Thiếu vắng doanh nghiệp tư nhân cỡ vừa

09:08' - 08/09/2015
BNEWS Lớn đi kèm với mạnh: khi những doanh nghiệp lớn được có nghĩa là thị trường đang vận hành mạnh mẽ, hiệu quả và khi doanh nghiệp chịu lớn, nền kinh tế sẽ lớn mạnh lên.

LTS: Sau gần 30 năm đổi mới, 15 năm thực hiện Luật Doanh nghiệp, Việt Nam vẫn đang thiếu vắng các doanh nghiệp cỡ vừa, xét cả theo tiêu chí lao động và vốn. Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ vào sân chơi khu vực và thế giới thì đây thực sự là sức ép lớn.

Bnews xin giới thiệu bài viết của Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn để bạn đọc có thêm góc nhìn về vấn đề này.

Hiện tại, các doanh nghiệp có quy mô lớn của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 2% và cũng số lượng tương ứng như vậy là các doanh nghiệp quy mô vừa. Còn lại 95-96% là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Nếu tính cả các hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động thì tỷ lệ doanh nghiệp siêu nhỏ có thể chiếm tới trên 99,9%.

Xu hướng Việt Nam thiếu các doanh nghiệp có quy mô vừa vẫn tiếp tục gia tăng xét cả theo tiêu chí lao động và vốn.

Việt Nam có tới 95-96% là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN

Theo một báo cáo của VCCI, trong giai đoạn 2007-2012 lao động bình quân trong doanh nghiệp đã giảm từ 47 xuống còn 32 người, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước đã giảm từ 27 xuống còn 21.

Năm 2012, lần đầu tiên quy mô vốn bình quân của doanh nghiệp giảm trong vòng 10 năm trở lại đâytừ mức 25 tỷ xuống 24 tỷ. Trong khi đó, quy mô vốn bình quân của doanh nghiệp FDI lại tăng từ 270 tỷ đồng lên 307 tỷ đồng.

Quy mô không phải là vấn đề lớn nếu hoạt động của doanh nghiệp nhỏ vẫn hiệu quả, năng động.

Câu hỏi đặt ra là tại sao các doanh nghiệp Việt Nam từ nhỏ không lớn dần lên quy mô vừa và có cơ hội để lớn lên được? Liệu có thể do những khó khăn trong huy động vốn,trình độ quản trị yếu kém, việc tích tụ và mở rộng quỹ đất phục vụ sản xuất kinh doanh gặp khó khăn hay những rào cản về thuế?

Hay đó là những rủi ro về tăng chi phí thủ tục hành chính khi quy mô lớn (thực tế một số khảo sát mà VCCI thực hiện cho thấy có nguy cơ doanh nghiệp phải đón tiếp các đoàn thanh tra, kiểm tra thường xuyên hơn khi doanh nghiệp làm ăn được, quy mô lớn)?

Một lý do khác có thể là doanh nghiệp chưa thực sự yên tâm về cơ chế bảo vệ quyền tài sản, quyền hợp đồng của doanh nghiệp và chưa có được cảm giác an toàn khi mở rộng hơn các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Xu hướng quy mô doanh nghiệp tư nhân trong nước nhỏ dần đi trong khi doanh nghiệp FDI lại tăng dần lên thực sự đáng buồn khi sự liên kết giữa khu vực kinh tế tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hiện rất khiêm tốn.

Việt Nam cần có những doanh nghiệp quy mô vừa và lớn để hội nhập vào sân chơi khu vực và thế giới. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Điều tra nhiều năm liền mà VCCI tiến hành với cả khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước và FDI thì tỷ lệ sử dụng sản phẩm dịch vụ của nhau rất khiêm tốn. Hiệu ứng lan toả từ thành công trong thu hút đầu tư nước ngoài ra khu vực tư nhân rõ ràng chưa đáp ứng được sự kỳ vọng.

Sự thiếu vắng công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam trong đó nền tảng là khu vực doanh nghiệp tư nhân là một trong những điểm yếu mà nhiều tập đoàn lớn nước ngoài đánh giá.

Trong khi doanh nghiệp FDI đã tham gia được vào những chuỗi sản xuất trên thị trường quốc tế, thì hầu hết các doanh nghiệp tư nhân nội địa vẫn quanh quẩn ở thị trường nội địa, có xuất khẩu thì làm gia công hoặc xuất khẩu hàng hóa có giá trị gia tăng thấp.

Rất ít doanh nghiệp tạo ra được thương hiệu sản phẩm của mình để bán ra thị trường quốc tế. Dường như doanh nghiệp tư nhân nội địa ngại ngần đầu tư vào những ngành sản xuất chế tạo, mà chủ yếu tập trung vào thương mại, dịch vụ, quay vòng vốn nhanh.

Doanh nghiệp tư nhân hiện đang đối mặt với sự bất bình đẳng trong sự quan tâm và hỗ trợ của chính quyền.

Thời gian qua, có một số địa phương dồn hết nguồn lực để thu hút đầu tư nước ngoài. Tất nhiên, đầu tư nước ngoài là nguồn vốn rất quan trọng, nhưng chính khu vực tư nhân trong nước mới là khu vực gắn bó lâu dài, đóng góp bền vững vào sự phát triển của đất nước và địa phương.

Tại một buổi làm việc với VCCI, có vị lãnh đạo, người đứng đầu một địa phương giật mình thú nhận là trong lịch làm việc của ông cả mấy năm qua toàn tiếp xúc, gặp mặt, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nhà nước lớn mà hầu như chưa bao giờ tiếp xúc, gặp gỡ các doanh nghiệp tư nhân.

Trong khi đây chính là khu vực đang gặp nhiều khó khăn và cần sự hỗ trợ và đồng hành của chính quyền nhất.

Việt Nam cần tạo ra nhiều các doanh nghiệp quy mô vừa và lớn, hoạt động hiệu quả, đủ năng lực cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp nước ngoài, tham gia vào các chuỗi sản xuất quốc tế, hình thành và tích luỹ được các kinh nghiệm quản trị… và có nền tảng để trở thành những doanh nghiệp lớn hơn.

Muốn có được điều này cần tháo gỡ, giải phóng các rào cản hay nút thắt đang khiến các doanh nghiệp nhỏ không chịu lớn./.

Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục