Tín dụng hộ - hướng đi đúng của Agribank

17:58' - 24/03/2018
BNEWS Agribank hiện là ngân hàng thương mại cho vay thông qua số lượng tổ vay vốn nhiều nhất với 39.825 tổ vay vốn. Tổng dư nợ Agribank cho vay thông qua tổ vay vốn đạt 42.049 tỷ đồng.

“Agribank là một trong số các định chế tài chính thành công và hiệu quả nhất trên thế giới xét về khía cạnh chi phí hoạt động thấp và khả năng tiếp cận các hộ gia đình nông thôn và các doanh nghiệp nhỏ”.

Đánh giá này của Ngân hàng Thế giới (WB) được đưa ra năm 2011 là năm Agribank đầu tư cho "Tam nông" đạt mốc 300.000 tỷ đồng. Song cũng có thể coi đây là đánh giá xuyên suốt 30 năm hoạt động (1988-2018) của Agribank với những thành tựu trong hoạt động tín dụng phục vụ nông nghiệp góp phần phát triển kinh tế hộ, xoá đói giảm nghèo.

Được ghi nhận thành công và hiệu quả nhất trên thế giới ở khía cạnh khả năng tiếp cận các hộ gia đình nông thôn chính là thành quả của chương trình tín dụng hộ - hướng đi thành công nhất và cũng là con đường tạo dấu ấn và bản sắc sâu đậm nhất của Agribank trên thị trường tài chính tín dụng ngày càng “trăm hoa đua nở” hiện nay.

Chọn lối đi riêng

Ngay từ những ngày đầu thành lập, Ban lãnh đạo Agribank đã họp bàn và coi việc chuyển hướng hoạt động theo hướng của một ngân hàng thương mại, trong đó có vấn đề cho vay trực tiếp đến hộ nông dân là nhiệm vụ trọng tâm. Từ giữa năm 1989, Agribank (lúc đó là Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp Việt Nam) đã thực hiện thí điểm cho vay tới hộ nông dân tại một số chi nhánh ở các tỉnh như: Hà Bắc (nay là Bắc Ninh và Bắc Giang), An Giang, Cửu Long, Long An và huyện Bình Chánh thuộc Tp. Hồ Chí Minh.

Nhận thấy tiềm năng của thị trường tín dụng nông thôn, Agribank đã xác định cho mình một lối đi riêng là gắn bó chặt chẽ với thị trường nông thôn, với sản xuất nông nghiệp và nông dân. Đây là thị trường mà thời điểm đó các ngân hàng khác không có ý định tiếp cận do chi phí cao, quản lý khó mà lợi nhuận thấp.

Kiểm tra đánh giá hiệu quả sử dụng vốn của Agribank thị xã Long Khánh (Đồng Nai). Ảnh: BNEWS/TTXVN

Agribank đã mạnh dạn chuyển hướng kinh doanh và đổi mới cơ cấu đầu tư vốn, từ quốc doanh là chủ yếu sang tập trung vào các hộ sản xuất cá thể với kim chỉ nam hoạt động “nông thôn là thị trường, nông nghiệp là đối tượng cho vay, nông dân là khách hàng chính”.

Nhằm quản lý hiệu quả và đảm bảo chất lượng tín dụng hộ, Agribank đã có sáng kiến thành lập các tổ liên danh vay vốn tại thôn, bản, mỗi tổ gồm 10-15 hộ có nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất. Hoạt động tín dụng đối với hộ sản xuất còn được mở rộng theo các chương trình và dự án phát triển sản xuất, kinh doanh nông, lâm, ngư, diêm nghiệp, đồng thời đáp ứng vốn cho các doanh nghiệp thu mua hàng hóa nông, lâm, thủy hải sản.

Nếu như vào cuối năm 1990, dư nợ tư doanh và cá thể của Agribank mới chỉ ở mức 103 tỷ đồng (chiếm 7,4% tổng dư nợ), thì chỉ sau một năm (cuối năm 1991) con số này đã tăng gấp 2,5 lần, với quy mô 259 tỷ đồng và 558 nghìn hộ nông dân được vay vốn.

Cam kết gắn bó

Từ thành công trong cho vay hộ nông dân, ngày 28/6/1991, Chính phủ đã chính thức có chỉ đạo về việc làm thử cho vay vốn đến hộ sản xuất thông qua Chỉ thị 202-CT. Ngay sau đó, Tổng Giám đốc Agribank cũng đã ban hành văn bản 499/NHNo ngày 23/7/1991 về việc cho vay hộ nông dân như một sự cam kết luôn tiên phong và gắn bó với nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Cho đến nay, trong lịch sử các cơ chế tín dụng của Agribank, văn bản số 499A/NHNo là văn bản có thời gian tồn tại lâu dài nhất. Sự ra đời của văn bản này đã chính thức đưa hoạt động cho vay trực tiếp đến hộ nông dân trở thành hoạt động tín dụng quan trọng nhất và đặc trưng nhất của Agribank.

Vào thời điểm đó, chỉ trong vòng 5 năm (1991-1996), tổng nguồn vốn và tổng dư nợ của Agribank đã tăng hơn 6 lần, trong đó dư nợ cho hộ nông dân vay tăng đến gần 50 lần và số hộ nông dân được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng của Agribank cũng đã tăng hơn 16 lần.

Đến nay, trong hệ thống tổ chức tín dụng, Agribank là ngân hàng thương mại triển khai cho vay thông qua số lượng tổ vay vốn nhiều nhất với 39.825 tổ vay vốn. Số thành viên tổ vay vốn cũng đạt con số kỷ lục với 962.205 thành viên. Tổng dư nợ Agribank cho vay thông qua tổ vay vốn đạt 42.049 tỷ đồng.

Nhiều chi nhánh trong hệ thống Agribank triển khai mô hình cho vay thông qua tổ vay vốn hiệu quả như: Agribank Bắc Giang, Nam Định, Bình Thuận, Gia Lai, Hà Tây, Hà Tĩnh, Phú Yên, Tây Ninh, Thái Bình, Thanh Hóa, Tiền Giang, Quảng Trị…

Từ thực tế hoạt động, mô hình tổ vay vốn luôn được đánh giá cao về hiệu quả nhờ chuyển tải đồng vốn đến tay bà con nông dân một cách thuận lợi và nhanh chóng nhất, sử dụng vốn vay và thanh toán nợ, lãi đúng thời hạn, không xảy ra tình trạng chiếm dụng vốn, nợ đọng vốn vay, đồng thời tránh được những tiêu cực hoặc tình trạng “cò” tín dụng ở nông thôn. Mô hình này được triển khai hiệu quả còn cho thấy sự gắn kết chặt chẽ giữa Agribank với các cấp ủy, chính quyền địa phương trong phối hợp triển khai chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ.

Để nguồn vốn của ngân hàng tiếp tục đến được với nhiều hộ dân hơn nữa, nhiều biện pháp mới đã được thực hiện, như mở rộng mạng lưới giao dịch (bình quân cứ 2-3 xã lại có một ngân hàng lưu động) và áp dụng các biện pháp huy động vốn (như củng cố chất lượng các ngân hàng loại IV, tăng thời gian giao dịch với khách hàng, giao khoán chỉ tiêu huy động vốn cho chi nhánh cơ sở...)

Đến nay, Agribank có gần 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch; là đối tác tin cậy của trên 30.000 doanh nghiệp, hàng triệu hộ sản xuất. Đặc biệt Agribank đã phát triển mô hình ngân hàng lưu động với gần 800 xe ô tô chuyên dùng.

Hoạt động của mô hình ngân hàng lưu động do Agribank triển khai tại Mộc Châu (Sơn La). ẢNH: BNEWS/TTXVN

Hệ thống rộng, mạng lưới dầy, tiếp xúc với những tầng lớp khó khăn nhất của xã hội, những người làm tín dụng ở Agribank nhận thấy rằng việc lựa chọn khách hàng và thực hiện cho vay có tài sản thế chấp là điều tất yếu trong hoạt động tín dụng. Tuy nhiên, với những hộ thuộc diện “cùng đinh”, không có tài sản thế chấp, không thể tiếp cận nguồn vốn của các ngân hàng, để duy trì sản xuất, nhiều hộ nghèo phải vay nặng lãi, bán lúa non, cầm cố ruộng đất… Điều này khiến họ rơi vào vòng luẩn quẩn đã nghèo lại càng nghèo hơn.

Từ cái nhìn có tâm, có tình của những người làm tín dụng ở Agribank, Quỹ cho vay ưu đãi hộ nghèo thiếu vốn sản xuất của Agribank được thành lập vào năm 1995. Đây cũng chính là tiền đề cho sự ra đời Ngân hàng Phục vụ người nghèo ngày 31/8/1995 theo Quyết định 525-TTg của Thủ tướng Chính phủ - một ngân hàng hoạt động phi lợi nhuận và đầy tính nhân văn trong cơ chế thị trường - tiền thân của Ngân hàng Chính sách xã hội ngày nay...

Hoạt động tín dụng hộ và tín dụng vi mô của Agribank góp phần không nhỏ trong việc thay đổi bộ mặt của nông thôn Việt Nam. “Những cánh tay nối dài” của Agribank đã góp phần tạo nên thành tựu kinh tế- xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng là giảm tỷ lệ đói nghèo, đặc biệt là đã phân bố được thành quả của công cuộc đổi mới ở Việt Nam đồng đều và sâu rộng cho tất cả các tầng lớp dân cư, các vùng lãnh thổ, kể cả vùng núi cao và hải đảo.

Bằng việc trao niềm tin và gieo đồng vốn để những đối tượng yếu thế nhất trong xã hội có thể đầu tư công sức của mình cho đến ngày cả họ và ngân hàng cùng gặt hái thành quả đã giúp Agribank chiếm trọn được cảm tình và lòng tin của người dân nông thôn...

Tăng trưởng gắn với chất lượng

Trong thời gian tới, Agribank đề ra mục tiêu cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn chiếm khoảng 70% tổng dư nợ, quán triệt các chi nhánh trên toàn hệ thống tập trung mở rộng tín dụng, kiểm soát chất lượng tín dụng. Tăng trưởng tín dụng phải gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, an toàn, hiệu quả.

Agribank cũng đẩy mạnh huy động vốn, tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh, đặc biệt đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn các đối tượng khách hàng doanh nghiệp, hộ sản xuất và cá nhân đối với các lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời, tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng đối với các ngành, lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước.

Năm 2018 là năm ghi dấu chặng đường 30 năm xây dựng và trưởng thành của Agribank, cũng là năm có ý nghĩa quan trọng trong lộ trình thực hiện Đề án chiến lược kinh doanh giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và chuẩn bị cho Agribank cổ phần hóa khi đủ điều kiện theo chỉ đạo của Chính phủ.

Với sứ mệnh là ngân hàng thương mại nhà nước hàng đầu Việt Nam giữ vai trò chủ lực trong đầu tư phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam và tầm nhìn phát triển theo hướng ngân hàng hiện đại “tăng trưởng - an toàn - hiệu quả - bền vững”, khẳng định vai trò chủ lực trong đầu tư tín dụng phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn; đủ sức cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế, Agribank hướng tới trở thành một ngân hàng đa dạng hóa hoạt động, một tập đoàn tài chính hiện đại, vươn lên “top” đầu khu vực và có thứ hạng trong hệ thống tài chính toàn cầu trong cấu trúc hợp tác và liên kết phát triển toàn cầu./.

>>> Mô hình mới giúp nông dân tiếp cận vốn nhanh nhất

>>> Ngân hàng lưu động - rút ngắn đường đến với dân

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục