Trà Vinh nỗ lực xây dựng “vùng đất lành “ cho nhà đầu tư - Bài 1: Những hạn chế, yếu kém

14:04' - 15/07/2018
BNEWS Tỉnh Trà Vinh đang gặp phải thách thức lớn về chỉ số năng lực cạnh tranh ( PCI) liên tục bị sụt giảm.

Vì thế, tỉnh đề cao quyết tâm chính trị, nỗ lực tối đa để thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng “vùng đất lành “ cho nhà đầu tư, nhằm góp phần đạt được mục tiêu phát triển trở thành tỉnh khá trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vào năm 2020.

Bài 1: Những hạn chế, yếu kém

Không thể phủ nhận, Trà Vinh là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế để chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, dịch vụ, thương mại. Với điều kiện tự nhiên được thiên nhiên ưu đãi, Trà Vinh có biển, có rừng ngập mặn, có diện tích đất trồng cây hàng năm, lâu năm khá lớn và nguồn lực lao động rất dồi dào. Đây là những yếu tố cần, hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp khi muốn xây dựng và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Hầu hết các doanh nghiệp cho biết đều tốn kém nhiều về chi phí đào tạo và tuyển dụng lao động, chiếm đến 8% trên tổng chi phí hoạt động kinh doanh. Ảnh minh họa: Vũ Sinh – TTXVN

Từ tiềm năng, lợi thế đó, nên từ khi tái thành lập tỉnh (năm 1992), trong các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh, Trà Vinh đều đặt mục tiêu về cơ cấu kinh tế là giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ công nghiệp, thương mại, dịch vụ để tạo bước đốt phá cho phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, tỉnh không ngừng tập trung đầu tư về cơ sở hạ tầng; qui hoạch và xây các khu công nghiệp, cụm tiểu thủ công nghiệp; ban hành các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư,… để phục vụ cho chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Tuy nhiên, những cố gắng vẫn chưa tháo gỡ được những rào cản, tạo nên nguồn lực đủ mạnh để tỉnh thúc đẩy kinh tế phát triển như mong muốn.

Việc đầu tư cơ sở hạ tầng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, do tỉnh thiếu nguồn lực tự chủ về tài chính, phải tranh thủ từ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ và các nguồn vốn khác để đầu tư xây dựng theo từng năm, từng giai đoạn buộc phải kéo dài về thời gian.

Các chính sách ưu đãi, việc cải cách hành chính, các hoạt động hỗ trợ thu hút đầu tư, … chưa được các ngành chuyên môn, các địa phương trong tỉnh triển khai đồng bộ, nên chưa thực sự là con đường “trải thảm” đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến với tỉnh.

Đây là những nguyên nhân ảnh hưởng lớn đến năng lực cạnh (PCI) của tỉnh trong những năm qua không bền vững và liên tục bị tuột giảm các chỉ số thành phần.

Đơn cử, năm 2017 chỉ số PCI đứng thứ hạng 37/63 tỉnh, thành. Tuy tăng 5 bậc so năm 2016, nhưng có 2 chỉ số thành phần về đào tạo lao động thấp hơn cả nước 1,15 điểm và chỉ số về hỗ trợ doanh nghiệp 4,77 điểm thấp nhất cả nước.

Ông Tô Ngọc Bình, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Trà Vinh cho biết, qua khảo sát lấy ý kiến các doanh nghiệp trong tỉnh về nhu cầu được cung cấp các văn bản pháp luật có liên quan, các quy hoạch định hướng của tỉnh và việc đối thoại trực tiếp giữa doanh nghiệp với chính quyền, các doanh nghiệp đều có nhu cầu. Thế nhưng, còn hơn 33% doanh nghiệp không được tham gia đối thoại trực tiếp. Tất cả các doanh nghiệp đều phản ánh vướng mắc khó khăn cần được sự hỗ trợ của các sở, ngành, chính quyền của tỉnh.

Điển hình, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp được Ban Quản lý khu kinh tế quan tâm, nhưng các sở, ngành khác không tiếp cận với doanh nghiệp mà chỉ thông qua báo cáo chung của Ban Quản lý khu kinh tế. Còn các doanh nghiệp nhỏ không biết đến vai trò, chức trách hỗ trợ của các sở, ngành đối với doanh nghiệp và cũng không quan tâm đến các chính sách, chế độ đáng có của doanh nghiệp để kiến nghị yêu cầu quyền lợi của mình.

Hầu hết các doanh nghiệp cho biết đều tốn kém nhiều về chi phí đào tạo và tuyển dụng lao động, chiếm đến 8% trên tổng chi phí hoạt động kinh doanh.

Trong khi địa phương thiếu các dịch vụ hỗ trợ cũng như kinh phí hỗ trợ cho đào tạo, tuyển dụng.

Việc áp dụng công nghệ thông tin và việc thực hiện các thủ tục hành chính nhằm giảm áp lực ở các bộ phận và thời gian, gần như doanh nghiệp phải đến cơ quan chức năng làm việc trực tiếp. Về thủ tục hành chính vẫn còn rờm rà, mất nhiều thời gian nhất là ở khâu chờ đợi lãnh đạo phê duyệt, nhiều cán bộ còn gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Một hạn chế khác là về các hoạt động xúc tiến thương mại, cung cấp dịch vụ tìm kiếm thông tin thị trường, các dịch vụ về khoa học công nghệ, tìm đối tác kinh doanh, tư vấn pháp luật còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu cho doanh nghiệp.

Hệ thống các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp phát triển của tỉnh được các cơ quan chức năng triển khai, công bố chưa thật sự rộng rãi và thiếu tính thống nhất. Về đào tạo lao động, có đến 52% doanh nghiệp chọn hình thức tự đào tạo lao động; 61% doanh nghiệp không tham dự hoặc không biết về các chương trình đạo tạo lao động tại địa phương.

Ông Diệp Tấn Đạt, Phó Giám đốc Công ty TNHH may Hồng Việt cho rằng, để tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động và đầu tư, tỉnh Trà Vinh cần đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách hành chính, công khai minh bạch các chính sách, các dịch vụ hỗ trợ cho doanh nghiệp. Qua đó, doanh nghiệp được chủ động hơn trong việc xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh hay mạnh dạn đầu tư các dự án.

Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đông Dương Võ Hoàng Phước chia sẻ, danh nghiệp luôn mong muốn có được môi trường đầu tư thuận lợi nhất, lành mạnh nhất. Vì vậy, tỉnh Trà Vinh muốn nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư hiệu quả thì cần tập trung hơn nữa việc giải quyết thủ tục hành chính theo phương thức đơn giản hóa nhưng đảm bảo đúng luật, rút ngắn nhất về thời gian cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cho thuê đất và công khai về các qui hoạch phát triển các cụm, khu công nghiệp.

Những năm qua, tỉnh Trà Vinh đã có nhiều hoạt động, chính sách thu hút đầu tư tư, tạo sức hấp dẫn cho rất nhiều doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đến tìm hiểu. Tuy nhiên, kết quả về số lượng dự án đầu tư, dự án đầu tư với qui mô lớn chưa nhiều, chưa xứng với tìm năng của của tỉnh.

Nguyên nhân chính là do các hoạt động, cơ chế, chính sách chưa được thực hiện đồng bộ, dẫn đến chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh Trà Vinh không bền vững. Tỉnh cần nỗ lực tối đa để vượt qua thách thức, tháo gỡ những hạn chế, yếu kém còn tồn tại mới có thể tạo bước đột phá về kinh tế./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục