TP Hồ Chí Minh: Cách nào xử lý điểm tập kết rác ô nhiễm trong khu dân cư?

10:34' - 07/09/2017
BNEWS Với việc mỗi ngày trên toàn địa bàn phát sinh hơn 8.300 tấn rác sinh hoạt, Thành phố Hồ Chí Minh đang đứng trước thách thức lớn về xử lý rác thải, đảm bảo vệ sinh môi trường.

 Trong đó, việc hình thành và xử lý các điểm thu gom, tập kết rác nằm trong khu dân cư đang gặp nhiều trở ngại, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.

Sống chung với… rác

Thành phố Hồ Chí Minh đang đứng trước thách thức lớn về xử lý rác thải, đảm bảo vệ sinh môi trường. Ảnh minh họa: K GỬIH-TTXVN

Trạm trung chuyển rác nằm trên đường Thuỷ Lợi, phường Phước Long A, Quận 9 do Ủy ban nhân dân Quận quản lý và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Dịch vụ công ích Quận 9 vận hành nằm trong khu dân cư, gây ô nhiễm nặng nề.

Theo phản ánh của người dân, nhiều năm nay người dân sống xung quanh “lĩnh đủ” mùi hôi thối nồng nặc, cả ngày lẫn đêm, nhất là khi rác tập kết đổ về và được đưa lên xe chở đi xử lý. Do không chịu được mùi hôi thối, một số người đã phải chuyển nhà đi nơi khác sinh sống.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong quá trình hoạt động, lực lượng gom rác dân lập tập trung đổ rác tại trạm trung chuyển rác cùng một thời điểm làm phát sinh mùi hôi thối, mất vệ sinh.

Phải đến năm 2025, trạm trung chuyển rác này mới có thể được giải toả. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, người dân sẽ phải tiếp tục sống chung với rác.
Trên đường Phan Văn Trị đoạn gần ngã tư Phan Văn Trị - Nguyên Hồng (phường 11, quận Bình Thạnh) có điểm tập kết rác tự phát lấn hết cả vỉa hè và tràn ra đường hơn 2 m. Các xe thu gom rác cũng “bày” ra lòng lề đường, gây cản trở giao thông vào giờ cao điểm. Theo phản ánh của người dân, điểm tập kết rác này hình thành trong 2 năm trở lại đây.

Mỗi khi gió lớn, mùi hôi thối nồng nặc xộc thẳng vào nhà dân. Nước rỉ rác tràn ra đường thu hút ruồi, muỗi, khiến các hàng quán gần đấy không thể kinh doanh, buôn bán được. Nhiều hộ gia đình đã kiến nghị lên chính quyền địa phương giải quyết nhưng đến nay điểm tập kết rác tự phát này vẫn tồn tại và ngày càng phình to hơn.
Một điểm tập kết rác khác trên đường Nguyễn Văn Nghi (đoạn đi ngang chợ Gò Vấp, quận Gò Vấp) cũng liên tục bị người dân phản ánh vì nhếch nhác và bốc mùi hôi thối.

Phần lớn rác thải từ chợ Gò Vấp và rác thải sinh hoạt không được cho vào thùng, xe thu gom mà chất thành đống đặt dưới mặt đường, kéo dài cả chục mét, kéo theo ruồi, muỗi, côn trùng và chuột. Vào buổi tối, các xe rác chuyên dụng cạp rác từ dưới mặt đường khiến nước bẩn vương vãi lênh láng.
Tương tự, điểm tập kết rác trên đường Tân Sơn, địa bàn giáp ranh giữa phường 12 và phường 8, quận Gò Vấp cũng gây ô nhiễm nặng nề. Đoạn đường dài gần 100m bị các đơn vị thu gom rác dân lập chiếm dụng để chứa rác.

Mỗi ngày hơn 100 tấn rác được tập kết về đây. Vào giờ cao điểm, khu vực này thường xuyên xảy ra tình trạng ùn ứ, thậm chí xảy ra một số vụ tai nạn giao thông vào ban đêm do người đi đường tránh các đống rác và xe thu gom nằm la liệt trên đường.
Ô nhiễm nặng nề và kéo dài hơn cả là điểm tập kết rác tại khu phố 6, phường Hiệp Thành, Quận 12 diễn ra từ hơn 10 năm nay. Điểm tập kết rác này thuộc quyền quản lý của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Dịch vụ công ích Quận 12.

Trước đây điểm tập kết rác này có diện tích nhỏ, tuy nhiên càng lâu điểm tập kết càng mở rộng, hiện đã rộng khoảng 500 m2, lại nằm sát mặt đường Dương Thị Mười, xung quanh là khu dân cư tập trung đông đúc.
Tại bãi tập kết, rác thải chất cao nhưng không được che chắn, phun xịt, bên cạnh rác thải sinh hoạt thông thường còn chứa xác động vật chết nên bốc mùi hôi thối nặng nề. Các xe chở rác mỗi lần đi qua gây bụi mù mịt. Bà Huỳnh Thị Thanh Thúy, người dân khu phố 6, phường Hiệp Thành, Quận 12 cho biết, bãi rác này là nỗi ám ảnh đối với người dân trong khu vực suốt hơn 10 năm qua.

Mỗi lần họp tổ dân phố, người dân đều kiến nghị chính quyền địa phương giải quyết, thậm chí người dân còn chặn đường không cho xe vào đổ rác nhưng đến nay điểm tập kết rác này vẫn tồn tại và ngày càng bốc mùi dữ dội. Người dân mong mỏi bãi rác này di dời ra khỏi khu dân cư, trả lại môi trường sống trong lành cho khu vực.
Đưa những bức xức này của người dân đến lãnh đạo Uỷ ban nhân dân phường Hiệp Thành, Quận 12 phóng viên được cho biết, phường Hiệp Thành đang làm việc với Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Dịch vụ công ích Quận 12 để xử lý ô nhiễm và lên kế hoạch di dời đến bãi xử lý rác của phường Thạnh Xuân, ngay sau khi khi bãi xử lý này hoàn thành và đi vào hoạt động.
Tại buổi làm việc với Sở Y tế và Uỷ ban nhân dân 24 quận, huyện vừa qua về công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, bà Nguyễn Thị Thu - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Tính đến cuối tháng 8/2017, trên địa bàn thành phố có 13.763 ca mắc bệnh sốt xuất huyết. Một trong những nguyên nhân khiến bệnh sốt xuất huyết tăng cao là do ô nhiễm môi trường, nhất là tại các điểm tập kết rác thải sinh hoạt phát sinh muỗi lây lan bệnh.

  Khẩn trương xử lý, di dời

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh: Hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 1.000 điểm tập kết rác, chủ yếu ở các quận nội thành và phân bố rải rác ở các huyện ngoại thành; 26 trạm trung chuyển đang hoạt động với nhiều quy mô khác nhau, trong đó có 8 trạm trung chuyển hoạt động tạm, đa số là trạm hở và không có hệ thống xử lý môi trường.

Ô nhiễm môi trường tại các điểm tập kết rác diễn ra nghiêm trọng do các điểm này nằm đan xen trong các khu dân cư, trên các trục đường chính.
Trung Quốc mạnh tay với các doanh nghiệp xử lý rác thải nhập khẩu
“Để xử lý khối lượng rác thải sinh hoạt khổng lồ phát sinh mỗi ngày, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã phân cấp cho Uỷ ban nhân dân 24 quận, huyện quản lý và thực hiện thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn.

Tuy nhiên, quy trình thực hiện, phương tiện thu gom, vận chuyển mỗi nơi thực hiện khác nhau, không có sự đồng bộ, thống nhất.

Việc thu gom rác từ khu dân cư phần lớn do các đơn vị thu gom rác dân lập đảm trách và đưa về điểm tập kết hoặc do các Công ty dịch vụ công ích quận, huyện vận chuyển từ điểm tập kết đến trạm chung chuyển hoặc bãi rác xử lý tập trung.

Do các khâu không có sự phối hợp chặt chẽ nên rác thải bị ứ đọng thời gian dài ở các điểm tập kết gây ô nhiễm, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân”, ông Nguyễn Toàn Thắng cho hay.
Trong khi đó, theo các chuyên gia môi trường, những điểm tập kết rác quá tải và gây ô nhiễm nghiêm trọng cần lập tức đóng cửa và di dời ra khỏi khu dân cư. Cùng với đó cần phải tiến hành che chắn, phun xịt hóa chất khử mùi, thu gom nước rỉ rác. Về lâu dài, cần quản lý, kiểm soát chặt chẽ những điểm tập kết và đầu tư xây dựng những trạm trung chuyển quy mô lớn nhằm giảm số lượng điểm tập kết rác tự phát, nhất là những điểm nằm xen kẽ khu dân cư.
Nói về giải pháp xử lý tình trạng trên, ông Huỳnh Minh Nhựt - Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Môi trường đô thị Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất việc đầu tư xây dựng trạm trung chuyển theo mô hình của Công ty Dịch vụ công ích quận Tân Bình.

Cụ thể, trạm trung chuyển này sử dụng công nghệ ép rác theo hướng hiện đại, đảm bảo vệ sinh môi trường. Hệ thống ép rác gồm phần máy ép rác với 2 đầu nén, hệ thống các miệng hút không khí bẩn và các đầu phun hóa chất khử mùi trước khi thải ra môi trường. Cùng với đó là hệ thống cấp nước rửa xe, chữa cháy và các mương thu nước rỉ rác được bố trí tách biệt.

Với hệ thống này, quy trình tiếp nhận rác được thực hiện trực tiếp từ các xe vận chuyển rác nên có thể giảm số lượng điểm tập kết rác trên địa bàn, đảm bảo mỹ quan đô thị và vấn đề vệ sinh môi trường.
Ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thêm: Sở Tài nguyên và Môi trường đang rà soát lại hơn 1.000 điểm tập kết rác trên toàn địa bàn thành phố, đồng thời phối hợp các quận, huyện điều chỉnh, lựa chọn vị trí phù hợp, kín đáo để sớm giải quyết các điểm tập kết nằm ngay khu dân cư.

Sở cũng đang lên phương án quy hoạch các điểm tập kết rác, xóa bỏ những điểm tập kết gây ô nhiễm môi trường, đầu tư xây dựng các trạm trung chuyển theo hướng hiện đại, khép kín, có thể xây ngầm bên dưới ở một số địa bàn thuận lợi nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường.
Đối với điểm tập kết rác gây ô nhiễm nặng nề ở phường Hiệp Thành, Quận 12, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố đã phối hợp với Ủy ban nhân dân Quận 12 tiến hành phun xịt hóa chất khử mùi hôi, đồng thời đề nghị đơn vị quản lý che chắn cẩn thận.

Sở cũng đang lập dự toán đầu tư xây dựng điểm tập kết rác tại khu vực theo hướng hiện đại vừa đảm bảo nhu cầu thu gom, vận chuyển rác sinh hoạt vừa đảm bảo vấn đề vệ sinh môi trường./.

>>> Trung Quốc mạnh tay với các doanh nghiệp xử lý rác thải nhập khẩu

>>> Lò đốt rác thải y tế được đầu tư tiền tỷ nhưng bỏ không

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục