Tương lai hội nhập châu Âu sau diễn biến mới tại các nền kinh tế chủ chốt (Phần 1)

05:30' - 17/10/2017
BNEWS Dù giành kết quả khả quan với 13% trong cuộc bầu cử liên bang Đức, đảng Sự Lựa chọn vì nước Đức (AfD) cũng khó có thể được xem là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với vị thế lãnh đạo của bà Merkel.
 Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó tại Pháp, một trụ cột khác trong kế hoạch châu Âu, Tổng thống Emmanuel Macron hoàn toàn có thể dựa vào thế đa số vững chắc ở Quốc hội.

Hơn thế nữa, bất chấp những bất ổn xung quanh chi tiết tiến trình Brexit, đa số ý kiến đều cho rằng cho dù Liên minh châu Âu (EU) có những kế hoạch gì đi chăng nữa thì họ vẫn sẽ quyết tâm hoàn thành nó ngay cả khi không còn nước Anh. 

Sau cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 6, trong bức tranh chính trị nội bộ của Anh nổi lên mâu thuẫn chủ yếu là đường hướng đàm phán Brexit của nước Anh với EU. Mô hình nước Anh nên theo hướng nào trong thời kỳ chuyển đổi, thời kỳ sau khi nước Anh rời khỏi EU vào tháng 3/2019 và thời kỳ chuyển đổi kéo dài bao lâu cũng là vấn đề gây tranh cãi trong Nội các Anh.

Để tránh những rủi ro, nền kinh tế rơi vào tình trạng chênh vênh, Thủ tướng Anh Theresa May trong bài phát biểu tại Florence (Italy) cuối tháng 9 đã cho thấy sự mềm dẻo của bà nhằm tháo gỡ những bế tắc trong 3 vòng đàm phán trước đây, để Anh và EU bước vào phòng đàm phán thứ 4 vào cuối quý III được đánh giá là bước ngoặt lớn đầu tiên trong tiến trình đàm phán.

Trong bài phát biểu, Thủ tướng May đã trình bày các kế hoạch để Anh vẫn giữ nguyên trạng các quan hệ như hiện nay với EU cho đến tận năm 2021, cho dù Anh sẽ rời EU vào tháng 3/2019. Bà May cũng cho biết Anh sẽ đóng 20 tỷ euro cho ngân sách EU thời hậu Brexit và phát đi tín hiệu để EU hiểu đây chỉ là một khoản đóng góp nằm trong khoản tiền lớn hơn dùng để chi trả cho việc Anh rời khỏi EU, hay còn gọi là "hóa đơn li hôn."

Mặc dù Anh sẽ chính thức rời EU vào ngày 3/2019, nhưng theo mô hình của bà May, Anh sẽ vẫn tuân theo các quy định luật pháp của EU, cũng như chịu sự phán quyết của tòa án Tối cao châu Âu, tiếp tục để các công dân EU tự do đến Anh tìm việc và sinh sống cũng như đóng góp các khoản cho EU cho đến khi giai đoạn chuyển đổi kết thúc vào năm 2021.

Thay đổi chủ chốt nhất trong năm 2019 là Anh sẽ không còn tham gia bỏ phiếu tại Nghị viện châu Âu nữa, và bà May cũng không từ chối thực hiện những điều luật mới mà EU ban hành trong thời kỳ chuyển đổi cho dù Anh đã không tham gia vào việc bỏ phiếu cho những luật này nữa.

Thủ tướng May cũng cho biết Anh sẽ cải thiện công tác bảo vệ pháp luật cho các công dân EU sống tại Anh bằng cách bất cứ thỏa thuận nào Anh ký với EU cũng sẽ được chuyển vào luật Anh và các tòa án của Anh sẽ áp dụng luật này để xét xử. Anh cũng sẽ tìm kiếm "thỏa thuận chiến lược mới mạnh mẽ" với EU trên lĩnh vực an ninh và quốc phòng.

Bài phát biểu của Thủ tướng May đã được người đứng đầu đàm phán Brexit của EU Michel Barnier và giới lãnh đạo doanh nghiệp vô cùng hài lòng vì những người này trước đó luôn kêu gọi về việc cần có thời kỳ chuyển đổi hậu Brexit.

Ông Barnier cho rằng Thủ tướng May đã thể hiện tinh thần xây dựng mà EU luôn đề cao trong tiến trình đàm phán. Ông đánh giá bài phát biểu thể hiện thiện chí tiến về phía trước của Anh trong bối cảnh thời gian còn lại để thực hiện đàm phán giữa hai bên không còn nhiều./.

>>>Tương lai hội nhập châu Âu sau diễn biến mới tại các nền kinh tế chủ chốt (Phần 2)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục