Nhóm công tác LHQ duy trì phán quyết đối với nhà sáng lập Wikileaks

13:17' - 01/12/2016
BNEWS Nhóm công tác chống giam giữ tùy tiện của LHQ bác bỏ đề nghị về việc xem xét lại phán quyết cho rằng nhà sáng lập trang mạng Wikileaks Julian Assange đang phải đối mặt với lệnh bắt giam tùy tiện.
Nhà sáng lập WikiLeaks Jullian Assange. Ảnh: Reuters/TTXVN

Trong tuyên bố đưa ra tại Geneva ngày 30/11, Nhóm công tác chống giam giữ tùy tiện của Liên hợp quốc khẳng định đề nghị của Anh không xác đáng do đó nhóm đã bác bỏ đề nghị này. Quyết định trên được đưa ra sau khi Nhóm công tác chống giam giữ tùy tiện trực thuộc Hội đồng Nhân quyền LHQ nhóm họp từ ngày 21 đến 25/11.

Trước đó, ngày 14/11, cơ quan tư pháp Thụy Điển đã bắt đầu tiến hành thẩm vấn ông Julian Assange tại Đại sứ quán Ecuador ở London.

Đây là lần đầu tiên ông Assange bị thẩm vấn kể từ sau lần lấy lời khai ban đầu của cảnh sát Thụy Điển liên quan đến đơn kiện về cáo buộc cưỡng dâm và tấn công tình dục của hai người phụ nữ mà nhà sáng lập của WikiLeaks tiếp xúc trong một chuyến đi đến Thụy Điển năm 2010.

Trong phán quyết đưa ra hồi tháng 2/1016, nhóm gồm 5 chuyên gia nhân quyền độc lập nêu rõ ông Assange đã bị Anh và Thụy Điển ra lệnh giam giữ một cách tùy tiện kể từ khi ông này bị bắt ở London hôm 7/12/2010.

Nhóm này khẳng định việc giam giữ Assange cần phải chấm dứt, thân thể cùng sự tự do đi lại của ông cần phải được tôn trọng và ông có quyền được đòi bồi thường.

Ông Assange - công dân Australia 45 tuổi - đã tị nạn trong Đại sứ quán Ecuador tại London từ tháng 6/2012 đến nay, sau khi các công tố viên Thụy Điển phát lệnh truy nã ông này trên khắp châu Âu.

Ông Assange từ chối đến Thụy Điển để trả lời thẩm vấn vì lo sợ bị dẫn độ sang Mỹ liên quan đến việc trang WikiLeaks đăng tải 500.000 tài liệu quân sự bí mật về các cuộc chiến của Mỹ tại Afghanistan và Iraq.

Hồi năm ngoái, các công tố viên Thụy Điển đã hủy cuộc điều tra về cáo buộc tấn công tình dục sau khi hết thời hạn truy tố 5 năm đối với tội này. Tuy nhiên, họ vẫn muốn thẩm vấn ông Julian Assange về cáo buộc cưỡng dâm - tội có thời hạn truy tố lên đến 10 năm.

Tháng 5 năm nay, một tòa án của Thụy Điển tái khẳng định lệnh truy nã đối với ông Assange vẫn còn nguyên hiệu lực. Tháng 9 vừa qua, WikiLeaks đã cho đăng hồ sơ bệnh án cho rằng sức khỏe tâm thần của Julian Assange đang gặp nguy hiểm nếu ông này phải ẩn náu lâu hơn trong Đại sứ quán Ecuador.

Trong những tuần cuối cùng của cuộc chạy đua vào Nhà Trắng ở Mỹ, WikiLeaks lại trở thành tâm điểm chú ý khi công bố hàng chục nghìn bức thư điện tử của ứng cử viên đảng Dân chủ Mỹ Hillary Clinton.

Ông Julian Assange đã khẳng định đây là hành động nhằm tác động đến cuộc bầu cử tại Mỹ - với chiến thắng thuộc về ứng cử viên đảng Cộng hòa Mỹ Donald Trump.

Sự kiện này đã gây ra căng thẳng trong mối quan hệ giữa ông Julian Assange và các vị chủ nhà tại Đại sứ quán Ecuador - những người đã cắt truy cập internet của ông này để bảo đảm chính sách "không can thiệp" vào công việc nội bộ và tiến trình bầu cử của nước khác./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục