Thời tiết những tháng đầu năm 2017: Miền Bắc rét ít, mưa bão ở phía Nam kết thúc muộn

14:43' - 11/01/2017
BNEWS Những tháng đầu năm 2017, nền nhiệt độ (đặc biệt ở khu vực miền Bắc) có xu hướng cao hơn so với trung bình nhiều năm, mùa mưa bão ở khu vực phía Nam sẽ kết thúc muộn.
Thời tiết những tháng đầu năm 2017: Miền Bắc rét ít, mưa bão ở phía Nam kết thúc muộn. Ảnh: TTXVN

Dự báo khí hậu nước ta trong những tháng đầu năm 2017, Trung tâm Dự báo Khí tượng Trung ương nhận định: Nền nhiệt độ (đặc biệt ở khu vực miền Bắc) có xu hướng cao hơn so với trung bình nhiều năm, mùa mưa bão ở khu vực phía Nam sẽ kết thúc muộn. Xoáy thuận nhiệt đới nhiều khả năng còn hoạt động trên khu vực phía Nam Biển Đông trong tháng 1 và tháng 2/2017.

Từ tháng 1 đến tháng 4, nhiệt độ trung bình tại Bắc Bộ phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5-1 độ C. Tại Trung Bộ trở vào phía Nam phổ biến ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Riêng khu vực Nam Bộ tháng 1 có khả năng thấp hơn từ 0,5-1 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Các đợt rét đậm, rét hại ở khu vực miền Bắc có khả năng tập trung nhiều vào thời kỳ tháng 1, nhưng thời gian ảnh hưởng không kéo dài.

Lượng mưa ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ từ tháng 1 đến tháng 4 phổ biến ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10-20%; riêng tháng 1 và tháng 2 có thể thiếu hụt từ 20-40% so với trung bình nhiều năm.

Lượng mưa tại khu vực Trung và Nam Trung Bộ từ tháng 1-4 phổ biến cao hơn từ 20-40% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, riêng tháng 1 có thể cao hơn từ 50-70%.

Tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ từ tháng 1 đến tháng 4 lượng mưa phổ biến cao hơn từ 20-40% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, riêng tháng 1 có thể cao hơn từ 50-70%. Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ hiện tượng mưa trái mùa có khả năng xuất hiện trong tháng 1 và tháng 2.

Về thủy văn ở Bắc Bộ: Từ tháng 1 đến tháng 4 mực nước trên các sông suối có xu thế biến đổi chậm và xuống dần. Nguồn dòng chảy thượng lưu sông Thao và sông Lô có khả năng thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 5-25%, riêng sông Đà cao hơn trung bình nhiều năm từ 10-15%. Mực nước thấp nhất tại trạm Hà Nội có thể xuống mức 0,3-0,4m vào tháng 2-3.

Do đó, khu vực Bắc Bộ sẽ xảy ra thiếu nước cục bộ, đặc biệt vùng núi cao phía Bắc và khu vực Đông Bắc. Cấp nước, giao thông thủy và phát điện trong các tháng cuối mùa khô năm 2016/2017 sẽ khó khăn hơn năm 2015/2016.

Về thủy văn Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ: Từ tháng 1-3 lượng dòng chảy trên các sông ở Trung Bộ, Nam Trung Bộ ở mức cao hơn trung bình nhiều năm từ 20-40%, riêng các sông ở Bắc Trung Bộ và khu vực Bắc Tây Nguyên thấp hơn từ 20-30%, các sông ở Nam Tây Nguyên ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm.

Từ tháng 4-5, do điều tiết của các hồ chứa nên lượng dòng chảy hạ lưu các sông ở Quảng Nam, Phú Yên ở mức cao hơn trung bình nhiều năm từ 10-40%; các sông khác ở Trung Bộ và Tây Nguyên phổ biến thiếu hụt từ 20-35% so với trung bình nhiều năm.

Mùa khô năm 2016-2017, tổng lượng dòng chảy sông Mê Kông về khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có khả năng thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 10-20%, cao hơn mùa khô năm 2014-2015 và năm 2015-2016.

Nhờ đó, tình hình xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2016-2017 ở khu vực Nam Bộ ít gay gắt hơn năm 2015-2016, tương đương trung bình nhiều năm. Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều, mực nước từ tháng 1-3 ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 0,1-0,3m, từ tháng 4-5 ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm./.

>>> Dự báo thời tiết Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục