Kinh tế tư nhân: Chuyển động để bắt kịp với xu hướng phát triển

15:47' - 31/08/2017
BNEWS Kinh tế tư nhân đang có sự chuyển biến về quy mô; chất lượng nguồn nhân lực; kinh nghiệm quản lý và quản trị nhân sự… để bắt kịp với xu hướng phát triển.
Kinh tế tư nhân: Đổi mới cách nghĩ, cách làm và chủ động vươn lên.

Ảnh minh họa: TTXVN

Với vai trò được khẳng định ngày càng quan trọng đối với sự tăng trưởng kinh tế, khu vực kinh tế tư nhân đang có sự chuyển biến rõ nét về quy mô hoạt động; chất lượng nguồn nhân lực; kinh nghiệm quản lý và quản trị bộ máy nhân sự… để bắt kịp với xu hướng phát triển trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Thay vì chờ đợi cơ chế ưu đãi hoặc trông vào nguồn hỗ trợ của nhà nước, nhiều doanh nghiệp tư nhân đã chủ động tiếp cận những nguồn lực khác; chủ động hợp tác trong sản xuất và kinh doanh; tìm cách đổi mới công nghệ và trình độ của đội ngũ cán bộ nhân viên….

Tất cả đều có chung một nhận định: Nếu không tự thân đổi mới và chủ động vươn lên, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp khó có thể tồn tại.

Trong số những điển hình nổi bật của khu vực kinh tế tư nhân, không thể không nhắc tới những thương hiệu đang “nổi cồn” trên thị trường trong nhiều lĩnh vực như TH True Milk, Vinamilk (chuyên sản xuất sữa và sản phẩm từ sữa); Vingroup hay Sun group (đầu tư xây dựng bất động sản); Thép Hòa Phát…

Họ đều chọn những hướng đi riêng của mình, nhưng tựu trung đều phát huy năng lực nội tại, dám đối mặt với những thách thức về tài chính, về công nghệ và trình độ quản trị; đồng thời, chủ động tìm giải pháp nâng cao năng lực và trình độ chuyên môn để vươn lên. Cơ bản là không thụ động và chờ đợi sự hỗ trợ hay những ưu đãi từ phía nhà nước.

“Khắc phục những bất cập của chính sách; tìm kiếm cơ hội trong những khó khăn, thách thức của thị trường để tích lũy uy tín và danh tiếng cho thương hiệu” là tôn chỉ mà họ hướng tới.

Chia sẻ về cách làm của doanh nghiệp, bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH cho biết: “Chiến lược sản phẩm và định vị TH đã làm nên kỳ tích cho một thương hiệu non trẻ. Chưa đầy 5 năm, TH đã xác lập kỷ lục Trang trại ứng dụng công nghệ cao lớn nhất Châu Á, chiếm trên 40% thị phần sữa tươi của Việt Nam; góp phần làm lành mạnh thị trường sữa bằng cách đấu tranh và kiến nghị các cơ quan chức năng phải minh bạch ngay các tiêu chí về sản phẩm sữa trên bao bì nhãn mác và trên hết là xây dựng được tiêu chuẩn dòng sữa học đường. Rồi đến các sản phẩm khác như rau FVF, TH Herbals ra đời, đạt chứng nhận tiêu chuẩn Organic Châu Âu và Mỹ".

Nhìn lại phía sau còn đa số các doanh nghiệp tư nhân (quy mô nhỏ và siêu nhỏ) đang loay hoay tìm hướng đi cho mình, ông Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế phân tích, trong bao năm qua, các doanh nghiệp ngoài nhà nước luôn phải đối diện với nhiều thiếu thốn.

Từ thiếu vốn đến thiếu máy móc thiết bị và công nghệ hiện đại; thiếu nguồn nhân lực và lao động trình độ tay nghề giỏi hay thiếu đất đai, tư liệu sản xuất để mở rộng nhà xưởng... cho đến thiếu sự hỗ trợ thiết thực của các cơ quan chức năng.

Thậm chí, họ còn thiếu cả cơ hội để học hỏi, nâng cao trình độ quản lý, quản trị doanh nghiệp, cơ hội tiếp cận với những thị trường, những hợp đồng kinh doanh và những bạn hàng phù hợp…

Theo ông Ánh, chính vì điều kiện thiếu thốn ấy đã buộc không ít doanh nghiệp ngoài nhà nước, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân phải "vật lộn" để tồn tại và vươn lên trong môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Trong bối cảnh đó, ông Don Lam, Tổng giám đốc, Tập đoàn VinaCapital phản ánh, đa phần các doanh nghiệp tư nhân đều trông chờ chủ yếu vào nguồn vốn vay ngân hàng. Trong khi đó, thị trường vốn của Việt Nam cũng đang mở rộng khá nhanh chóng, có thể giúp một công ty lớn huy động được nguồn vốn mà không cần đến ngân hàng, thì các doanh nghiệp quy mô nhỏ vẫn chưa biết cách tiếp cận để tìm kiếm và tận dụng cơ hội tài chính này để giúp bản thân đổi mới và vươn lên.

Bằng chứng là không chỉ có các công ty tư nhân nhỏ và vừa, kể cả các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng đang vô cùng chật vật thu hút đầu tư vốn. Ông Don Lam tỏ ra khá trăn trở và quan ngại, có đến 70% các công ty tư nhân nhỏ và vừa đang buộc phải tìm đến thị trường tín dụng đen để có vốn hoạt động.

Ông Trần Thanh Nam, Giám đốc điều hành về ứng dụng thanh toán của Moca (Fintech) – một trong những định chế tài chính nước ngoài tại Việt Nam cho hay, đầu tư cho sáng tạo từ các nhà đầu tư nước ngoài thường có hai hình thức là vay vốn chuyển đổi hoặc trái phiếu doanh nghiệp chuyển đổi.

Tuy nhiên, đầu tư cho sáng tạo từ doanh nghiệp Việt Nam không thể phát hành trái phiếu vì theo luật thì phải có lãi mới được phát hành. Để nhận vốn đầu tư, doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng và các doanh nghiệp tư nhân nói chung đang phải “lách” để nhận vốn theo dạng vay chuyển đổi. Như vậy là hết sức khó khăn và trở ngại

Đứng trước thực tế này, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đưa ra một số khuyến nghị nhằm tăng cường thu hút đầu tư vào phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

Ông cho rằng, bất cứ nguồn lực nào dù là đầu tư trong hay ngoài nước đều có ý nghĩa quan trọng và giá trị đối với mọi doanh nghiệp. Hãy gỡ bỏ những rào cản về môi trường kinh doanh; cải thiện sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp tư nhân so với các doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Cùng với đó, tăng cường khả năng tiếp cận thông tin về thị trường, về chính sách và các quy định của nhà nước của các doanh nghiệp tư nhân, giảm tối đa các chi phí tuân thủ và chi phí kinh doanh….

Đó cũng là cách tăng cường chỉ số niềm tin của các nhà đầu tư đối với hệ thống chính sách, cũng như đối với khả năng và cơ hội phát triển của doanh nghiệp.

Hơn nữa, bản thân doanh nghiệp cũng cần có giải pháp để nâng cao năng lực của chính mình, đặc biệt là năng lực về quản trị và điều hành bộ máy. Cơ bản là phải tạo nên sự khác biệt, giúp các nhà đầu tư quan tâm, phân biệt và so sánh được với những sản phẩm, những thương hiệu và doanh nghiệp tương tự trên thị trường./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục