Sự cố ở Quỹ tín dụng Thái Bình không ảnh hưởng tới hoạt động tín dụng ở Đồng Nai

12:55' - 22/11/2017
BNEWS Việc Quỹ tín dụng Nhân dân Thái Bình (tỉnh Đồng Nai) mất khả năng chi trả đã gây xôn xao dư luận. Ngày 21/11, NHNN và NHNN chi nhánh Đồng Nai đã họp để tìm cơ chế giải quyết sự việc xảy ra ở quỹ này.

Việc Quỹ tín dụng Nhân dân Thái Bình (phường Tân Hòa, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) mất khả năng chi trả, giám đốc quỹ rời khỏi địa phương đã làm xôn xao dư luận, ảnh hưởng đến tâm lý người gửi tiền tại các tổ chức tín dụng, đặc biệt là quỹ tín dụng nhân dân.

Để hiểu rõ về vụ việc, có cái nhìn đúng đắn, khách quan về vấn đề này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai.

Phóng viên: Xin ông cho biết cụ thể hơn về vấn đề mất khả năng chi trả tại Quỹ tín dụng nhân dân Thái Bình?

Ông Trần Quốc Tuấn: Quỹ tín dụng nhân dân Thái Bình thành lập vào năm 1994, do 10 thành viên góp vốn, ông Vũ Công Liêm (ngụ phường Tân Hòa, thành phố Biên Hòa) làm giám đốc. Quỹ hoạt động theo mô hình hợp tác xã và Luật Các tổ chức tín dụng.

Việc Quỹ tín dụng nhân dân Thái Bình mất khả năng chi trả cho khoảng 80 khách hàng với số tiền hơn 50 tỷ đồng đã xảy ra từ đầu năm 2017.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai tiến hành thanh kiểm tra, thấy quỹ vi phạm các quy định trong huy động, sử dụng vốn nên gửi văn bản đề nghị Công an tỉnh Đồng Nai vào cuộc điều tra. Giữa năm 2017, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố vụ án.

Ngày 20/11, sau khi biết thông tin ông Liêm rời khỏi địa phương, hàng chục người đã đến trụ sở giao dịch Quỹ tín dụng nhân dân Thái Bình, đòi lại tiền đã gửi.

Ngay khi sự việc xảy ra, chính quyền địa phương và đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh Đồng Nai đã có mặt, mời người dân về trụ sở UBND phường Tân Hòa để ghi nhận, tổng hợp ý kiến và tìm hướng xử lý.

Phóng viên: Quỹ tín dụng Nhân dân Thái Bình mất khả năng thanh khoản đã diễn ra từ lâu, vậy Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai đã phát hiện và xử lý việc này như thế nào?

Ông Trần Quốc Tuấn: Qua quá trình giám sát, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai nhận thấy quá trình hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân Thái Bình có những bất thường.

Năm 2015, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai tiến hành thanh tra tại quỹ này, phát hiện quỹ có những sai phạm nên đã tiến hành xử phạt hành chính. Đồng thời chỉ đạo quỹ khắc phục tồn tại, chấn chỉnh công tác huy động và sử dụng vốn.

Tuy nhiên, Quỹ tín dụng nhân dân Thái Bình, đứng đầu là Giám đốc Vũ Công Liêm đã không chấp hành nghiêm chỉ đạo. Sau đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai tiếp tục thanh tra, đề nghị công an vào cuộc điều tra.

Phóng viên: Ông có thể nói rõ hơn về những sai phạm tại Quỹ tín dụng nhân dân Thái Bình?

Ông Trần Quốc Tuấn: Ông Vũ Công Liêm sử dụng uy tín cá nhân, uy tín của quỹ tín dụng nhân dân để huy động và sử dụng tiền gửi trái quy định của pháp luật và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Cá nhân ông Liêm đã thao túng quỹ, cố ý làm trái nhằm tư lợi, chỉ đạo các nhân viên dưới quyền làm sai, làm giả hồ sơ để rút tiền sử dụng cho mục đích cá nhân. Sau khi gây ra sai phạm, ông Liêm bỏ trốn.

Phóng viên: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai có trách nhiệm như thế nào khi Quỹ tín dụng nhân dân Thái Bình mất khả năng chi trả?

Ông Trần Quốc Tuấn: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai đã kiểm tra, giám sát, song chưa kịp thời phát hiện và xử lý sớm.

Phóng viên: Quỹ tín dụng nhân dân Thái Bình đã mất khả năng chi trả, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai sẽ có những giải pháp gì đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền?

Ông Trần Quốc Tuấn: Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai đã đề nghị tịch thu tài sản của ông Liêm để xử lý đối với những khoản tiền gửi lớn của khách hàng. Hiện ngành chức năng đã niêm phong tài sản của ông Vũ Công Liêm.

Ngoài ra, Cơ quan bảo hiểm tiền gửi đang tiến hành thủ tục và sẽ chi trả từng bước đối với khoản bảo hiểm tiền gửi của khách hàng tại Quỹ tín dụng Thái Bình theo đúng quy định của pháp luật.

Trường hợp cần thiết, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai sẽ kiến nghị địa phương và Nhà nước hỗ trợ thêm cho khách hàng gửi tiền tại quỹ này.

Ngày 21/11, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cùng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai họp bàn, tìm cơ chế giải quyết sự việc xảy ra tại Quỹ tín dụng nhân dân Thái Bình.

Phóng viên: Quỹ tín dụng nhân dân Thái Bình mất khả năng chi trả ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động của các tổ chức tín dụng và tâm lý của người gửi tiền tại Đồng Nai?

Ông Trần Quốc Tuấn: Trên địa bàn Đồng Nai có 52 chi nhánh ngân hàng và 36 quỹ tín dụng nhân dân.

Đến giữa tháng 11/2017, huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 165.000 tỷ đồng; trong đó quỹ tín dụng nhân dân huy động được 2.300 tỷ đồng. Quỹ tín dụng nhân dân Thái Bình là một quỹ nhỏ, việc quỹ mất khả năng thanh khoản với số tiền hơn 50 tỷ đồng không ảnh hưởng đến hoạt động của các tổ chức tín dụng khác.

Tuy nhiên, sau sự việc, tâm lý của người gửi tiền bị ảnh hưởng, nhiều người chưa hiểu bản chất sự việc nên hoang mang, lo lắng. Một số người đến các ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân rút tiền.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai khẳng định, toàn bộ hệ thống tín dụng ở Đồng Nai đang hoạt động bình thường, đảm bảo tính thanh khoản.

Sự việc tại Quỹ tín dụng nhân dân Thái Bình đang được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai phối hợp cùng công an, chính quyền địa phương giải quyết trên nguyên tắc công khai, minh bạch, làm triệt để.

Người gửi tiền tại các tổ chức tín dụng cần bình tĩnh, có cái nhìn toàn diện về vấn đề, tuyệt đối không tin vào những lời đồn thổi.

Phóng viên: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai sẽ có những giải pháp gì để ngăn chặn những sai phạm trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, không lặp lại vụ việc như Quỹ tín dụng nhân dân Thái Bình?

Ông Trần Quốc Tuấn: Định kỳ mỗi tháng 1 lần, các tổ chức tín dụng sẽ gửi báo cáo về Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai vẫn thường xuyên kiểm tra, kiểm soát hoạt động tại các tổ chức tín dụng.

Quá trình thanh kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai xử phạt hành chính, yêu cầu họ cũng cố lại hệ thống quản trị điều hành, nâng cao chất lượng tín dụng.

Đối với quỹ tín dụng nhân dân, từ đầu năm 2017 đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai đã thanh tra, xử phạt hành chính 10 đơn vị với số tiền gần 100 triệu đồng.

Có quỹ nghiêm trọng như Quỹ tín dụng nhân dân Dầu Giây (huyện Thống Nhất), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai đã cách chức giám đốc, thay toàn bộ ban điều hành.

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai sẽ tăng cường giám sát, đẩy mạnh thanh kiểm tra các quỹ tín dụng nhân dân. Khi phát hiện quỹ vi phạm quy định pháp luật, Ngân hàng Nhà nước sẽ lập tức xử lý, không để sự việc kéo dài.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục