Trung Quốc muốn gì từ Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á?

06:30' - 14/07/2017
BNEWS Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) là một yếu tố mới trong lĩnh vực đầu tư tài chính cho phát triển cơ sở hạ tầng.
Trung Quốc muốn gì từ Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á? Ảnh: THX/TTXVN

Theo nhận định mới đăng trên trang của Viện nghiên cứu quốc tế Australia mới đây của Tiến sỹ Jeffrey Wilson, chuyên gia nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu Mỹ - châu Á tại Perth, những dấu hiệu ban đầu cho thấy AIIB không ẩn chứa nhiều đe dọa như quan ngại của các nhà nghiên cứu trước đó.

Việc thành lập AIIB là một sự phát triển mang tính bước ngoặt của chủ nghĩa khu vực châu Á. Nhiệm vụ chính của AIIB là lấp đầy các khoảng trống hạ tầng ở châu Á, bao gồm các tuyến đường vận tải, năng lượng và liên lạc truyền thông kém phát triển giữa các nước, thông qua một ngân hàng phát triển mới chuyên về đầu tư tài chính cho cơ sở hạ tầng.

AIIB thu hút được sự ủng hộ khá rộng và tới nay có tới 70 quốc gia thành viên với cam kết đầu tư ban đầu 100 tỷ USD.

AIIB cũng đánh dấu một giai đoạn mới trong ngoại giao kinh tế của Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc đề xuất và đi đầu trong các cuộc đàm phán. AIIB đánh dấu sự trưởng thành của Trung Quốc, từ chỗ là một nước tuân thủ định chế tới vai trò giúp kiến tạo thể thế trên quy mô toàn cầu.

Việc hình thành AIIB gây nhiều tranh cãi. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng AIIB không chỉ đơn giản là đầu mối cung cấp tài chính cho hạ tầng mà là một phương tiện chiến lược để thúc đẩy một số chương trình nghị sự kinh tế và chiến lược của Chính phủ Trung Quốc. 

Những nỗ lực này bao gồm cả việc giành ảnh hưởng địa chính trị ở các nước châu Á và tiến tới thực hiện chiến lược “Vành đai và Con đường”. Một số ý kiến khác lo ngại rằng AIIB sẽ cạnh tranh với các thể chế ngân hàng phát triển đa phương hiện nay như Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Một mặt, Trung Quốc là nước lãnh đạo và cung cấp tài chính chủ yếu cho AIIB, do đó các nhà hoạch định chính sách nước này mong muốn AIIB giúp thúc đẩy các mục tiêu quốc gia. Mặt khác, do cần được các nước khác công nhận và mang ý nghĩa “làm chủ châu Á”, Trung Quốc cũng sẽ phải thỏa hiệp với các quốc gia khác.  

Khi sáng kiến AIIB được khởi động, Trung Quốc đã từng bước triển khai các mục tiêu của mình. Khi đàm phán về loại hình của ngân hàng, Trung Quốc có nhiều thỏa hiệp phù hợp với mục tiêu của các đối tác. Kết quả là hình thành một ngân hàng phù hợp với các tiêu chí và thông lệ tài trợ tài chính phát triển hiện có.

Những thỏa hiệp đầu tiên là về quản trị AIIB. Đề xuất ban đầu của Trung Quốc là AIIB hoàn toàn chịu sự kiểm soát của Trung Quốc. Nhóm quản lý của AIIB (Trung Quốc) có quyền quyết định mạnh hơn đáng kể so với các quốc gia thành viên khác, nếu so với những thể chế ngân hàng phát triển đa phương hiện nay. 

Các khoản vay không đề cao chính sách bảo đảm các vấn đề về môi trường và xã hội. Trung Quốc dự định đóng góp hơn 50% vốn, theo đó cho phép nước này có quyền phủ quyết đối với tất cả các quyết định của AIIB.

Khi đó, nhiều thành viên tham gia thảo luận không hài lòng với hình thức này. Đặc biệt là nhóm các nền kinh tế phát triển (gồm Australia, Đức, Hàn Quốc và Anh) đã tham gia AIIB vào tháng 3/2015. 

Các nước này quan ngại về tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và định hướng thương mại của AIIB, đồng thời mong muốn sự bảo đảm từ phía Trung Quốc rằng AIIB phù hợp với các thể chế tài chính đầu tư hiện có.

Thông qua một loạt đàm phán vào tháng Tư và tháng 5/2015, Trung Quốc đồng ý với những thay đổi. Cụ thể, về quản trị, AIIB áp dụng cấu trúc quản trị ba bên (Thống đốc, Giám đốc và Ban quản lý) tương tự như các ngân hàng phát triển đa phương khác. 

Về thương mại, tất cả các khoản vay được đánh giá dựa trên tiêu chí thương mại cụ thể và sẽ được phát hành theo lãi suất thị trường. Các chính sách minh bạch bảm đảm an toàn môi trường và xã hội để đảm bảo quản lý tốt các dự án được tài trợ, Trung Quốc từ bỏ yêu cầu có quyền phủ quyết chính thức và giảm tỷ lệ vốn xuống 29%.

Thỏa hiệp thứ hai liên quan đến mối quan hệ của AIIB với các ngân hàng phát triển đa phương khác, đặc biệt là WB và ADB vốn có truyền thống tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng trong khu vực. 

Có những lo ngại rằng AIIB sẽ cạnh tranh các dự án đầu tư với WB và ADB ở khu vực và có thể ảnh hưởng tới việc bảo đảm các dự án được triển khai có trách nhiệm với các vấn đề xã hội và môi trường.

Trước những lo ngại này, AIIB rất quan tâm tới việc hợp tác với các thể chế ngân hàng đa phương khác. Năm 2016, AIIB đã thảo luận về một Bản ghi nhớ với WB, ADB, Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu, Ngân hàng Đầu tư châu Âu. 

Theo đó, các ngân hàng có cách tiếp cận chung về tài trợ cho phát triển hạ tầng, chia sẻ nguồn lực trong quá trình thiết kế, đánh giá và thực hiện dự án.

Trong 18 tháng hoạt động đầu tiên, AIIB cung cấp khoản vay trị giá 2 tỷ USD cho 12 dự án cơ sở hạ tầng ở châu Á, trong đó có 9 dự án là liên doanh với WB và ADB. Điều này có nghĩa là AIIB đã làm việc với các ngân hàng phát triển đa phương hiện tại như một đối tác tài chính cơ sở, đồng thời cho phép AIIB xây dựng năng lực của mình thông qua kinh nghiệm thực tiễn với các thể chế tài chính đối tác.

Hiện AIIB là một tổ chức đa phương có phạm vi rộng với nhiều quốc gia thành viên, theo kịp các thông lệ quốc tế và thiết lập quan hệ ngang bằng với các ngân hàng phát triển đa phương khác. Vai trò chính của AIIB là ngân hàng đầu tư vào hạ tầng chuyên nghiệp đầu tiên trên thế giới và có vai trò bổ sung cần thiết trong lĩnh vực tài chính hạ tầng khu vực. 

Tuy nhiên, đó mới là giai đoạn đầu, AIIB mới chỉ cung cấp một phần rất nhỏ trong 100 tỷ USD tiền vốn cam kết và sẽ sớm tài trợ cho các dự án hạ tầng của riêng mình. Đến nay những diễn biến cho thấy Trung Quốc muốn đóng góp một thể chế minh bạch, hợp pháp cho kiến trúc kinh tế châu Á và đây là một sự phát triển đáng hoan nghênh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục