Xu hướng giảm lãi suất ngày càng lan rộng trên thế giới

08:00' - 21/05/2025
BNEWS Các ngân hàng trung ương tại các nền kinh tế chủ chốt khu vực châu Phi đang trong quá trình xem xét điều chỉnh lãi suất trong những tuần tới.

Đối với hầu hết các quốc gia, đây sẽ là cuộc họp đầu tiên để xem xét mức lãi suất kể từ khi Mỹ áp dụng mức thuế phổ cập 10% và đánh thuế quan cao với Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi - trước khi giảm xuống còn 30% trong 90 ngày.

 

Để ứng phó với tác động đến nền kinh tế, Ai Cập, Nam Phi, Kenya, Mozambique, Eswatini và Lesotho có thể sẽ giảm lãi suất. Những nước khác bao gồm Nigeria, Zambia, Angola và Ghana có thể sẽ giữ nguyên lãi suất ở mức hiện tại và bắt đầu nới lỏng vào nửa cuối năm khi tình trạng giảm phát diễn ra nhanh hơn.

Vào tháng Tư, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2025 cho tất cả các quốc gia này, ngoại trừ Eswatini, với lý do "nhu cầu bên ngoài thấp hơn, giá hàng hóa giảm và điều kiện tài chính thắt chặt hơn, với mức hạ đáng kể hơn đối với các nước xuất khẩu hàng hóa và những quốc gia có mức độ tiếp xúc thương mại lớn hơn với Mỹ".

Tại cuộc họp mới đây, Ủy ban chính sách tiền tệ (MPC) của Ngân hàng Trung ương Nigeria (CBN) có thể sẽ duy trì lãi suất chủ chốt ở mức 27,5% trong cuộc họp thứ hai liên tiếp để giảm bớt áp lực giá cả. Tại nền kinh tế chủ chốt ở Tây Phi này, lạm phát vẫn ở mức cao 23,7% và áp lực lên đồng naira chỉ mới giảm bớt gần đây sau đợt bán tháo vào tháng 4 do giá dầu - mặt hàng xuất khẩu chính của nước này - sụt giảm. Nhà kinh tế trưởng Gbolahan Taiwo của JPMorgan Chase & Co. cho biết có "một số dư địa để CBN cắt giảm lãi suất" trong nửa cuối năm vì dự kiến sẽ có tình trạng giảm phát.

Angola, quốc gia sản xuất dầu lớn thứ ba của châu Phi, có thể cũng sẽ giữ nguyên lãi suất chuẩn ở mức 19,5% lần thứ sáu liên tiếp vào ngày 21/5. Ngân hàng trung ương Angola sẽ muốn đánh giá tác động của việc giá dầu giảm mạnh kể từ giữa tháng 1 đối với đồng nội tệ của nước này. Ngân hàng trung ương Angola cũng sẽ theo dõi tác động của việc tăng giá nước và điện vào tháng tới đối với lạm phát vốn giảm xuống còn 22,3% vào tháng 4 từ mức đỉnh điểm là 31,1% vào tháng 7 năm ngoái. Chuyên gia kinh tế vĩ mô Samantha Singh-Jami tại Rand Merchant Bank cho biết nếu xu hướng giảm phát tiếp tục, ngân hàng trung ương nước này có thể bắt đầu giảm lãi suất vào nửa cuối năm nay.

Các ngân hàng trung ương ở Zambia và Ghana, đã bất ngờ cắt giảm lãi suất tại cuộc họp lần trước xuống còn 14,5% và 28%, hiện đang giữ nguyên chính sách trong khi chờ xem liệu sức mạnh tiền tệ gần đây có giúp kiềm chế lạm phát hay không. Những quan chức Zambia vào ngày 23/5 sẽ phải xem xét mức tăng giá 5% của đồng kwacha so với đồng USD kể từ tháng 4 cũng như chi phí vận chuyển giảm. Trong khi Ngân hàng trung ương Ghana sẽ đưa ra quyết định vào ngày 26/5 để ứng phó với việc đồng cedi đã tăng 26%. Trong ngày 22/5, Ngân hàng Trung ương Ai Cập được cho là sẽ hạ chi phí vay 200 điểm cơ bản xuống còn 23%, sau khi cắt giảm 225 điểm cơ bản vào tháng 4.

Mozambique, nơi lãi suất được điều chỉnh theo lạm phát đang ở mức dương, cũng có thể giảm lãi suất vào ngày 28/5, lần giảm thứ chín liên tiếp. Chuyên gia kinh tế vĩ mô Samantha Singh-Jami cho biết "dự kiến sẽ cắt giảm 50 điểm cơ bản" xuống còn 11,25% trong bối cảnh tỷ lệ lạm phát của quốc gia miền Nam châu Phi này là 4,8% vào tháng Ba.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Nam Phi được dự báo sẽ tiếp tục chu kỳ cắt giảm lãi suất và hạ lãi suất chuẩn 25 điểm cơ bản xuống còn 7,25%.

Eswatini và Lesotho, hai quốc gia có tiền tệ được neo theo đồng rand, có thể sẽ hạ lãi suất chủ chốt và Kenya, quốc gia sẽ được hưởng lợi từ việc cải thiện những điều khoản thương mại, cũng được dự báo sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ. Các chuyên gia Andrew Matheny và Mambuna Njie của Goldman Sachs Group Inc. đã lưu ý khách hàng rằng: "Chúng tôi tiếp tục kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Kenya sẽ cắt giảm lãi suất chính sách tại các cuộc họp liên tiếp từ 10% xuống còn 8,5%".

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục