Thừa nhận của Odebrecht về mạng lưới hối lộ quan chức cấp cao tại các nước Mỹ La Tinh

06:30' - 16/02/2017
BNEWS Tập đoàn xây dựng lớn nhất Mỹ Latinh đã thừa nhận hối lộ hàng trăm triệu USD cho các chính trị gia và quan chức ở hàng chục quốc gia trong khu vực để giành được các hợp đồng công béo bở.
Toà tháp HumboldtTower -trụ sở chính của Tập đoàn xây dựng Odebrecht (Brazilian) tại Caracas, Venezuela. Ảnh: EPA

Tập đoàn xây dựng lớn nhất Mỹ Latinh Odebrecht (Brazil) đang bị tai tiếng khi dính líu tới việc thiết lập một mạng lưới hối lộ các chính trị gia và quan chức ở hàng chục quốc gia trong khu vực  đang khiến nhiều lãnh đạo và cựu lãnh đạo Mỹ Latinh “đau đầu”. 
Bộ Tư pháp Mỹ tháng 12/2016 đã cáo buộc công ty xây dựng của Brazil mở rộng kinh doanh trong khu vực nhờ cơ chế “lại quả” được thiết lập một cách hệ thống và thông qua các ngân hàng của Mỹ và châu Âu để thanh toán. Tập Odebrecht đã thừa nhận với cơ quan tư pháp của Mỹ, Thụy Sỹ và Brazil đưa hối lộ 788 triệu USD từ năm 2001.
Nhiều chính trị gia tại Mỹ Latinh liên quan tới tới vụ bê bối tham nhũng này, trong đó phải kể đến cựu Tổng thống Peru Alejandro Toledo và Tổng thống Panama đương nhiệm Juan Carlos Varela. Hiện cơ quan tư pháp của Peru và Panama đã vào cuộc điều tra.
Ngày 9/2, Cơ quan công tố Peru đã đề nghị tòa án ra lệnh bắt giam 18 tháng đối với cựu Tổng thống Toledo (nhiệm kỳ 2001-2006) để điều tra một số cáo buộc về tham nhũng, rửa tiền và lợi dụng chức quyền, liên quan đến vụ bê bối.

Ông Toledo bị tình nghi nhận 20 triệu USD tiền hối lộ từ Odebrecht. Bộ Nội vụ Peru đã yêu cầu Pháp, nơi có khả năng ông Toledo đang lẩn trốn, và Tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) nhanh chóng ra lệnh bắt giữ cựu Tổng thống Alejandro Toledo.
Về phần mình, ông Toledo đã bác bỏ hoàn toàn những cáo buộc trên và yêu cầu kiểm tra lại các tài khoản ngân hàng của mình để chứng minh rằng ông không nhận tiền từ Odebrecht.

Tuy nhiên, nếu đúng như vậy, ông Toledo sẽ là chính trị gia đầu tiên của Peru bị kết tội trong vụ bê bối liên quan tới Odebrecht.
Còn tại Panama, nhiều quan chức và doanh nhân nước này đã bị cáo buộc liên quan tới bê bối Odebrecht, trong đó có cả Tổng thống Panama Juan Carlos Varela.

Ngày 9/2, ông Ramon Fonseca- thành viên sáng lập của công ty luật Mossack Fonseca, tâm điểm trong vụ rò rỉ tài liệu mang tên "Hồ sơ Panama" hé lộ về cái được gọi là vụ tham nhũng toàn cầu, do tình nghi liên quan tới bê bối của tập đoàn xây dựng Odebrecht- đã khai rằng Tổng thống Varela từng nói đã nhận tiền đóng góp từ Odebrecht cho chiến dịch tranh cử năm 2014.

Tuy nhiên, Tổng thống Varela đã lên tiếng phủ nhận cáo buộc trên.
Trước đó, cơ quan công tố Panama đã buộc tội nhận hối lộ và rửa tiền đối với 17 cựu quan chức và doanh nhân nước này liên quan tới việc Odebrecht đưa hối lộ 59 triệu USD để nhận được các dự án công trị giá trên 9 tỷ USD tại quốc gia Trung Mỹ này.
Trong khi đó, ngày 9/2, Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos cũng phải tuyên bố trên trang cá nhân Twitter rằng trong chiến dịch tái tranh cử vào năm 2014, ông không nhận tiền vận động từ Odebrecht.

Trước đó, doanh nhân Andrés Giraldo-nhân viên của Odebrecht- nói đã lại quả 1 triệu USD cho cựu Thượng nghị sỹ Otto Bula, người vì bị bắt vì nhận hối lộ.

Theo lời khai của Bula, số tiền trên đã được đưa cho Roberto Prieto, phụ trách chiến dịch tranh cử của ông Manuel Santos. Bê bối về nhận hối lộ của Odebrecht tại Colombia đã trở thành tâm điểm khi Tổng công tố Néstor Humberto Martínez tiết lộ rằng Bula đã nhận hối lộ 4,6 triệu USD, sau đó chuyển 1 triệu USD cho Roberto Prieto.

Công ty xây dựng Odebrecht cho biết đã đưa hối lộ 92 triệu USD cho các quan chức Colombia để giành được các hợp đồng về xây dựng và phát triển hạ tầng dài hạn.

Còn tại Ecuador, Tổng thống Rafael Correa đã cảnh báo rằng phe đối lập có thể kích nổ “những quả bom” liên quan tới bê bối Odebrecht trong một “chiến dịch bẩn” nhằm chống lại đảng cầm quyền trước thềm bầu cử Tổng thống dự kiến vào ngày 19/2 tới.
Nhiều quốc gia Mỹ Latinh bao gồm Panama, Mexico, Argentina, Peru và Uruguay đã mở các cuộc điều tra liên quan tới mạng lưới hối lộ quy mô lớn của Tập đoàn xây dựng Odebrecht.

Tập đoàn này là tâm điểm của vụ bê bối khổng lồ ở tập đoàn dầu khí Petrobras của Brazil, gây chấn động chính trường quốc gia Nam Mỹ này kể từ tháng 3/2014.

Hơn 100 cá nhân đã bị kết tội tham nhũng, rửa tiền và thành lập băng đảng, trong đó có hàng chục lãnh đạo từ các tập đoàn xây dựng và kỹ thuật hàng đầu của nước này.

Khoảng 50 chính trị gia, trong đó có nhiều nghị sĩ và thống đốc bang, nằm trong diện bị điều tra. Theo cảnh sát, đường dây này đã dùng khoảng 4 tỷ USD hối lộ hàng loạt chính trị gia và quan chức./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục