện nông thôn trong cả nước; trong đó, ưu tiên nguồn vốn cho các địa phương miền núi, hải đảo, vùng sâu, xa, trong đó có tỉnh Thái Nguyên.

Trên cơ sở các cam kết tài trợ của các đối tác, hiện Bộ Công Thương đang xem xét, điều chỉnh và cân đối nguồn vốn để cấp cho các địa phương thực hiện chương trình quan trọng này.

Bộ trưởng đề nghị Sở Công Thương Thái Nguyên làm việc với Cục Điện lực (Bộ Công Thương) xem xét cụ thể việc điều chỉnh về quy mô, hạn mức đầu tư các dự án cấp điện nông thôn từ đó lấy cơ sở để cân đối nguồn vốn./.

>>> Bộ Công Thương sẽ xử lý các yêu cầu của DOC để hưởng miễn trừ áp thuế thép

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục