Thống nhất hệ thống điện Việt Nam – Bài 5: EVNNPT viết tiếp bản hùng ca

17:03' - 14/05/2018
BNEWS Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của EVNNPT là đảm bảo vận hành Hệ thống truyền tải điện quốc gia an toàn, liên tục, ổn định.
Chuẩn bị kéo dây đường dây 220kV. Ảnh: TTXVN

Tiếp nối truyền thống của Đường dây 500kV Mạch 1, của những thế hệ trẻ đi trước, những người “lính truyền tải điện” hôm nay, với bàn tay, khối óc, trí tuệ, cùng sự năng động, đang viết tiếp truyền thống của cha anh, chung tay xây dựng Tổng Công ty Truyền tải điện Việt Nam (EVNNPT) ngày càng phát triển.

Từ mở rộng quan hệ quốc tế, đẩy mạnh hợp tác phát triển khoa học công nghệ, kêu gọi đầu tư... vì một hệ thống truyền tải điện quốc gia vững mạnh, phát triển xứng tầm quốc tế.

Gần một phần tư thế kỷ trôi  qua, kể từ ngày đóng điện vận hành tuyến Đường dây mạch 1 dài gần 1.500 km với 5 trạm biến áp và trạm cắt 500kV trải dài từ Bắc vào Nam, đến nay, hệ thống điện quốc gia đã có thêm 2 mạch Đường dây 500kV mạch 2 và mạch 3 - với tổng chiều dài hơn 8.000 km đường dây, mỗi năm truyền tải hàng chục tỷ kWh điện, đảm bảo an toàn hệ thống điện và an ninh năng lượng quốc gia.

Với những lợi thế của công trình điện 500kV Bắc Nam đối với an ninh năng lượng của hệ thống điện quốc gia, từ năm 2000, nhiều đoạn tuyến của Đường dây 500kV mạch 2 được thi công xây dựng.

Kể từ khi đi vào hoạt động năm 2005, Đường dây 500kV mạch 2 (dài gần 1.200 km) đã đồng thời giúp nâng gấp 2 lần năng lực truyền tải điện, góp phần đảm bảo độ tin cậy cho hệ thống điện quốc gia.

Tiếp đó, gần 450 km Đường dây 500kV mạch 3 Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông cũng đã được xây dựng và hoàn thành vào năm 2014, kịp thời đảm bảo cung cấp điện cho khu vực miền Nam với nhu cầu điện tăng cao liên tục trong những năm gần đây và theo kế hoạch sẽ còn tiếp tục căng thẳng trong thời gian tới. 

Có thể nói nếu như tuyến Đường dây mạch 1 là bản hùng ca của ý chí và khí chất của con người Việt, thì tiếp nối kỳ tích của mạch 1, mạch 2, rồi mạch 3 đã thể hiện được sự tiếp nối thành công của các thế hệ của những con người đi nối kết mạch điện trên toàn quốc.

Đó là sự trưởng thành vượt bậc khi cả hai công trình mạch 2 và mạch 3 đều do cán bộ, công nhân Việt Nam đảm nhận toàn bộ từ khâu thiết kế, thi công, chế tạo cột thép và giám sát, nghiệm thu.

Chính câu trả lời từ thực tế đã khẳng định đội ngũ cán bộ kỹ sư Việt Nam có khả năng tiếp thu và làm chủ khoa học, công nghệ mới đối với những công trình lớn, đòi hỏi kỹ thuật cao.

Nhưng áp lực và đòi hỏi của công việc phải bảo đảm cho hệ thống điện thông suốt, an toàn, ổn định chưa bao giờ dừng lại. Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng, gia tăng vị thế chính trị trên trường quốc tế là cơ sở để những kế hoạch tăng trưởng kinh tế cao và sự gia tăng luồng vốn đầu tư trở thành hiện thực.

Nhưng điều kiện cần và đủ cho thúc đẩy tăng trưởng không thể thiếu được vấn đề điện năng. Điện cần phải đi trước.

Thi công trạm biến áp 220kV. Ảnh: TTXVN

Xác định tầm quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện, đảm bảo an ninh năng lượng và an toàn hệ thống điện quốc gia, lưới điện 500kV đang được tiếp tục đầu tư đồng bộ và hiện đại, có khả năng liên kết với lưới điện của một số nước trong khu vực ASEAN và chính EVNNPT sẽ là đơn vị viết tiếp thêm những kỳ tích mới.

Ông Đặng Phan Tường - Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia cho biết, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của EVNNPT là đảm bảo vận hành Hệ thống truyền tải điện quốc gia an toàn, liên tục, ổn định, đáp ứng mọi yêu cầu cung cấp điện và nhu cầu sử dụng điện của đất nước, đặc biệt là Hệ thống 500 kV Bắc - Nam, sẵn sàng truyền tải điện năng từ miền Bắc và miền Trung vào miền Nam đáp ứng yêu cầu.

Điều đó đồng nghĩa, đội ngũ cán bộ công nhân viên của EVNNPT trên khắp mọi miền Tổ quốc phải luôn luôn nỗ lực về mọi mặt để vượt qua khó khăn, thách thức về tình trạng quá tải, về nguy cơ sự cố, về điều kiện làm việc còn nhiều hạn chế để đảm bảo vận hành an toàn Hệ thống truyền tải điện Quốc gia đáp ứng yêu cầu tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân.

Để có được hơn 8.000 km Đường dây truyền tải 500kV trải dài từ Bắc vào Nam, chúng ta nhớ đến những hy sinh, vất vả lặng thầm, kể cả máu xương của hàng nghìn cán bộ kỹ sư, công nhân xây dựng và vận hành đường dây, vượt qua biết bao khắc nghiệt của thời tiết, của địa hình hiểm trở, thi công khó khăn trên các sườn đồi, rừng núi.

Và trong suốt hơn 23 năm qua, kể từ ngày thống nhất hệ thống điện 3 miền Bắc - Trung - Nam, các thế hệ công nhân lao động tiếp nối truyền thống đó để quản lý, vận hành an toàn, thông suốt hệ thống truyền tải điện quốc gia, để ánh điện luôn tỏa sáng suốt mọi miền Tổ quốc./.

Bài 6: Theo dấu chân “những người anh hùng đi trên dây”

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục