Tôm sẽ là đối tượng để thủy sản "bứt phá"

19:48' - 30/06/2016
BNEWS Trong 6 tháng cuối năm ngành thủy sản Việt Nam phấn đấu tăng sản lượng, đặc biệt là con tôm tạo bước đột phá cho toàn ngành.
Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2016 của ngành thủy sản. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS

Trong 6 tháng đầu năm, ngành thủy sản liên tục đối mặt với khó khăn trong cả nuôi trồng và khai thác thủy sản do hạn hán, xâm nhập mặn ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long; sự cố môi trường xyar ra ở một số tỉnh, đặc biệt 4 tỉnh ven biển miền Trung.

Tuy nhiên, ngành thủy sản đã đứng vững trước các thách thức, duy trì được kết quả sản xuất tăng nhẹ.
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, tổng sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm ước đạt trên 3,1 triệu tấn; trong đó sản lượng khai thác đạt 1,5 triệu tấn và sản lượng nuôi trồng đạt gần 1,6 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu (tính đến 15/6) đạt 2,8 tỷ USD (tăng 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái). Ước tính tổng giá trị sản xuất ngành thủy sản đạt trên 85.700 tỷ đồng, tăng 1,1% so với cùng kỳ.
Tính đến đầu tháng 6, các tỉnh đã phê duyệt danh sách ngư dân đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp tàu cá là 1.580 tàu, đạt 56% chỉ tiêu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân bổ. Kết quả đã có 152 tàu cá đóng mới và 16 tàu nâng cấp được hạ thủy đi vào hoạt động.

Tại hội nghị “Sơ kết 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2016” của Tổng cục Thủy sản tổ chức tại Hà Nội, ngày 30/6, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho biết, trong 6 tháng cuối năm ngành phải nỗ lực cao để phát triển các lĩnh vực, đặc biệt là những lĩnh vực có thế mạnh.

Đối với ngành, đối tượng đầu tiên là tôm, nhất là tôm nuôi nước lợ có thể không tăng sản lượng nhưng phải tăng về chất lượng và giá trị.
Theo đó, để phát triển tôm nuôi nước lợ, Tổng cục Thủy sản sẽ phải xây dựng kế hoạch hành động về phát triển tôm nuôi nước lợ từ nay đến cuối năm; trong đó sẽ đưa ra việc tăng sản lượng tôm nuôi nước lợ bao nhiêu và tăng ở chỗ nào, phương thức nuôi nào, địa phương nào.

Tổng cục Thủy sản và cục Thú y lập các tổ công tác bám giám sát tình hình thực hiện ở địa phương để có những chỉ đạo sát sao trong sản xuất. Đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ về giống; rà soát lại những đơn vị, các cơ cơ sở sản xuất giống nhập khẩu và công khai trên trang điện tử của Tổng cục và tăng cường kiểm tra chất lượng về sản xuất giống.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám cũng yêu cầu phải tiếp tục kiểm tra chặt chất lượng các loại vật tư đầu vào, việc lạm dụng kháng sinh để tránh ảnh hưởng đến chất lượng thủy sản. “Không chỉ kiểm tra, giám sát ở phần ngọn là các lô hàng xuất khẩu mà phải toàn bộ chuỗi sản xuất, từ khâu nuôi đến chế biến”. - Thứ trưởng Vũ Văn Tám nói.
Đến nay, diện tích thả nuôi tôm nước lợ ước của cả nước đạt 607.700 ha, tăng 2,7% so với cùng kỳ 2015, bằng 87,5% kế hoạch năm. Sản lượng tôm nước lợ thu hoạch đạt 181.000 tấn, đạt 26,6% kế hoạch năm và giảm trên 3% so với cùng kỳ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục