Trên 60% doanh nghiệp không quan tâm đến dịch vụ phát triển kinh doanh

15:23' - 13/04/2016
BNEWS Theo báo cáo của VCCI chất lượng hoạt động dịch vụ phát triển kinh doanh chưa tốt khiến 60 - 80% doanh nghiệp không mặn mà sử dụng.
Trên 60% doanh nghiệp hiện chưa quan tâm đến dịch vụ phát triển kinh doanh tại Việt Nam. Ảnh minh họa: TTXVN

Mặc dù còn khá mới mẻ tại Việt Nam nhưng các dịch vụ phát triển kinh doanh và chuyên môn là một trong những ngành phát triển nhanh nhất tại Việt Nam. Báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, số lượng các doanh nghiệp dịch vụ kinh doanh tăng lên đáng kể từ hơn 94.000 đến hơn 300.000 trong giai đoạn 2007 - 2015, chiếm 68,35% tổng số các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam.

Với tác động làm giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh, chuyên nghiệp hóa, thúc đẩy cải tiến dịch vụ và sản phẩm, dịch vụ phát triển kinh doanh được coi là công cụ hữu dụng cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất hiện vẫn là vấn đề nhận thức của doanh nghiệp về tầm quan trọng của dịch vụ phát triển kinh doanh và chất lượng của chính các dịch vụ này.

Ngày 13/4, tại Hà Nội, VCCI đã tổ chức Diễn đàn "Dịch vụ phát triển kinh doanh" và công bố Báo cáo Thường niên Doanh nghiệp Việt Nam 2015.

Theo TS. Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI, các doanh nghiệp có quy mô càng nhỏ thì lại càng cần thuê ngoài dịch vụ phát triển kinh doanh. Nhưng cũng chính vì vừa không có đủ nguồn nhân lực, lại không thuê dịch vụ bên ngoài nên các doanh nghiệp Việt Nam thiếu rất nhiều kỹ năng, kiến thức kinh doanh. Kết quả là hoạt động của doanh nghiệp trở nên không chuyên nghiệp và không hiệu quả.

Bên cạnh đó, bà Hằng cũng cho rằng, chất lượng của các hoạt động dịch vụ phát triển kinh doanh chưa tốt khiến nhiều doanh nghiệp không mặn mà sử dụng, dẫn đến tỷ lệ lớn từ 60%-80% các doanh nghiệp không biết hoặc biết nhưng không sử dụng.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, doanh nghiệp có thể có nhu cầu về dịch vụ phát triển kinh doanh nhưng họ không đủ khả năng chi trả hoặc không muốn chi trả, bởi phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngoài ra, năng lực của các đơn vị dịch vụ cũng là vấn đề cần xem lại.

Về phía đơn vị cung cấp dịch vụ, ông Hùng cho hay, các đơn vị cũng chưa thực sự có được chất lượng và giá cả hợp lý, lại khó tiếp cận. Trong 156 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ quản trị công nghệ được khảo sát, có tới 57% số đơn vị thuộc các doanh nghiệp nhà nước. Trong khi các đơn vị này có quy định cứng nhắc, chưa thúc đẩy sáng tạo trong cung cấp dịch vụ; nhiều dịch vụ còn chồng chéo, trùng lặp.

Do vậy, để phát triển được dịch vụ phát triển doanh nghiệp, ông Hùng cho rằng, cần phải có sự thay đổi. Theo đó, thay đổi từ cách phát triển dịch vụ theo nhu cầu cụ thể của doanh nghiệp và các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẵn sàng chi trả cho các dịch vụ đó.

"Về phía nhà nước, cần có sự góp mặt của nhà nước để tạo cho thị trường hoạt động, tăng hiệu lực thực thi pháp luật và niềm tin của doanh nghiệp. Nhà nước là chất xúc tác để thị trường vận động thay vì làm thay công việc của các doanh nghiệp dịch vụ phát triển kinh doanh. " - ông Hùng nói.

Cùng quan điểm trên, bà Hằng cũng cho rằng, cần phải thay đổi cách tiếp cận về phát triển thị trường thông qua việc phát triển các dịch vụ "theo nhu cầu cụ thể" của doanh nghiệp và nhân rộng mô hình để đạt đến thị trường quy mô lớn. Đồng thời, lựa chọn dịch vụ phát triển theo chiến lược ngành giúp các nhóm cụ thể của doanh nghiệp tiếp cận tốt hơn; nhà nước cần tăng hơn nữa nguồn lực tài chính cho hoạt động nghiên cứu thị trường, các thương vụ tại nước ngoài...

Về phía doanh nghiệp, bà Hằng cũng khuyến nghị, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu về các dịch vụ phát triển kinh doanh và sử dụng thử; doanh nghiệp cung ứng dịch vụ cũng cần tự nâng cao chất lượng, quảng bá dịch vụ để chiếm lĩnh thị trường trong nước và vươn ra quốc tế.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục