Tại sao các doanh nghiệp Mỹ phản đối hồ sơ khí hậu của Tổng thống Trump?

05:30' - 16/06/2017
BNEWS Quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận chống biến đổi khí hậu của Tổng thống Donald Trump đã làm dấy lên làn sóng phản đối từ đảng Dân chủ, giới doanh nghiệp và các tổ chức bảo vệ môi trường.
Tại sao các doanh nghiệp Mỹ phản đối hồ sơ khí hậu của Tổng thống Mỹ Donald Trump? Ảnh: Reuters

Tổng thống Trump ngày 1/6 thông báo Mỹ rút khỏi thỏa thuận chống biến đổi khí hậu, được ký kết 18 tháng trước đó nhân thượng đỉnh COP 21 ở Paris. Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông đại diện cho quyền lợi của công dân Mỹ chứ không phải cho Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Các doanh nghiệp lớn nhất tại Mỹ, từ Apple đến Tesla, từ tổng giám đốc tập đoàn giải trí Disney, đến lãnh đạo công ty nặng ký trong trong ngành hóa chất Dow Chemical đều giữ khoảng cách và chống đối việc Mỹ bỏ cuộc trên hồ sơ khí hậu.

Những doanh nghiệp khổng lồ như tập đoàn sản xuất dầu mỏ ExxonMobil và các nhà sản xuất than cũng ngay lập tức đề nghị ông Trump ngừng rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris.

Câu hỏi đặt ra là tại sao những cây đại thụ của nền công nghiệp Mỹ như công ty điện lực General Electric, hãng nước ngọt Coca Cola hay tập đoàn xe hơi General Motors lại phản đối quyết định này của Tổng thống Trump?

Đơn giản là vì các công ty Mỹ đã đầu tư rất nhiều để tiến hành "cuộc cách mạng năng lượng xanh". Trong số này phải kể đến những tên tuổi hàng đầu của nền công nghiệp Mỹ như Coca Cola, hay General Electric. Theo thứ tự, cả hai đã cam kết giảm 25% và 20% lượng khí thải carbon từ nay đến năm 2020.

Một người khổng lồ khác là Apple thì hứa sẽ sử dụng 100% năng lượng tái tạo trong các hoạt động trên lãnh thổ Mỹ. Để đạt được những mục tiêu đầy tham vọng như vậy, các công ty Mỹ đã đầu tư hàng tỷ đô la và không một ai muốn bị mất khoản vốn đã chi ra đó.

Một yếu tố khác quan trọng không kém là khách hàng của một số hãng Mỹ ngày càng quan tâm đến môi trường và muốn sang trang thời kỳ năng lượng hóa thạch. Ý thức này phần nào được giải thích vì giá thành của năng lượng tái tạo trong ba năm trở lại đây đã giảm đi đáng kể.

Ngược lại thì đầu tư vào công nghệ than, hay dầu mỏ lại không có lợi bằng, theo như giải thích của chủ tịch tổng giám đốc tập đoàn năng lượng Duke Energy trên tờ Wall Street Journal gần đây. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là tất cả các doanh nghiệp của Mỹ đều quyết tâm chống biến đổi khí hậu.

Hiệp hội API bao gồm hơn 600 doanh nghiệp trong ngành dầu khí vẫn không tin vào những lập luận chứng minh rằng Trái đất đang ấm lên, đồng thời cho rằng công nghệ dầu mỏ, than đá và khí đá phiến ở Mỹ vẫn có nhiều triển vọng được phát triển thêm nữa.

Theo nhà chiến lược Ford O'Connell của đảng Cộng hòa, nếu ông Trump thông qua Hiệp định Paris, điều đó sẽ là một "cái tát trời giáng" đối với những người đã đưa ông lên nắm quyền. Tại Nhà Trắng, ông Trump tuyên bố rằng Mỹ đã "thoát khỏi" Hiệp định Paris.

Ông O'Connell nói: "Điều này giúp Tổng thống có được nền tảng chính trị vững chắc được xây dựng bởi chính những người đã đưa ông lên nắm quyền”.

Nhà chiến lược Brad Bannon của đảng Dân chủ cho rằng ông Trump không quá quan tâm đến những chỉ trích về quyết định của ông. Ông chỉ làm theo điều mà ông cho là đúng. Tuy ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu không phải là ưu tiên hàng đầu của nước Mỹ, nhưng ông Bannon vẫn cho rằng ông Trump sẽ gặp phải những bất lợi khi đưa ra quyết định này.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục