Tương lai hội nhập châu Âu sau diễn biến mới tại các nền kinh tế chủ chốt (Phần 2)

06:30' - 17/10/2017
BNEWS Các nhà hoạch định chính sách có thể lại tạm gác cải cách khu vực đồng euro đầy tham vọng, điều mà họ đã làm nhiều lần, với lý do các cải cách từng được tiến hành trong giai đoạn khủng hoảng là đã đủ.

No Title

Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker tại một sự kiện ở Strasbourg, Pháp ngày 1/7. Ảnh: EPA/TTXVN

Trong bối cảnh trên, câu hỏi đặt ra là Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ đi theo hướng nào? Trong một bài viết gần đây được Project Syndicate đăng tải, cựu Bộ trưởng Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ Kemal Dervis, từng là Giám đốc Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và hiện đang là Phó Giám đốc Viện Brookings, đã chỉ ra ba hướng đi khả thi cho khu vực này.

Lựa chọn thứ nhất là một “liên minh thống nhất hơn”, như những gì Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đề ra trong thông điệp liên minh hồi tháng trước.

Ông Juncker không ủng hộ ý tưởng một châu Âu đa tốc độ, mà thay vào đó lại muốn thúc đẩy những bước đi đồng bộ cho tất cả các nước thành viên liên minh. Điều này sẽ được bắt đầu từ việc mở rộng phạm vi khu vực tự do đi lại Schengen bao trùm cả Bulgaria và Romania.

Ông Juncker cũng kêu gọi đẩy nhanh việc hoàn thành hệ thống tiêu chuẩn chung về các chính sách lao động và xã hội cho toàn bộ khu vực.

Chủ tịch EC còn nhấn mạnh rằng đồng euro ra đời với mục tiêu trở thành đồng tiền chung của toàn bộ EU, chứ không chỉ vài quốc gia, bởi vậy EU cần phải theo đuổi mục tiêu thành lập liên minh ngân hàng, phải có bộ trưởng tài chính riêng và Cơ chế Ổn định châu Âu phải trở thành Quỹ Tiền tệ châu Âu.

Cách đây một năm, chủ nghĩa hội nhập “cứng rắn” được xem là điều khó khả thi, bởi Anh không bao giờ ủng hộ ý tưởng này. Tuy nhiên, với việc Brexit đang dần trở thành hiện thực, nhiều người cho rằng tầm nhìn của ông Juncker hoàn toàn có thể trở thành hiện thực.

Mặc dù vậy giải pháp “một tốc độ” của ông Juncker vẫn còn tồn tại nhiều tranh cãi, và nhiều người đã nhắc đến lựa chọn thứ hai có phần linh hoạt hơn của Tổng thống Macron.

Nhà lãnh đạo Pháp đã vạch ra lộ trình đầy tham vọng cho riêng mình, dù có nhiều điểm tương đồng với các đề xuất của ông Juncker song lại chấp nhận nhiều sự khác biệt giữa các nước thành viên EU , ít nhất là trong ngắn hạn.

Lựa chọn thứ ba, nhiều khả năng sẽ xảy ra nhất, là khu vực đồng euro vẫn đi theo hướng hiện tại. Cuộc khủng hoảng kinh tế vốn từ lâu là nguyên nhân của những lời kêu gọi hội nhập, đã phần nào tạm ổn, trong khi tăng trưởng Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) của khu vực hiện vượt mức 2% và tỷ lệ thất nghiệp đã giảm đáng kể.

Trước tình hình này, các nhà hoạch định chính sách có thể sẽ lại tạm gác các cải cách khu vực đồng euro đầy tham vọng sang một bên, điều mà họ đã làm nhiều lần, với lý do rằng các cải cách từng được tiến hành trong giai đoạn khủng hoảng là đã đủ.

Điều này cho phép họ có không gian và thời gian để tập trung vào các vấn đề khác như năng lượng, các quy định trong môi trường số hóa và nhập cư được xem là cấp bách và cần nhiều sự quan tâm hơn trong giai đoạn hiện nay.

Tuy nhiên, nếu giới hoạch định chính sách lựa chọn lối đi này, sẽ có nhiều rủi ro nảy sinh. Khu vực đồng euro đang vận hành khá hiệu quả và các cải cách then chốt trong những lĩnh vực khác là điều quan trọng, song liên minh tiền tệ còn một lỗ hổng rất lớn là việc thiếu vắng các cơ chế đủ để dự đoán và ứng phó với sự chênh lệch về chi phí giữa các quốc gia không đủ khả năng điều chỉnh tỷ giá hối đoái một cách hợp lý. Cơ chế này đồng nghĩa với dòng chảy lao động linh hoạt hơn trong lĩnh vực dịch vụ.

Ngay cả khi các nước thuộc khu vực đồng euro đồng thuận với việc tự do hóa thị trường tự do thì người lao động vẫn sẽ đối mặt với những rào cản về văn hóa và ngôn ngữ. Rõ ràng nếu thiếu một cơ chế hiệu quả như trên, những gì từng diễn ra trong cuộc khủng hoảng kinh tế trước đây sẽ tái diễn và kéo theo nhiều hệ lụy thậm chí còn tồi tệ hơn.

Trong bối cảnh Thủ tướng Đức Angela Merkel vẫn đang bận rộn với việc thành lập chính phủ liên minh mới, rất khó để nói trước về hướng hội nhập mà châu Âu sẽ tiến bước trong những năm tới. Trước thực tế, khả năng liên minh mà bà Merkel hướng tới sẽ bao gồm đảng Dân chủ Tự do có tư tưởng hoài nghi châu Âu và đảng Xanh ủng hộ hội nhập, và kẹp giữa là đảng Dân chủ Cơ đốc giáo của bà, việc đẩy nhanh mục tiêu hội nhập đầy tham vọng cho toàn bộ châu Âu dường như là điều rất khó diễn ra.

Hơn thế nữa, quá trình cải cách EU và khu vực đồng euro chắc chắn sẽ không đi theo con đường đầy tham vọng mà Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker mong muốn.

Hướng đi thực tế nhất cho châu Âu hiện nay là chấp nhận giải pháp đa tốc độ, để các nước khu vực đồng euro tiến về phía trước trong khi các nước còn lại có thể tiếp tục chờ đợi. Kết quả thu được có thể không hoàn hảo, song sẽ tốt hơn nhiều so với hiện trạng của châu Âu./.

>>>Tương lai hội nhập châu Âu sau diễn biến mới tại các nền kinh tế chủ chốt (Phần 1)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục