Thông tin về việc bồi thường cho ngư dân có tàu vỏ thép bị hư hỏng tại Bình Định

21:59' - 02/04/2018
BNEWS Hai công ty đóng tàu là Nam Triệu (Hải Phòng) và Đại Nguyên Dương (Nam Định) sẽ tiếp tục thương lượng với 19 ngư dân có tàu vỏ thép bị hư hỏng lần cuối cùng vào ngày 3- 4/4.
Hai công ty đóng tàu sẽ tiếp tục thương lượng với 19 ngư dân có tàu vỏ thép bị hư hỏng lần cuối cùng vào ngày 3- 4/4. Ảnh minh họa: Nguyên Linh-TTXVN

Ngày 2/4, Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định tổ chức cuộc họp bàn về việc bồi thường thiệt hại cho ngư dân do tàu cá vỏ thép vừa đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản bị hư hỏng giữa 19 ngư dân chủ tàu và 2 đơn vị đóng tàu là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nam Triệu (Hải Phòng) và Công ty trách nhiệm hữu hạn Đại Nguyên Dương (Nam Định).

Cuộc họp đi đến thống nhất, hai công ty đóng tàu sẽ tiếp tục thương lượng với 19 ngư dân có tàu vỏ thép bị hư hỏng lần cuối cùng vào ngày 3- 4/4. Nếu tiếp tục không thống nhất được phương án bồi thường cho ngư dân, tỉnh Bình Định sẽ hỗ trợ pháp lý để ngư dân khởi kiện hai đơn vị đóng tàu trong vòng một tháng kể từ ngày 2/4, Giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định Phan Trọng Hổ cho biết. Chủ trương giúp ngư dân khởi kiện các công ty đóng tàu đã nhận được sự đồng thuận của lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định sau một năm 19 tàu vỏ thép bị hư hỏng.

Trước đó, Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn về việc bồi thường, hỗ trợ cho chủ tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP bị hư hỏng. 19 chủ tàu vỏ thép tại Bình Định bị hư hỏng đã yêu cầu hai công ty đóng tàu bồi thường hơn 33,1 tỉ đồng. Trong đó, chủ của 14 tàu vỏ thép yêu cầu Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nam Triệu (Hải Phòng) bồi thường thiệt hại hơn 27,8 tỉ đồng và chủ 5 tàu vỏ thép yêu cầu Công ty trách nhiệm hữu hạn Đại Nguyên Dương (Nam Định) bồi thường thiệt hại 5,3 tỉ đồng.

Theo các chủ tàu, vì tàu vỏ thép đóng không đảm bảo chất lượng, sử dụng thiết bị, máy móc không chính hãng nên tàu hoạt động không hiệu quả. Tàu đã dừng hoạt động hơn một năm và hai đơn vị đóng tàu đã rất "nhùng nhằng" trong việc bảo hành, sửa chữa.

Tuy nhiên, tại các cuộc họp này, hai công ty đóng tàu không đồng ý đền bù mà chỉ chấp nhận hỗ trợ với số tiền rất thấp so với yêu cầu bồi thường của chủ tàu vỏ thép bị hư hỏng. Đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn Đại Nguyên Dương cho rằng, việc yêu cầu bồi thường của 5 chủ tàu là không có căn cứ, công ty không có trách nhiệm bồi thường các khoản thiệt hại trước khi đưa tàu lên đà sửa chữa. Công ty này chỉ hỗ trợ một phần chi phí như: Chi phí đi lại nơi sửa chữa 5 triệu đồng/tàu; neo đậu 5 triệu đồng/tàu; nhiên liệu 15 triệu đồng/tàu; thiết kế chuyển đổi nghề 25 triệu đồng/tàu; thuê thuyền viên 36 triệu đồng/tàu và hỗ trợ lãi suất ngân hàng 1%/tháng.

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nam Triệu cũng cho rằng, công ty này không có trách nhiệm bồi thường, đền bù thiệt hại cho 14 chủ tàu vỏ thép. Công ty này chỉ đồng ý hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng (1%/tháng) tính từ lúc kéo tàu lên đà sửa chữa đến khi hoàn thành; chi phí neo đậu 5 triệu đồng/tàu; thuê thuyền viên 36 triệu đồng/tàu; chi phí đi lại 5 triệu đồng; hỗ trợ dầu đi đến nơi sửa chữa thực tế từng tàu.

Các chủ tàu vỏ thép bị hư hỏng không chấp nhận phương án giải quyết của các công ty đóng tàu đã tiếp tục có đơn khiếu nại gửi cơ quan chức năng. Ngành chức năng tỉnh Bình Định đã thống nhất, đây là lần cuối cùng để các bên thương lượng. Nếu không đi đến thống nhất, Hội Luật gia tỉnh Bình Định sẽ tư vấn pháp lý cho ngư dân khởi kiện hai công ty đóng tàu.

Việc 19 tàu vỏ thép tại Bình Định bị hư hỏng, bị phát hiện sử dụng sơn, thiết bị máy móc không đúng thiết kế, không đảm bảo chất lượng đã ảnh hưởng đến đời sống hàng trăm hộ ngư dân tại Bình Định. Sự việc kéo dài gây bức xúc trong dư luận./.

>>> Sửa chữa lại tàu vỏ thép theo đúng thiết kế và hợp đồng với ngư dân

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục