Sắp diễn ra hội thảo "Logistics và Thương mại điện tử: Đồng hành để cùng phát triển"

09:22' - 23/03/2018
BNEWS Thương mại điện tử muốn phát triển mạnh, không thể thiếu các dịch vụ logistics chất lượng. Ngược lại, dịch vụ logistics là một mắt xích then chốt để hoàn tất mua bán trực tuyến các sản phẩm hữu hình.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, logistics và thương mại điện tử đang bùng nổ và là xu hướng phát triển tất yếu.

Thương mại điện tử muốn phát triển mạnh, không thể thiếu các dịch vụ logistics có chất lượng. Ngược lại, dịch vụ logistics là một mắt xích then chốt để hoàn tất mua bán trực tuyến các sản phẩm hữu hình.

Chính vì vậy, nhằm khẳng định dịch vụ logistics phát triển là mắt xích quan trọng để hoàn tất việc mua bán trực tuyến ngày 10/4 tới, Cục Xuất nhập khẩu và Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương)sẽ phối hợp tổ chức Hội thảo "Logistics và Thương mại điện tử: Đồng hành để cùng phát triển".

Logistics là mắt xích quan trọng trong thương mại điện tử. Ảnh minh họa: Bộ Công Thương

Theo ông Trần Thanh Hải, tại Việt Nam, mặc dù đã có một thời gian phát triển, nhưng logistics và thương mại điện tử chỉ thực sự bùng nổ trong những năm gần đây.

Bên cạnh các trang thương mại điện tử như adayroi.com, sendo.vn, tiki.vn, thegioididong.vn, các trang bán hàng trực tuyến trên mạng xã hội cũng phát triển với số lượng và quy mô khá lớn.

Trong khi đó, sự xuất hiện của các doanh nghiệp nước ngoài như: Lazada, DHL, Amazon, Central Group khiến cho sự cạnh tranh trong các lĩnh vực này càng trở nên khốc liệt.

Các hãng đang cạnh tranh khốc liệt. Ảnh minh họa: Bộ Công Thương

Theo Bộ Công Thương, với các doanh nghiệp và các đối tượng liên quan đến logistics và thương mại điện tử trên phạm vi cả nước, những khó khăn lớn tác động tới sự phát triển logistics và thương mại điện tử hiện nay là môi trường pháp lý, cơ sở hạ tầng, phát triển thị trường và nguồn nhân lực. Logistics phục vụ thương mại điện tử cũng gặp những khó khăn tương tự.

Ngoài ra, công nghệ cũng có vai trò tác động không nhỏ tới việc phát triển của hai lĩnh vực này. Kết quả khảo sát cho thấy, từ năm 2015 đến nay, dịch vụ logistics và chuyển phát ở Việt Nam mặc dù đã phát triển khá nhanh nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của thương mại điện tử.

Tỷ lệ chi phí dành cho dịch vụ logistics và chuyển phát khá cao trong giá bán trực tuyến các sản phẩm hữu hình là một trong các yếu tố dẫn tới giá mua hàng trực tuyến chưa thấp hơn đáng kể so với mua theo phương thức truyền thống. Đồng thời, chất lượng của dịch vụ chuyển phát chưa cao.

Khảo sát của Bộ Công Thương năm 2013 đã chỉ rõ về những trở ngại trong mua sắm trực tuyến, có tới 40% người tiêu dùng cho biết giá mua trực tuyến không thấp hơn so với mua trực tiếp mà một nguyên nhân quan trọng là doanh nghiệp thương mại điện tử phải tự triển khai dịch vụ giao hàng.

Cũng theo kết quả khảo sát trên, có 38% người tiêu dùng đánh giá dịch vụ vận chuyển và giao nhận còn yếu, gây tâm lý e ngại về thời gian giao hàng chưa đúng cam kết, khó truy tìm định vị hay trả lại hàng đã mua.

Đây là một trong các nguyên nhân dẫn tới việc mua hàng trực tuyến chưa thực sự hấp dẫn người tiêu dùng và do vậy logistics cho thương mạiđiện tử cũng chưa thể phát triển. Vì vậy, việc nâng cao hiệu quả dịch vụ logistics nhằm hỗ trợ sự phát triển của thương mại điện tử đang là yêu cầu cấp bách.

Logistics và thương mại điện tử cần có sự liên hệ chặt chẽ Ảnh minh họa: Bộ Công Thương

Ở Việt Nam, các doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp thương mại điện tử phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, quy mô hoạt động còn chưa lớn, tính chuyên nghiệp chưa cao, và đặc biệt là chưa có sự liên kết chặt chẽ để phục vụ khách hàng.

Việc thiếu liên kết giữa doanh nghiệp thương mại điện tử và doanh nghiệp logistics là một điểm yếu của thương mại điện tử Việt Nam và cũng làm mất đi cơ hội của doanh nghiệp logistics.

Cùng đó, một số doanh nghiệp có tạo nên sự liên kết bước đầu, nhưng sự thiếu chuyên nghiệp, không đánh giá hết vai trò của công nghệ là nguyên nhân làm hiệu quả hợp tác chưa cao.

Chính vì vậy, hội thảo "Logistics và Thương mại điện tử: Đồng hành để cùng phát triển" được tổ chức nhằm trao đổi, tìm nguyên nhân và đề xuất những giải pháp thiết thực, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của hai lĩnh vực này.

Hội thảo dự kiến có sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến logistics và thương mại điện tử, các hiệp hội hoạt động trong lĩnh vực logistics và thương mại điện tử, các doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp thương mại điện tử, các tổ chức nghiên cứu, đào tạo trong lĩnh vực logistics và thương mại điện tử.

Cục Xuất nhập khẩu kỳ vọng bên cạnh hoạt động chuyên môn nhằm triển khai những mục tiêu cụ thể của kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Đây cũng là bước đi hướng đến sự phát triển của kinh tế số tại Việt Nam trong thời gian tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục