Tp. Hồ Chí Minh phát triển doanh nghiệp đi vào chiều sâu

16:17' - 29/05/2017
BNEWS Trong mục tiêu hướng tới phát triển 500.000 doanh nghiệp vào năm 2020, bên cạnh số lượng, cần chú trọng chất lượng, nhất là phải mở rộng doanh nghiệp sản xuất thì mới có tính bền vững.
Tp. Hồ Chí Minh phát triển doanh nghiệp đi vào chiều sâu. Ảnh minh họa: TTXVN
Đây là chỉ đạo của Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong tại cuộc họp của UBND Tp. Hồ Chí Minh về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội và quốc phòng - an ninh tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2017, diễn ra ngày 29/5.

* Chú trọng doanh nghiệp sản xuất

Theo ông Nguyễn Thành Phong, hiện Thành phố đã có 308.977 doanh nghiệp. Trong số doanh nghiệp đăng ký mới có tới 42,6% là doanh nghiệp bất động sản, 20,7% doanh nghiệp dịch vụ - thương mại, doanh nghiệp xây dựng chiếm 15%, còn lại là các ngành khác. Đây là con số đáng lưu tâm, nhất là hơn 42% doanh nghiệp bất động sản. Cần phân tích sâu xem giá trị doanh nghiệp tạo ra cho ngành sản xuất, tạo thương hiệu cho Thành phố như thế nào.

“Cơ cấu và quy mô doanh nghiệp là mục tiêu chính để chúng ta nhắm tới, nhất là về chất lượng. Ngoài ra, chúng ta cũng phải chú ý, dứt khoát trên địa bàn không có doanh nghiệp làm hàng gian, hàng giả… Cần tiếp xúc với các hiệp hội doanh nghiệp như cơ khí, các ngành sản xuất xem khó khăn chỗ nào để tập trung tháo gỡ”, ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Từ đầu năm 2017 đến nay, Thành phố có 15.492 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 193.784 tỷ đồng (so cùng kỳ tăng 10,4% về số lượng doanh nghiệp và tăng 54,2% về vốn đăng ký). Ngoài ra, có 22.086 lượt doanh nghiệp đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, trong đó vốn điều chỉnh bổ sung tăng 259.785 tỷ đồng. Tính chung tổng vốn đăng ký và bổ sung là 453.569 tỷ đồng, tăng gấp 2,4 lần so với cùng kỳ.

Ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện môi trường hoạt động của các doanh nghiệp tiếp tục cải thiện, lãnh đạo thành phố đã làm việc với các quận, huyện để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi sang loại hình doanh nghiệp. Từ đầu năm 2017 đến nay, Thành phố có 413 hộ kinh doanh đã chuyển thành doanh nghiệp.

Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Tp. Hồ Chí Minh, cho biết, Thành phố không chạy theo số lượng mà chú ý cơ cấu ngành nghề. Thành phố đã làm việc với 5 quận, huyện về phát triển doanh nghiệp tại địa phương và sẽ làm việc với tất cả 24 quận, huyện trên địa bàn về vấn đề này trong tháng 6/2017.

Bên cạnh phát triển doanh nghiệp, hiện Tp. Hồ Chí Minh đang tập trung thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp trọng yếu trong cơ cấu chung của ngành công nghiệp. Trong 5 tháng đầu năm 2017, chỉ số phát triển công nghiệp ước tăng 7,29% so với cùng kỳ, trong đó bốn ngành công nghiệp trọng yếu ước tăng 9,68% so cùng kỳ, cao hơn mức tăng chung của toàn ngành; đặc biệt, ngành cơ khí - chế tạo ước tăng 19,35%; ngành điện tử - công nghệ thông tin tăng 12,1%... trong cơ cấu ngành công nghiệp.

Theo ông Sử Ngọc Anh, việc đầu năm 2017 Thành phố ban hành Quyết định về hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ đã góp phần thúc đẩy công nghiệp phát triển, sản xuất hàng hóa đáp ứng yêu cầu của thị trường. Đồng thời, Thành phố đã xây dựng cơ sở dữ liệu về ngành công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là các thông tin về các doanh nghiệp chế tạo cơ khí để kết nối và hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thông tin khi có nhu cầu đầu tư máy móc, thiết bị và công nghệ sản xuất mới nhằm giảm chi phí so với việc xuất khẩu.

* Đầu tư nước ngoài khởi sắc

Từ đầu năm 2017 đến nay, Thành phố đã cấp phép đầu tư cho 283 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng vốn đầu tư đạt 341 triệu USD; nhiều nhất là các nhà đầu tư Hàn Quốc với vốn đầu tư chiếm 27,8%, tiếp theo là Malaysia với 13,2%, Singapore 11,7%... Đáng chú ý, trong tổng vốn đầu tư vào Thành phố, có tới 35,9% là công nghiệp chế biến - chế tạo; 27,1% là bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy; thông tin và truyền thông chiếm 16,2%; hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 11,8%.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, tiếp xúc với các tập đoàn lớn Hàn Quốc vừa qua, các tập đoàn này đều bày tỏ tin tưởng và chọn Tp. Hồ Chí Minh là nơi đầu tư lâu dài. Hiện triển vọng đầu tư từ Hàn Quốc, Nhật Bản và một số quốc gia khác như Singapore, Malaysia có thể nâng quy mô đầu tư. Vấn đề là tạo môi trường đầu tư để thu hút các doanh nghiệp.

Về tình hình xuất nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu của Thành phố ước đạt 14 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 1,2%); nếu không tính giá trị dầu thô, kim ngạch ước đạt 12,8 tỷ USD, tăng 17,3% (cùng kỳ tăng 7,1%). Trong khi đó, kim ngạch ước đạt 16,6 tỷ USD, tăng 18,0% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 9,2%)./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục