Tân Tổng thư ký LHQ António Guterres cam kết cải tổ LHQ

08:11' - 13/12/2016
BNEWS Tân Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres đã chính thức tuyên thệ nhậm chức, đánh dấu lần đầu tiên một cựu nguyên thủ quốc gia nắm vai trò lãnh đạo tổ chức này.
Ông Antonio Guterres tuyên thệ nhậm chức Tổng thư ký LHQ tại New York ngày 12/12. Ảnh: AP/ TTXVN

Sáng 12/12 (giờ New York), tại phòng họp lớn của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (ĐHĐ LHQ), cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha ông António Guterres đã chính thức tuyên thệ nhậm chức để trở thành Tổng thư ký thứ 9 của LHQ.

Trước toàn thể ĐHĐ gồm 193 thành viên, ông António Guterres đã đọc lời tuyên thệ sẽ nỗ lực hết mình vì lợi ích của LHQ, từ chối mọi chỉ dẫn của bất kỳ chính phủ hay thế lực nào.

Theo phóng viên TTXVN tại LHQ, ngay sau khi tuyên thệ, ông António Guterres đã có bài phát biểu trước các vị đại sứ, quan khách, cam kết sẽ tiến hành cuộc cải tổ khâu quản lý để đảm bảo rằng LHQ có thể hoạt động "mau lẹ, hiệu quả, và năng suất".

Ông nhấn mạnh: "LHQ cần phải chú trọng nhiều hơn đến quá trình thực thi và rút ngắn thời gian lên kế hoạch, chú trọng nhiều hơn đến con người và giảm bớt những thủ tục quan liêu". Theo tân Tổng thư ký, ưu tiên của LHQ là giải quyết những vấn đề gốc rễ của vô số những thách thức đang đặt ra đối với toàn bộ ba trụ cột của LHQ - hòa bình và an ninh, phát triển bền vững và nhân quyền.

Ông Guterres, 67 tuổi, tốt nghiệp ngành kỹ sư vật lý và thông thạo 4 thứ tiếng: Bồ Đào Nha, Anh, Tây Ban Nha, Pháp. Trong thời gian giữ chức Thủ tướng Bồ Đào Nha từ năm 1995 đến 2002, ông được đánh giá có nhiều đóng góp vào công cuộc cải tổ hệ thống tài chính của Bồ Đào Nha.

Tân Tổng thư ký LHQ António Guterres cam kết cải tổ LHQ. Đồ họa: TTXVN

Sau khi đảng Xã hội thất bại trong cuộc bầu cử địa phương vào cuối năm 2001, ông quyết định từ chức vào năm 2002 và khẳng định sẽ dừng sự nghiệp chính trị trong nước để tập trung cho sự nghiệp ngoại giao ở nước ngoài. Ba năm sau đó, ông trở thành người phụ trách Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR).

Trong suốt một thập kỷ giữ cương vị này, ông được ghi nhận là đã có nhiều nỗ lực không mệt mỏi giúp đỡ những người phải rời bỏ nhà cửa để chạy trốn xung đột, nghèo đói và thiên tai.

Tuy nhiên, ông Guterres được cho là sẽ gặp không ít khó khăn thách thức trong nhiệm kỳ phía trước.

Ông sẽ phải tìm kiếm sự đồng thuận ở mức độ nào đó tại Hội đồng Bảo an về biện pháp giải quyết cuộc nội chiến kéo dài gần 6 năm qua ở Syria; tăng cường can dự để giải quyết triệt để cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine; tìm kiếm giải pháp cho chương trình hạt nhân của Triều Tiên; giải quyết các vấn đề biến đổi khí hậu, môi trường, di cư và kiểm soát biên giới...

>>> UNESCO: Thế giới có 55 di sản đang gặp nguy hiểm

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục