Thúc đẩy phát triển thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp

12:50' - 30/11/2017
BNEWS Nhu cầu sử dụng đất nông nghiệp của các chủ thể đang có sự thay đổi mạnh nên việc nghiên cứu điều chỉnh chính sách là cần thiết.
Hội thảo “ Điều chỉnh chính sách đất đai nhằm thúc đẩy phát triển thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp ở Việt Nam”. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Sáng 30/11, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương tổ chức hội thảo “Điều chỉnh chính sách đất đai nhằm thúc đẩy phát triển thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp ở Việt Nam” nhằm lấy ý kiến đóng góp, đề xuất hướng điều chỉnh một số nội dung trong báo cáo Nghiên cứu điều tra để phục vụ mục tiêu quan trọng, góp phần hoàn thiện chính sách đất đai trong thời gian tới.

Phát biểu tại hội thảo, Viện phó CIEM, ông Trần Kim Chung cho biết, nhu cầu sử dụng đất nông nghiệp của các chủ thể đang có sự thay đổi mạnh; chuyển từ hộ tiểu điền sang đại điền, doanh nghiệp; tích tụ và tập trung ruộng đất.

Quan điểm, định hướng của Đảng và Nhà nước đã và đang có sự thay đổi, thúc đẩy điều chỉnh chính sách phát triển thị trường, thông qua cơ chế thị trường để huy động và phân bổ hiệu quả nguồn lực đất đai. Do đó, việc nghiên cứu điều chỉnh chính sách đất đai nhằm thúc đẩy phát triển thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp là cần thiết.

Ông Nguyễn Hữu Thọ, Phó Trưởng ban, Ban Chính sách phát triển nông thôn (CIEM) cho biết, văn bản liên quan đến đất đai rất nhiều, hiến pháp, Luật đất đai năm 2013, có 11 nghị định và 35 thông tư. Và nhiều quy định về đất nông nghiệp đã có sự đổi mới như: nâng thời gian giao đất nông nghiệp, mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp cho các hộ gia đình, cá nhân; đảm bảo tốt hơn quyền lợi cho người có quyền sử dụng đất…

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Thọ cho biết, hiện tượng bỏ ruộng đang phổ biến. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến tháng 8/2013, cả nước có hơn 42.000 hộ bỏ ruộng, nhiều diện tích bỏ hoang 4-5 năm. Đa số bỏ hoang là đất giao ổn định lâu dài (90,6%).

Bắt đầu xu hướng hình thành các trang trại tăng cao qua các năm. Năm 2016, cả nước có 33,5 ngàn trang trại, tăng 67,2% so với năm 2011, tăng bình quân 10%/năm. Quy mô trang trại tăng và nhu cầu về thị trường doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tăng cao. Thời gian qua, doanh nghiệp nông nghiệp đã phát triển mạnh ở các tỉnh Đắc Lắc, Đắc Nông, Lâm Đồng…

Để tăng tính linh hoạt cho việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, PGS.TS Trần Kim Chung cho rằng, quản lý đất đai có 5 nội dung cơ bản là: quy hoạch đất đai, giao cho thuê, thu hồi, thanh tra và kiểm tra giám sát. Để mua bán được tất cả phải hành động và phải biến đất đai cuối cùng là tài sản và vốn thực thể trong xã hội.

TS Nguyễn Hữu Thọ kiến nghị nên định hướng quy hoạch theo 2 nhóm. Theo đó, quy hoạch cứng là việc nhà nước đưa ra những vùng, những loại đất không được phép chuyển đổi mục đích sử dụng. Quy hoạch mềm là việc nhà nước đưa ra những vùng, những loại đất có tính tương đồng để người dân có thể chuyển đổi mục đích sử dụng đất một cách linh hoạt theo tín hiệu thị trường.

Đồng tình với quan điểm trên, PGS. TS Chu Tiến Quang, Hội đồng chính sách, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, chính sách đất đai quan trọng nhất và gây nhiều chuyện nhất. Và một trong những vấn đề đang đăt ra hiện nay là phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa lớn, phát triển quốc tế.

“Theo đó, chúng ta cần đánh giá và chứng minh sự phát triển của thị trường sử dụng đất. Trên cơ sở đó, phân tích những bất cập chính sách đất đai, quyền sử dụng và cho thuê đất ảnh hưởng như thế nào đến quá trình sử dụng đất và phát triển thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp”, PGS. TS Chu Tiến Quang nhấn mạnh.

Viện trưởng Viện Quản lý đất đai và phát triển nông thôn, TS. Nguyễn Bá Long cho rằng, cần có sự ổn định trong quy hoạch, nếu không, thị trường quyền sử dụng đất khó lành mạnh. Khi thay đổi quy hoạch hãy chú ý đến mục đích của người sử dụng.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cũng đưa ra đề xuất, kiến nghị như: không nên quy định thời hạn sử dụng đất, từng bước chuyển đất nông nghiệp sang sử dụng ổn định lâu dài; đồng nhất với các loại hình đất khác; đồng thời, nên điều chỉnh nới rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp để thúc đẩy tập trung, tích tụ ruộng đất hoặc thay hạn mức “cứng” (không quá 10 lần) như hiện nay bằng hạn mức “mềm” đó là sử dụng chính sách thuế lũy tiến theo mức sử dụng đất…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục