Tạo thị trường viễn thông minh bạch

12:06' - 18/04/2016
BNEWS Dịch vụ viễn thông, Internet tại Việt Nam từ một dịch vụ cao cấp đã trở thành một dịch vụ bình dân, phổ biến trong mọi gia đình, công sở, trường học.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - Phạm Hồng Hải. Ảnh: Mic.gov.vn

Luật Viễn thông cùng với Luật Tần số Vô tuyến điện được Quốc hội khóa XII ban hành ngày 23/11/2009, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2010. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - Phạm Hồng Hải cho biết, trong 5 năm hai Luật này đi vào đời sống, người dân đã được thỏa mãn từ nhiều dịch vụ viễn thông. 

Theo đó, dịch vụ viễn thông, Internet tại Việt Nam từ một dịch vụ cao cấp đã trở thành một dịch vụ bình dân, phổ biến trong mọi gia đình, công sở, trường học. Từ một dịch vụ bổ sung trở thành một dịch vụ thiết yếu trong cuộc sống và Luật Viễn thông và Luật Tần số Vô tuyến điện là hai văn bản quan trọng nhất, quyết định đến sự phát triển của ngành viễn thông. 

Thứ trưởng Phạm Hồng Hải cho rằng, cùng với việc phổ cập các dịch vụ viễn thông đến mọi người dân, rút ngắn khoảng cách về sử dụng dịch vụ viễn thông giữa các vùng, miền làm thay đổi đời sống của người dân và xã hội, Luật Viễn thông và Luật Tần số Vô tuyến điện  còn đảm bảo cung cấp dịch vụ viễn thông thiết yếu đến mọi người dân, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa. 

Hạ tầng mạng lưới viễn thông, Internet nhờ vậy đã được đầu tư mạnh mẽ, phát triển mạnh và hoạt động ổn định. Số lượng thuê bao viễn thông di động, Internet băng rộng, đặc biệt là số lượng thuê bao di động băng rộng (3G) đã tăng nhanh.

Cụ thể, trong lĩnh vực viễn thông, số lượng thuê bao điện thoại di động tăng mạnh từ 45 triệu thuê bao (năm 2009) tăng lên 120 triệu thuê bao (năm 2015), tăng gấp 3 lần. Đặc biệt phải kể đến sự tăng trưởng mạnh của thuê bao băng rộng 3G với gần 40 triệu thuê bao.

Thông tin di động băng hẹp đã phủ sóng cả nước, vùng phủ sóng thông tin di động băng rộng ngày càng được mở rộng và cải thiện chất lượng dịch vụ nhờ việc sử dụng công nghệ mới trên băng tần 900MHz và tăng số lượng các trạm phát sóng vô tuyến điện.

Đến nay, cả nước đã có 7,7 triệu thuê bao Internet băng rộng cố định; 35,8 triệu thuê bao 3G (đạt tỷ lệ 39 thuê bao/100 dân).

Anh Nguyễn Văn Sơn, Hà Nội cho biết, nhờ dịch vụ viễn thông phát triển với giá cả hợp lý, anh không còn lo ngại việc thông tin với cha mẹ ở Nam Định. "Cuộc sống bận rộn, không có điều kiện thường xuyên về quê thăm cha mẹ, nhưng nhờ có mạng lưới di dộng thông suốt tôi có thể hàng ngày gọi điện thăm hỏi, động viên các cụ.

Trước đây có điện thoại cố định việc thông tin cũng thuận lợi, nhưng giờ điện thoại di động luôn mang theo người, việc liên lạc thuận tiện hơn nhiều" - anh Sơn cho biết.

Cùng với kết nối các vùng miền, mạng thông tin vô tuyến điện đã phát huy hiệu quả trong các ngành, lĩnh vực kinh tế. Số lượng mạng thông tin vô tuyến điện dùng ở các sân bay, taxi, bảo vệ xây dựng, siêu thị, nhà hàng đều tăng nhanh chóng, trung bình 15%/năm.

Hiện toàn quốc đã có 22 cảng hàng không nội địa và quốc tế được trang bị hệ thống thiết bị vô tuyến điện hạ cánh chính xác ILS, với gần 200 đài vô tuyến dẫn đường hàng không để đảm bảo an toàn cho các chuyến bay.

Về hàng hải, có nhiều đài tàu biển đã được trang bị các thiết bị thông tin liên lạc bảo đảm an toàn hàng hải toàn cầu. Nhiều tàu cá xa bờ đã sử dụng các thiết bị thông tin liên lạc tầm xa HF để liên lạc và nhận thông tin từ bờ.

Hệ thống vệ tinh viễn thông thứ hai VINASAT-2 đã sử dụng khoảng 60% băng tần. Ảnh: TTXVN

Hệ thống vệ tinh viễn thông thứ hai VINASAT-2 đã sử dụng khoảng 60% băng tần, đánh dấu ảnh hưởng to lớn của việc sử dụng tần số vô tuyến điện và quỹ đạo vệ tinh trong sự phát triển thông tin vô tuyến điện của Việt Nam.

Về hiệu quả kinh tế, riêng năm 2015, doanh thu trong lĩnh vực viễn thông đạt 340.000 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 56.000 tỷ đồng, đóng góp vào ngân sách nhà nước 46.880 tỷ đồng. Trong khi đó, năm 2009 tổng doanh thu trong lĩnh vực viễn thông chỉ đạt hơn 116.000 tỷ đồng.

Cùng với việc tăng cường, củng cố thị trường trong nước, các doanh nghiệp viễn thông đã có đủ lực để thực hiện tốt các dự án đầu tư ra nước ngoài.

Theo đánh giá mới đây, Luật Viễn thông và Luật Tần số Vô tuyến điện cũng đã tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế được tham gia đầu tư thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông một cách bình đẳng, không phân biệt đối xử. Số lượng các doanh nghiệp viễn thông, Internet tăng nhanh đã tạo nên một thị trường viễn thông cạnh tranh lành mạnh, minh bạch. 

Các công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất thế giới đều được áp dụng vào thị trường Việt Nam, đặc biệt là thông tin vô tuyến di động băng rộng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ngày càng phát triển ổn định và giữ vững thị trường trong nước và từng bước vươn ra thị trường quốc tế; trong đó, nhiều loại hình dịch vụ mới ra đời với chất lượng tốt, giá cước linh hoạt đã đáp ứng nhu cầu của mọi tầng lớp nhân dân.

Khi Luật Tần số Vô tuyến điện được ban hành, việc quản lý, phân bổ, tài nguyên viễn thông, đặc biệt là tài nguyên tần số vô tuyến điện được triển khai bài bản, chuyên nghiệp, đáp ứng kịp thời nhu cầu của doanh nghiệp, người dân.

Ngoài ra, hoạt động bảo vệ lợi ích và chủ quyền quốc gia về tần số và quỹ đạo vệ tinh được chú trọng đã đảm bảo truyền dẫn thông suốt, an toàn thông tin liên lạc phục vụ chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế, xã hội của Đảng, Chính phủ.

Theo đại diện Công ty Cổ phần viễn thông FPT, Luật Viễn thông và Luật Tần số Vô tuyến điện đã đạt được các mục tiêu đề ra khi xây dựng văn bản.

Tuy nhiên, thị trường viễn thông vẫn còn tồn tại các hành vi cạnh tranh không lành mạnh như "cướp khách" bằng việc giảm giá hoặc cho không dịch vụ, chất lượng dịch vụ không được đảm bảo... xuất hiện các nguy cơ tổn hại tới sự phát triển bền vững của thị trường; doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển hạ tầng mạng lưới, mức độ chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông còn hạn chế.

Để tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý giúp thị trường viễn thông phát triển lành mạnh, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho rằng, cần phải tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để hoàn thiện tốt hơn.

Thời gian tới, Bộ sẽ xem xét, nghiên cứu trình Chính phủ các đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp lý dưới luật, nhằm hoàn thiện hệ thống pháp lý, tạo công cụ hữu hiệu để quản lý tốt hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục