Tác động của chính sách thương mại Mỹ đối với WTO

06:30' - 15/04/2018
BNEWS Tổng thống Trump chủ trương thay thế cơ chế thương mại đa phương hiện nay bằng các hiệp định song phương, mà Washington muốn thương thuyết lại theo hướng có lợi hơn cho Mỹ.
Trụ sở chính của WTO tại Geneva, Thụy Sỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Chủ trương của Washington tăng mạnh thuế nhập khẩu đối với mặt hàng thép, nhôm hồi tháng 3/2018, đe dọa tăng thuế với hàng chục tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc, và những phát biểu mang tính trả đũa qua lại giữa các nền kinh tế lớn trên thế giới đã làm dấy lên quan ngại về nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến thương mại toàn cầu.

Những lời đe dọa áp dụng các biện pháp đơn phương trong thương mại bất chấp Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) của Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến nhiều người đặt câu hỏi: Liệu định chế quốc tế chủ yếu được coi là nền tảng của “thương mại tự do” toàn cầu, ra đời từ sau Chiến tranh lạnh này, có thể bị ảnh hưởng như thế nào?

Ngay từ trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016, ông Trump đã rầm rộ tuyên bố chống lại “thương mại tự do”, đề cao chủ nghĩa bảo hộ với tinh thần “nước Mỹ trên hết”. Từ khi vào Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ liên tục lên án WTO, tổ chức quốc tế với 164 thành viên, bất chấp các kêu gọi của Liên minh châu Âu (EU) và nhiều quốc gia khác. 

Ông Trump chủ trương thay thế cơ chế thương mại đa phương hiện nay bằng các hiệp định song phương, mà Washington muốn thương thuyết lại theo hướng có lợi hơn cho Mỹ.

Trả lời Le Figaro, chuyên gia kinh tế Pháp Jean-Marc Siroen nhận định Mỹ có thể ra khỏi WTO và gây áp lực với các nước khác để họ cũng có động thái tương tự, hoặc không tôn trọng các quy tắc của tổ chức này, cho dù có bị WTO trừng phạt. Lý do để ra khỏi WTO, mà Mỹ có thể nêu ra, là tổ chức này bất lực trong việc giúp Mỹ bảo vệ quyền lợi của mình.

Các nhà quan sát đặc biệt chú ý đến việc Washington viện dẫn đến điều khoản về “an ninh quốc gia”, để biện minh cho việc đưa ra các sắc thuế mới. Tổng thống Mỹ dựa vào một điều khoản rất hiếm khi được chính quyền Mỹ sử dụng. Đó là Điều 232 trong bộ luật về thương mại Trade Expansion Act năm 1962.

WTO cũng có điều khoản tương tự. Điều 21 trong thỏa thuận GATT (Hiệp ước chung về thuế quan và thương mại), vẫn có hiệu lực với WTO, quy định là không quốc gia nào có thể bị ngăn cản đưa ra các quyết định “cần thiết để bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia chủ yếu”.

Nhiều chuyên gia gọi đây là “chiếc hộp Pandore” - sự tích trong thần thoại Hy Lạp nói về một chiếc hộp bí hiểm, một khi đã mở ra thì tai họa tràn ngập, không có cách vãn hồi. Cho đến nay, chưa bao giờ cơ quan trọng tài của WTO ra phán quyết về một vụ kiện tụng liên quan đến điều 21, được ví với chiếc hộp Pandore này.

Nỗi lo sợ của nhiều quốc gia là một khi quan điểm “an ninh quốc gia” của Tổng thống Mỹ được chấp nhận, thì đây là cú hích đầu tiên đẩy các quốc gia đi vào con đường chạy đua mỗi người vì mình, với hệ quả là đủ loại sắc thuế mới mọc lên, làm tan vỡ hệ thống thương mại toàn cầu hiện nay.

Theo chuyên gia thương mại quốc tế Edward Alden, thuộc Hội đồng tư vấn Mỹ về quan hệ quốc tế, ngày nào Mỹ đơn phương đánh thuế thép, nhôm, ngày đó là ngày báo tử của WTO, bởi thế giới sẽ bước vào một vòng xoáy trả đũa không dứt, và cho dù WTO không biến mất, thì vai trò của định chế này cũng sẽ bị sa sút nghiêm trọng.

Vào thời điểm hiện tại, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiến hành nhiều mũi tấn công nhắm vào WTO. Một mặt, đe dọa sử dụng điều khoản “an ninh quốc gia” như đã nói trên, hành động có thể khiến WTO tan vỡ, nhưng mặt khác cũng sử dụng kênh truyền thống là đưa các quốc gia đối thủ ra Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO, với các khiếu nại, được coi là không thách thức sự tồn tại của định chế quốc tế này.

Cụ thể là ngày 23/3, Washington quyết định khởi kiện Trung Quốc lên WTO, với lý do Bắc Kinh “xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp Mỹ”. Washington tố cáo Bắc Kinh ép buộc các doanh nghiệp nước ngoài, có hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc, buộc phải chuyển giao toàn bộ hoặc một phần bí quyết công nghệ cho các đối tác Trung Quốc.

Việc chính quyền Mỹ vừa tấn công vào tính hợp pháp của WTO, lại vừa nhờ cậy đến WTO trong các tranh chấp không hề mâu thuẫn.Theo ông Peter Ungphakorn, cựu phát ngôn viên của WTO, người từng làm việc tại định chế này trong hai thập niên, chính quyền Trump “sẽ sử dụng bất cứ vũ khí nào cho phép họ giành thắng lợi”. Washington rất có thể, một mặt tuyên bố sẽ tiếp tục làm việc trong khuôn khổ WTO, nhưng mặt khác sẵn sàng lờ đi các quy tắc của WTO, nếu cần thiết.

Vấn đề là việc Mỹ quyết định đưa tranh chấp ra cơ quan phán xử của WTO diễn ra đúng vào lúc cơ quan này đang đứng trước viễn cảnh tê liệt hoàn toàn, do chủ trương của Mỹ. Để hoạt động phán xử được tiến hành đúng thủ tục, cần tối thiểu 4 thẩm phán. Hiện tại, trong số 7 thẩm phán, chỉ còn đúng 4 người đang làm việc.

Tuy nhiên, đến ngày 30/9 tới, sẽ có thêm một thẩm phán mãn nhiệm.Từ nhiều tháng nay, Washington đã cố tình ngăn cản việc bổ nhiệm ba ghế thẩm phán bị thiếu.Nguyên tắc đồng thuận buộc việc bổ nhiệm một thẩm phán phải được sự chấp thuận của toàn bộ 164 thành viên WTO.

Cơ chế trọng tài giải quyết tranh chấp được coi là linh hồn của WTO. Theo Tổng Giám đốc WTO, ông Roberto Azevedo, nếu cơ chế này bị xâm phạm, thì toàn bộ hệ thống sẽ bị tan rã.

Kể từ khi thành lập năm 1995 đến nay, với cơ chế trọng tài nói trên, định chế thương mại quốc tế đa phương WTO đã xử lý hơn 500 vụ kiện tụng giữa các quốc gia thành viên. Mỹ đã kiện lên WTO hơn 100 lần và đã giành thắng lợi khoảng “90%”.Ngược lại, Washington cũng đã thua kiện trong 75% trường hợp đơn kiện chống lại Mỹ.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO cho phép các quốc gia giải quyết một cách hòa bình các mâu thuẫn, tránh không rơi vào các chiến tranh thương mại.

Một số nhà quan sát cho rằng ẩn sau các lời đe dọa chiến tranh thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump, chống lại WTO, là nỗ lực của Washington nhằm “cải tổ” WTO để khiến định chế này có lợi hơn cho Mỹ. 

Cuối tháng 3/2018, Washington bổ nhiệm đại diện mới tại WTO, sau một thời gian dài ghế này bị bỏ trống, luật sư Robert Lighthizer, 69 tuổi, người nổi tiếng có quan điểm cứng rắn, giống như bộ trưởng Thương Mại Wilbur Ross và lãnh đạo Hội đồng thương mại quốc gia Peter Navarro.

Theo nhiều nhà quan sát, ý định chính mà chính quyền Donald Trump nhắm đến là Trung Quốc, bên ngoài các cải tổ mang tính kỹ thuật mà Washington đề xuất. Trong báo cáo về chính sách thương mại thường niên của Mỹ năm 2018, được công bố hồi tháng 3, Trung Quốc bị lên án “cho dù là thành viên WTO từ hơn 16 năm nay, nhưng vẫn chưa áp dụng hệ thống kinh tế thị trường mà tất cả các thành viên WTO mong đợi. Và trên thực tế, Trung Quốc ngày càng xa rời với các nguyên tắc thị trường trong những năm gần đây”.

Theo chính quyền Mỹ, chừng nào Trung Quốc vẫn tự phát triển theo cách riêng của họ, thì Washington phải có nghĩa vụ tự vệ để bảo vệ lợi ích của mình. Như vậy, WTO trong thời gian tới có thể sẽ trở thành một sàn đấu chính của Mỹ chống lại Trung Quốc./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục