Thừa Thiên - Huế đẩy nhanh tiến độ thi công Bến số 3 cảng Chân Mây

11:45' - 01/02/2018
BNEWS Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Hào Hưng đang đẩy nhanh tiến độ thi công hạng mục bê tông kè của công trình xây dựng Bến số 3 cảng Chân Mây, phấn đấu đưa công trình hoạt động vào đầu năm 2019.

Bến số 3 cảng Chân Mây có chiều dài là 270m với tổng mức đầu tư 846 tỷ đồng do Công ty TNHH Hào Hưng đầu tư xây dựng thành cảng tổng hợp và các dịch vụ hậu cần cảng; đảm bảo cho tàu và các phương tiện vận tải thủy trọng tải đến 50.000 tấn ra vào làm hàng.

Bến cảng có quy mô 13 ha; trong đó diện tích bến bãi hơn 10 ha và gần 3 ha khu nước trước bến. Việc xây dựng bến số 3 nhằm hỗ trợ giảm tải cho bến số 1 và là bước chuẩn bị cần thiết để đón đầu cơ hội, tiếp nhận lượng hàng hóa bằng đường biển gia tăng.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Cao cho biết, đến năm 2020, cảng Chân Mây sẽ có 3 cầu cảng với lượng hàng qua đạt 7,4 triệu tấn/năm. Trong tương lai, bên cạnh vận chuyển hàng hóa, du lịch tàu biển sẽ là loại hình du lịch thời thượng và đang được thế giới ưa chuộng. Vì vậy, việc quy hoạch cảng biển du lịch và xây dựng các cơ sở hạ tầng hàng hải, kết nối các cảng biển trong khu vực là một trong những định hướng quan trọng trong chiến lược phát triển ngành du lịch Việt Nam.

Hiện cảng Chân Mây đã có bến tàu với chiều dài 420m, độ sâu trước bến 12,5m đủ khả năng đón tàu có trọng tải 30.000 DWT và tàu du lịch quốc tế cỡ lớn khoảng hơn 3.000 - 4.000 khách. Việc tiếp tục mở rộng cảng Chân Mây nhằm mục đích đa dạng hóa các loại hình dịch vụ vui chơi, giải trí trên bờ, tăng cường các hoạt động quảng bá sản phẩm du lịch tại các hội chợ du lịch trong nước và quốc tế nhằm xúc tiến, thu hút, tăng thời gian lưu trú của khách du lịch khi đến Việt Nam.

Theo nhận định của các chuyên gia, Việt Nam là nước có tiềm năng phát triển ngành công nghiệp du lịch tàu biển. Trên thực tế, lượng khách du lịch qua đường biển đang tăng nhanh với nhiều loại du thuyền chuyên chở lớn, yêu cầu cấp thiết phải sớm đầu tư xây dựng cảng biển hiện đại để đáp ứng, nếu không sẽ mất đi cơ hội cạnh tranh với các quốc gia khác trong lĩnh vực du lịch.

Chân Mây là một trong 46 cảng biển được Hiệp hội Du thuyền châu Á lựa chọn xây dựng điểm dừng chân cho các du thuyền ở khu vực Đông Nam Á. Vì thế, hội đủ điều kiện, tiềm năng để phát triển thành cảng công nghiệp du lịch tàu biển chuyên dụng.

Theo quy hoạch, cảng biển Chân Mây sẽ có lượng hàng thông qua cảng dự kiến vào năm 2030 đạt khoảng 8,9 - 10,2 triệu tấn/năm. Khu bến Chân Mây là bến cảng tổng hợp, container kết hợp phục vụ tàu khách du lịch quốc tế, tiếp nhận tàu hàng tải trọng từ 30.000 đến 50.000 tấn.

Giai đoạn năm 2020, xây dựng mới 2 đến 3 cầu cảng cho tàu đến 50.000 tấn (không kể bến phụ); giai đoạn 2030 bổ sung thêm 2 bến tàu hàng 50.000 tấn và 1 bến tàu khách du lịch quốc tế đến 225.000 GT; năng lực thông quan năm 2020 khoảng 0,1 đến 0,2 triệu tấn/năm, năm 2030 khoảng 0,3 đến 1 triệu tấn/năm.

Cảng Chân Mây còn là cửa ngõ hướng ra Biển Đông gần nhất, thuận lợi nhất đối với các vùng miền khu vực Hành lang kinh tế Đông Tây (là nơi kết nối miền Trung Việt Nam với Trung Hạ Lào, Đông Bắc Thái Lan, Myanmar). Đây là cảng chính giữa con đường biển kết nối Singapore, Philippines và Hong Kong (Trung Quốc). Ngoài ra, cảng Chân Mây nằm ở vị trí trung tâm của hai đô thị lớn nhất miền Trung là Huế và Đà Nẵng, gần các di sản văn hóa thế giới như Hội An, Mỹ Sơn, Huế.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục