Tính chất khó đoán định trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung Quốc

05:30' - 07/02/2018
BNEWS Tờ Straitstimes vừa đăng bình luận của tác giả Bonnie S.Glaser, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS), Washington, nhận định về khả năng xảy ra một cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải). Ảnh: EPA/TTXVN

Sau những thăng trầm trong năm 2017, mối quan hệ Mỹ - Trung tiếp tục duy trì tình trạng thiếu ổn định và gặp nhiều khó khăn. Bất chấp việc đã có 2 cuộc gặp thượng đỉnh trong năm 2017, cùng 9 cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald TrumpChủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh vẫn bất ổn và không thể đoán định được.

Theo những thông tin thu thập được, chính quyền Tổng thống Trump đang chuẩn bị cho việc áp đặt những lệnh trừng phạt thương mại khắc nghiệt đối với Trung Quốc.

Bộ Thương mại Mỹ sẽ đưa ra các dẫn chứng về việc đánh cắp tài sản trí tuệ và hoạt động gián điệp trên không gian mạng. Những sự lựa chọn mang tính “trả đũa” đang được xem xét, bao gồm những hạn chế mới về các khoản đầu tư của Trung Quốc tại Mỹ hay gia tăng hàng rào thuế quan.

Một ủy ban điều tra riêng rẽ của Bộ Thương mại Mỹ đang đánh giá những tác động về mặt an ninh quốc gia của các đơn hàng thép và nhôm từ Trung Quốc vào Mỹ.

Ủy ban Thương Mại quốc tế của Mỹ cho rằng các thiết bị năng lượng Mặt trời và số lượng máy giặt nhập khẩu vào Mỹ đã gây ra “tổn thương nghiêm trọng” đối với các nhà sản xuất trong nước. Ông Trump đang cân nhắc các lựa chọn bao gồm việc áp đặt hàng rào thuế quan, áp đặt mức giá tối thiểu hay sử dụng hạn ngạch nhập khẩu.

Xét ở góc độ nào đó, những hành động về mặt thương mại của Mỹ chống lại Trung Quốc không có gì là bất ngờ và không gây ngạc nhiên. Trong suốt chiến dịch vận động tranh cử của mình, ông Trump đã liên tục chỉ trích Trung Quốc vì những hoạt động thương mại bóc lột của nước này.

Từ khi ông Trump trở thành Tổng thống, việc xem xét trừng phạt thương mại đối với Trung Quốc đã được trì hoãn do sự hợp tác của Trung Quốc để gây sức ép đối với Triều Tiên chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân.

Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với tờ New York Times trong tháng 12/2017, ông Trump cho hay: “Tôi trở nên mềm mỏng đối với Trung Quốc là chỉ bởi một điều duy nhất quan trọng hơn đối với tôi chính là chiến tranh. Nếu họ giúp đỡ tôi trong vấn đề Triều Tiên, tôi có thể xem xét vấn đề thương mại song phương nhẹ nhàng hơn, ít nhất là trong một thời gian nhất định”.

Thế nhưng, sự kiên nhẫn của ông Trump đối với Trung Quốc dường như đang cạn kiệt dần. Mặc dù Bắc Kinh đã có những ủng hộ đối với các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) về việc cấm hoạt động nhập khẩu các sản phẩm than đá, quặng sắt, hải sản và các sản phẩm khác từ Triều Tiên, nhưng nước này đã phản đối sức ép của Mỹ đối với việc giảm nguồn cung dầu thô từ Trung Quốc, với lo ngại rằng điều đó có thể gây ra sự bất ổn và hỗn loạn dẫn đến sụp đổ chế độ của ông Kim Jong-un.

Trong nghị quyết mới nhất của LHQ được nhất trí thông qua ngày 22/12/2017, Trung Quốc đã chỉ đồng ý việc giới hạn xuất khẩu dầu thô tới Triều Tiên ở mức 4 triệu thùng một năm và sẽ tiếp tục cắt giảm khối lượng này nếu Bình Nhưỡng tiến hành thêm một vụ thử hạt nhân khác hay tiến hành phóng tên lửa xuyên lục địa khác.

Ngoài ra, cũng tồn tại những mối lo ngại về việc Trung Quốc vi phạm các lệnh trừng phạt. Ví dụ, các quan chức Mỹ đã ngụ ý rằng họ có bằng chứng cho thấy các tàu thuyền thuộc sở hữu của Trung Quốc vẫn đang lén lút vận chuyển dầu cho các tàu Triều Tiên ở trên biển.

Các yếu tố chính trị trong lòng nước Mỹ cũng thúc đẩy ông Trump phải tiến hành các biện pháp thương mại có tính trừng phạt đối với Trung Quốc.

Trong tháng 11/2018, nước Mỹ sẽ diễn ra cuộc bầu cử giữa kỳ và trong giai đoạn vận động cho cuộc bầu cử này, ông Trump sẽ phải chịu sức ép thực hiện các cam kết của mình trong việc thể hiện quan điểm cứng rắn đối với Trung Quốc trên khía cạnh thương mại. Nếu chính quyền Trump tiến tới việc áp dụng các lệnh trừng phạt thương mại đối với Trung Quốc, Bắc Kinh chắc chắn sẽ có những biện pháp trả đũa.

Ông Tập Cận Bình, người nổi lên từ Đại hội lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, sẽ không có những sự nhân nhượng đơn phương, bởi vì nếu làm như vậy sẽ khiến ông trở nên dễ bị tổn thương trước những chỉ trích và có nguy cơ hủy hoại năng lực, khả năng tiếp tục thực thi kế hoạch củng cố, tăng cường Đảng Cộng sản và đưa Trung Quốc thành một quốc gia xã hội chủ nghĩa hiện đại, vĩ đại vào giữa thế kỷ này.

Trung Quốc có lẽ sẽ mua ít hơn các máy bay do Boeing sản xuất, cũng như mua ít hơn vải cotton, ít đậu nành, bột mỳ và các sản phẩm nông nghiệp khác của Mỹ. Đã xuất hiện nguy cơ lớn về một cuộc chiến tranh thương mại có thể kéo theo những tác động tiêu cực đối với hệ thống thương mại toàn cầu.

Do chính quyền Trump đã thu hẹp chương trình nghị sự giữa Mỹ và Trung Quốc trong khuôn khổ thương mại và vấn đề Triều Tiên, bước thụt lùi trong quan hệ song phương hai nước không thể được bù đắp từ sự hợp tác trên các lĩnh vực khác.

Ví dụ, ngày 1/6/2017, Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Paris 2015 về Biến đổi khí hậu toàn cầu, hiệp định vốn là trọng tâm trong sự hợp tác Mỹ - Trung dưới thời chính quyền Obama. Sự phối hợp Mỹ - Trung về những vấn đề khác như chất lượng không khí, bảo tồn năng lượng, nâng cao hiệu năng sử dụng năng lượng, bảo tồn tài nguyên và bảo vệ đại dương cũng đã bị giảm mức độ ưu tiên.

Hơn nữa, Chiến lược An ninh Quốc gia mới của Mỹ được công bố gần đây đã phơi bày mối quan hệ đối kháng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh. Chiến lược này đã gọi Trung Quốc là một “đối thủ” trong lĩnh vực quân sự, kinh tế và chính trị, đồng thời tiếp tục xem Trung Quốc là một “thế lực theo chủ nghĩa xét lại” đang tìm cách định hình lại thế giới, đối trọng với giá trị và lợi ích của Mỹ. 

Điều lưu ý là khi một cuộc chiến thương mại nổ ra, nó có thể nhanh chóng chuyển thành một cuộc cạnh tranh chiến lược mạnh mẽ, với những tác động gay gắt lên việc quản lý các vấn đề khu vực và toàn cầu, bao gồm vấn đề Biển Hoa Đông và Biển Đông, vấn đề Đài Loan, bán đảo Triều Tiên, và nhiều vấn đề khác.

Mối quan hệ Mỹ - Trung thực sự quan trọng nhất và logic nhất trong thời kỳ hiện đại. Một sự đối đầu Mỹ - Trung trong thế kỷ 21 thậm chí có thể sâu sắc hơn Chiến Tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên Xô trong thế kỷ 20. Và một “cuộc chiến tranh nóng” là quá kinh hoàng để có thể mường tượng.

Những phàn nàn của Mỹ về mất cân bằng và thiếu nhân nhượng qua lại trong mối quan hệ kinh tế và thương mại với Trung Quốc là chính đáng và cần được giải quyết. Tuy nhiên, một cuộc chiến thương mại có thể thay đổi bức tranh địa chính trị toàn cầu, gây phương hại đến hầu hết thế giới, thì cần được ngăn chặn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục