Ùn tắc giao thông ở Hà Nội - Bài 2: Quyết tâm thực hiện

16:50' - 14/06/2017
BNEWS HĐND thành phố Hà Nội vừa ban hành dự thảo Nghị quyết về đề án hạn chế xe cá nhân để trình kỳ họp HĐND thông qua vào đầu tháng 7 tới.
Trong đó đề án đã đưa ra những giải pháp và lộ trình cụ thể cho từng giai đoạn. Tuy nhiên trong giai đoạn lấy ý kiến hoàn thiện đề án vẫn còn nhiều luồng dư luận trái chiều, trong đó có nhiều ý kiến lo ngại về tính khả thi của đề án.


* Năm 2030 cấm xe máy trong nội đô
Theo đề án, lộ trình đến năm 2030 Hà Nội sẽ cấm hoàn toàn xe máy trong nội đô. Giai đoạn từ năm 2025 – 2029 bắt đầu tổ chức thí điểm dừng hoạt động của xe máy theo giờ, theo ngày tại một số tuyến trục chính của một số khu vực trung tâm thành phố.

Tình trạng tắc đường trên phố Nguyễn Thái Học. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

Nội dung cấm xe máy được dự thảo Nghị quyết đưa ra đã làm “nóng” dư luận với câu hỏi cấm xe máy thì người dân đi bằng phương tiện gì khi với điều kiện kinh tế như hiện nay chiếc xe máy vẫn là kế sinh nhai của một bộ phận lớn người dân nghèo và có tới gần 90% dân số lưu thông trên đường bằng xe máy.
Để giải đáp băn khoăn này, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện tin tưởng với khoảng thời gian từ nay đến năm 2030, với việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, đầu tư các hệ thống vận tải giao thông công cộng khối lượng lớn, các tuyến đường BRT và đặc biệt là mở rộng nâng cao dịch vụ vận tải hành khách công cộng sẽ đáp ứng cơ bản nhu cầu đi lại của nhân dân.

Đồng thời đảm bảo kết nối giữa Hà Nội với các tỉnh, thành khác, qua đó sẽ hạn chế được phương tiện giao thông cá nhân.
"Tôi nghĩ rằng, lộ trình này tương đối dài để cho các doanh nghiệp, người dân từng bước thay đổi thói quen của mình”, ông Vũ Văn Viện nhận định.
* 6 giải pháp tổng thể
Dự thảo Nghị quyết về đề án hạn chế xe cá nhân bao gồm 6 giải pháp chính với 34 nội dung, trong đó có 26 nội dung thuộc thẩm quyền thành phố; 8 nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành.
6 giải pháp chính để hạn chế phương tiện giao thông cá nhân gồm: giải pháp về quản lý số lượng phương tiện tham gia giao thông; quản lý về chất lượng phương tiện tham gia giao thông;

quản lý phạm vi hoạt động của phương tiện tham gia giao thông; phát triển và nâng cao hiệu quả vận tải hành khách công cộng; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và tăng cường quản lý nhà nước về giao thông vận tải.
Với lộ trình từ năm 2017 đến năm 2018, Hà Nội sẽ tập trung rà soát, thống kê và có cơ chế hỗ trợ chuyển đổi phương tiện, việc làm khi thực hiện dừng hoạt động đối với xe ba bánh chở hàng, xe xích lô.
Thành phố sẽ rà soát, bổ sung, đề xuất danh mục các tuyến phố để cấm trông giữ phương tiện phù hợp với thực tế, nghiên cứu khu vực cấm taxi giờ cao điểm.

Với ô tô, cấm hoạt động theo giờ, theo ngày trên một số tuyến phố. Rà soát, mở rộng danh mục các tuyến phố cấm dừng, cấm đỗ đối với ô tô, thí điểm cấm đỗ theo ngày chẵn, lẻ.
Giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2020, thành phố điều tra, rà soát thống kê số lượng xe máy đã qua sử dụng theo năm sản xuất, nếu không còn đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường sẽ đề xuất tiêu hủy.
Đối với ô tô, không áp dụng biện pháp hành chính để hạn chế về số lượng phát triển, mà sẽ hạn chế việc lưu thông qua việc tính phí vào khu vực trung tâm.

Riêng đối với ô tô dưới 9 chỗ ngồi sẽ lập quy hoạch vận tải hành khách bằng taxi đến năm 2030. Ban hành quy định ô tô phải mở tài khoản điện tử và lắp thiết bị phụ trợ để phục vụ công tác quản lý, thu phí tự động trên địa bàn thành phố.
Từ năm 2020 trở đi, thành phố tập trung mở rộng phát triển phương tiện xe buýt với các sức chứa khác nhau (xe buýt sức chứa nhỏ, xe buýt 2 tầng…) phù hợp với hạ tầng từng khu vực.

Ùn tắc tại đường Giải Phóng. Ảnh: Huy Hùng – TTXVN

Hiện nay, đề án còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc, từ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cho đến phân cấp, phân quyền quản lý và dư luận cũng như nội dung đề án về lộ trình cấm xe máy trong nội đô đang có nhiều luồng ý kiến trái chiều hoài nghi về tính khả thi của đề án.
“Nếu thấy khó mà không làm sẽ không bao giờ giải quyết được vấn đề. Phải mạnh dạn làm, làm có lộ trình, có giải pháp cụ thể.

Thế giới cũng đã làm, có thành công, có thất bại. Chúng ta rút kinh nghiệm từ những thất bại đó để làm có hiệu quả hơn. Trong quá trình thực hiện có gì sai hoặc chưa phù hợp thì sửa, điều chỉnh” – Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cũng cho rằng, quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường là việc khó, lớn và nóng.
Thời gian qua, Thành uỷ, HĐND, UBND và các sở ngành của thành phố đã tập trung tối đa, toàn diện cho nội dung này; thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ Thủ tướng giao.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu các sở, ngành liên quan tiếp tục hoàn chỉnh đề án trước khi trình HĐND xem xét thông qua./.

Xem thêm:

>>>Ùn tắc giao thông ở Hà Nội - Bài 1: "Cuộc chiến" không cân sức

>>>Gặp gỡ chàng trai khởi nghiệp với ứng dụng giao thông tránh tắc đường

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục