Tăng năng lực chống ngập từ nền tảng công nghệ

14:54' - 16/12/2017
BNEWS Trong nhiều trận mưa, trên địa bàn Hà Nội liên tiếp xuất hiện những điểm úng ngậpm trongđó có những điểm cố hữu như: Phạm Văn Đồng (trước và đối diện Công ty Cầu 7), Phan Bội Châu – Lý Thường Kiệt.

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu toàn cầu. Vì vậy, dù khí hậu đã chuyển sang đông, khô hanh nhưng thời điểm này ở Hà Nội người dân vẫn chưa hết lo lắng cảnh ngập lụt với việc liên tục phải hứng chịu những trận mưa trái mùa.

Tăng năng lực chống ngập từ nền tảng công nghệ. Ảnh minh họa: TTXVN

Để giải quyết cơ bản tình trạng ngập lụt không thể "một sớm một chiều", do hệ thống thoát nước chưa được đầu tư đồng bộ. Vì vậy, trước hết, để người dân chủ động khắc phục tình trạng úng ngập, thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào việc nâng cao năng lực chống úng ngập trên địa bàn Thủ đô.

Có phải do hạ tầng chưa đồng bộ?

Trong nhiều trận mưa, trên địa bàn Hà Nội liên tiếp xuất hiện những điểm úng ngập. Trong số đó có những điểm cố hữu như: Phạm Văn Đồng (trước và đối diện Công ty Cầu 7), Phạm Văn Đồng (ngã ba Tân Xuân), Phan Bội Châu – Lý Thường Kiệt, Đội Cấn, Cao Bá Quát (trước cổng Công ty môi trường), Thụy Khuê (Chu Văn An-dốc La Pho), Tôn Đản (trước cửa khách sạn Thuỷ Tiên), Quang Trung - Trần Quốc Toản, Nguyễn Chính (từ ngõ 74 đến cống hóa mương Tân Mai), dốc Thanh Đàm, Hoàng Mai (từ ngõ 169 đến đường vào UBND phường Hoàng Văn Thụ), Nguyễn Khuyến…

Hay tại nhiều khu đô thị ở phía Tây Thủ đô, do hạ tầng chưa đồng bộ nên hễ mưa là ngập. Đơn cử các khu đô thị đường Lê Trọng Tấn; Thiên đường Bảo Sơn, Nam An Khánh (Hoài Đức) rơi vào tình trạng ngập úng nặng. Mỗi khi có những trận mưa to trên 40 mm, kéo dài khoảng trên 30 phút là đội công nhân Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội lại đứng ngồi không yên lo chống ngập, thoát nước.

Đã nhiều lần công ty này huy động cả 100% quân số để cảnh báo, vận hành máy bơm, khơi thông dòng chảy… nhưng việc tiêu thoát nước không được như mong muốn. Nước ngập chỉ rút khi trời ngớt mưa.

Nguyên nhân của việc ngập úng trên một số tuyến đường, khu đô thị ở Hà Nội được chỉ ra, do lượng mưa vượt quá năng lực thoát nước của thành phố; hạ tầng thoát nước chưa đồng bộ; việc kết nối hệ thống tiêu thoát nước của các chung cư với các kênh mương trên địa bàn chưa hợp lý; đô thị phát triển nhanh…. Nên “Điệp khúc lụt từ ngã tư đường phố” hay “Hà Nội mùa này phố cũng như sông” vẫn là một thực tế mà lãnh đạo thành phố Hà Nội trăn trở nhiều năm nay.

Để khắc phục trước mắt tình trạng úng ngập nước khi mưa lớn, cùng với việc tăng cường nạo vét, khơi thông dòng chảy, năng lực tiêu thoát thì Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao năng lực tiêu thoát nước trên địa bàn.

Với việc cho ra đời “Trung tâm điều hành hệ thống thoát nước Hà Nội”, được coi là đột phá về công nghệ, nhằm nâng cao năng lực tiêu thoát trên địa bàn Thủ đô khi mà hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ.

Giải pháp tối ưu

Hiện Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã lắp đặt 40 điểm đo mưa, phủ khắp trên địa bàn 29 quận, huyện của thành phố. Cùng với đó, Trung tâm điều hành hệ thống thoát nước Hà Nội còn liên kết với các trang dự báo thời tiết có uy tín nên đã hỗ trợ đưa ra các quyết định điều hành chính xác, kịp thời trong khâu chuẩn bị trước, trong và sau khi mưa.

Ngoài ra, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội còn lắp đặt 30 điểm đo mực nước tự động tại các vị trí quan trọng như: Cụm công trình đầu mối Yên Sở, các con sông thoát nước và một số hồ điều hòa có dung tích lớn như hồ Tây, hồ Linh Đàm, hồ Bảy Mẫu... nhằm đảm bảo điều hành, điều tiết mực nước trên toàn hệ thống theo qui định.

Còn tại các công trình đầu mối như Trạm bơm Yên Sở, trạm bơm Linh Đàm, đập Thanh Liệt, các trạm bơm phía Tây Nam Hà Nội bơm ra sông Nhuệ như: Đồng Bông I, Đồng Bông 2, Cổ Nhuế... cũng được lắp đặt thiết bị giám sát, kết nối với trung tâm điều hành hệ thống thoát nước của công ty.

Sau khi mưa xảy ra, các thông tin được truyền về "trung tâm chỉ huy", lãnh đạo công ty có thể thấy được từng khu vực, con phố nào đang ngập nặng cũng như mực nước các con sông để kịp thời bố trí mở cửa cống thoát nước, tăng cường nhân lực, thực hiện phương án chống ngập hợp lý, sát với tình hình.

Trong khi trước đây, khi chưa có ứng dụng công nghệ này thì lãnh đạo công ty thoát nước chỉ có thể nghe qua báo cáo bằng điện thoại (nhiều lúc nghe không rõ ràng do mưa lớn) từ những công nhân ứng trực tại điểm úng ngập.

Đặc biệt, nhằm giúp người dân Thủ đô có thể thấy được thực trạng mưa ngập để có phương án di chuyển sinh hoạt hợp lý, từ tháng 1/2017, các thông số của Trung tâm giám sát thoát nước Hà Nội đã được liên kết với Cổng thông tin điện tử của thành phố. Qua đó, người dân có thể truy cập, xem diễn biến mỗi trận mưa trên địa bàn.

Tìm hiểu tại quận Đống Đa cho thấy, với những thiết bị giám sát thoát nước hiện đại, các thông số về lượng mưa, mức độ ngập, lưu lượng nước... đều được cập nhật tự động liên tục 24/24 giờ. Từ số liệu của trung tâm sẽ được truyền tới, tất cả các đơn vị xí nghiệp để cập nhật hệ thống nắm bắt tình hình, phân bổ ứng trực kịp thời, hiệu quả, hạn chế đáng kể được việc điều động người, vật lực không hiệu quả.

Cùng với việc ứng dụng công nghệ, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội mới đưa vào con dọi thủy lực để tiến hành khơi thông dòng chảy. Nguyên tắc hoạt động của máy là sử dụng áp suất thủy lực đẩy mạnh con dọi nhằm đánh tan các điểm tắc nghẽn, khơi thông dòng chảy.

Công nghệ này có ưu điểm là không nhiều nhân lực, cũng như vật lực để đào xới tìm điểm tắc nghẽn, thời gian xử lý cũng rút ngắn thay vì kéo dài hàng tuần, hàng tháng như trước. Nhờ áp dụng công nghệ mới này, đến nay, tình trạng ngập úng tại khu dân cư trên địa bàn Hà Nội đã bước đầu được cải thiện.

Việc thành phố Hà Nội thực hiện các giải pháp trước mắt để khắc phục tình trạng úng ngập trên địa bàn cho thấy, công tác này được quan tâm và đầu tư. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, nguồn lực đầu tư cho công tác này khá lớn nhưng kết quả đem lại chưa như mong muốn.

Do đó, không chỉ có đầu tư công nghệ mà cần cả sự vào cuộc của người dân Thủ đô từ những việc nhỏ nhất, như không vứt rác ra sông hồ, làm ách tắc dòng chảy.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục