Trà Vinh xây dựng “vùng đất lành”: Bài 2: Trách nhiệm thực thi đồng bộ giải pháp

15:10' - 15/07/2018
BNEWS Tỉnh Trà Vinh đang gặp phải thách thức lớn về chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) liên tục bị sụt giảm.
Vì thế, tỉnh đề cao quyết tâm chính trị, nỗ lực tối đa để thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng “vùng đất lành “ cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, nhằm góp phần đạt được mục tiêu phát triển trở thành tỉnh khá trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2020.

Bài 2: Đề cao trách nhiệm để thực thi đồng bộ giải pháp

Một trong những giải pháp đã được tỉnh ưu tiên thực hiện khắc phục những yếu kém về thủ tục hành chính vốn được nhiều doanh nghiệp góp ý. Ảnh minh họa TTXVN
Trong chương trình tái cơ cấu lại nền kinh tế, giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh Trà Vinh đề ra mục tiêu đến năm 2020, đưa chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh (PCI) đạt thứ hạng từ 15 đến 20 so với các tỉnh, thành cả nước và tăng thêm khoảng 500 doanh nghiệp. Vì vậy, tỉnh đang đề cao trách nhiệm đối với các sở, ngành, các địa phương trong tỉnh trong việc thực thi các giải pháp một cách đồng bộ để cải thiện chỉ số PCI.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Văn Lâm cho biết, tỉnh luôn xác định tầm quan trọng của công nghiệp, thương mại và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế. Vì thế, tỉnh đang rất quyết tâm huy động nhiều nguồn lực tập trung tháo gỡ những khó khăn, yếu kém để cải thiện chỉ số PCI, tạo bước đột phá mới trong thu hút đầu tư.

Một trong những giải pháp đã được tỉnh ưu tiên thực hiện khắc phục những yếu kém về thủ tục hành chính vốn được nhiều doanh nghiệp góp ý. Trong tháng 4/2018, Trung tâm hành chính công tỉnh Trà Vinh được thành lập và đi vào hoạt động, thực hiện tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa tập trung đối với 95 lĩnh vực gồm 1.136 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của 11 sở, ban, ngành trong tỉnh.

Với phương châm hành động “Chính quyền, công sở thân thiện và trách nhiệm”, tỉnh đã triển khai thực hiện 1.681 thủ tục hành chính được rút ngắn 1/2 thời gian giải quyết, 54 thủ tục hành chính được rút ngắn 1/3 thời gian giải quyết so với năm 2017. Tuy nhiên, việc cải cách hành chính từ các hoạt động, như: thành lập Trung tâm hành chính công, giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công, chính quyền điện tử,… vẫn chưa đủ nguồn lực để cải thiện chỉ cố PCI của tỉnh.

Để cải thiện chỉ số PCI của tỉnh tốt hơn trong thời gian tới, UBND tỉnh Trà Vinh đã phân công giao trách nhiệm cụ thể cho từng địa phương, các sở ngành chuyên môn xây dựng kế hoạch, giải pháp hiệu quả nhất để khắc phục những hạn chế, yếu kém. Trong năm 2018, UBND tỉnh giao trách nhiệm cho các đơn vị: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh triển khai thực hiện các hoạt động nâng cao các chỉ số thành phần còn thấp điểm của tỉnh.

Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh cho biết, đơn vị đã xây dựng kế hoạch, giải pháp thực hiện nhiệm vụ cải thiện chỉ số PCI của tỉnh. Cụ thể, Sở Công Thương sẽ tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, như: tổ chức nhiều cuộc hội chợ thương mại, đảm bảo hoạt động cung cấp thông tin đầy đủ và liên tục cho doanh nghiệp về pháp luật, chính sách ưu đãi, thông tin thị trường, thông tin về đối tác,…để doanh nghiệp, nhà đầu tư kịp thời trao đổi, điều chỉnh và xây dựng kế hoạch trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Về chỉ số đào tạo lao động, theo ông Dương Quang Ngọc, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, đơn vị sẽ đẩy mạnh hoạt động gắn kết giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh. Công bố rộng rãi về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động của tỉnh và thực hiện việc đào tạo nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp. Mục tiêu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh là hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp giảm chi phí đào tạo lao động nhưng đảm bảo về mặt chất lượng đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu cho doanh nghiệp.

Đối với Sở Kế hoạch và Đầu tư được UBND tỉnh giao trách nhiệm là đơn vị “chủ công” trong các hoạt động cải thiện chỉ số PCI để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư. Từ nay đến cuối năm, đơn vị công bố minh bạch, rộng rãi danh sách các dự án kêu gọi đầu tư; các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư của tỉnh; tổ chức nhiều cuộc hội nghị xúc tiến đầu tư để doanh nghiệp, nhà đầu tư được tiếp cận một cách thận lợi nhất.

Sở Kế hoạch và Đầu tư công bố các dự án được tỉnh ưu đãi mời gọi về lĩnh vực công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ chế biến, gồm có: dự án nuôi tôm nước lợ công nghệ cao, quy mô 100 – 200ha; dự án hợp tác liên kết nuôi tôm sinh thái ( tôm – rừng, tôm – lúa) xuất khẩu, quy mô 800 – 1.000ha; dự án liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm từ dừa, quy mô 20.000 – 30.000 ha; dự án phát triển chăn nuôi và chế biến các sản phẩm từ bò ở các khu quy hoạch chăn nuôi tập trung, quy mô trên 5.000 con/dự án;...

Các dự án trọng điểm được kêu gọi đầu tư, ngoài chính sách chung của Trung ương, tỉnh thực hiện ưu đãi ở nhiều lĩnh vực như: chính sách đất đai; hỗ trợ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng; hỗ trợ kinh phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật; hỗ trợ đầu tư sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp có trong quy hoạch được duyệt nhưng chưa được đầu tư hạ tầng; hỗ trợ xây dựng hệ thống xử lý môi trường;... Bên cạnh đó, tỉnh còn hỗ trợ cho doanh nghiệp kết nối với các ngân hàng thực hiện cam kết đầu tư tín dụng.

Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Đồng Văn Lâm khẳng định, thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017 và định hướng đến năm 2020, tỉnh Trà Vinh sẽ nỗ lực tối đa, vận dụng và phát huy những tiềm năng, thế mạnh sẵn có để đưa Trà Vinh trở thành “vùng đất lành” của các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Đây được xem là động lực quan trọng góp phần tạo bước đột phá về kinh tế - xã hội của tỉnh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục