Vấn đề người di cư: Các nước OECD đã chi 12 tỷ USD cho người tị nạn

20:19' - 14/04/2016
BNEWS OECD công bố báo cáo cho biết các quốc gia thành viên của tổ chức này đã phải chi số tiền cao gấp đôi dự kiến cho cuộc khủng hoảng người di cư trong năm ngoái, ước tính khoảng 12 tỷ USD.
Tổng Giám đốc OECD Angel Gurria. Ảnh: theguardian

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ngày 13/4 công bố báo cáo cho biết các quốc gia thành viên của tổ chức này đã phải chi số tiền cao gấp đôi dự kiến cho cuộc khủng hoảng người di cư trong năm ngoái, ước tính khoảng 12 tỷ USD.

Nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại nguồn tiền chi cho viện trợ phát triển sẽ cạn kiệt do vấn đề người di cư.

Theo OECD, năm 2015 đã ghi nhận con số cao kỷ lục 1,5 triệu người xin tị nạn tại các quốc gia thành viên của tổ chức này, trong đó hơn 1 triệu người xin quy chế tị nạn tại châu Âu. Chỉ riêng chi phí cho những người này tại Áo, Hy Lạp, Italy, Hà Lan và Thụy Điển đã chiếm hơn 20% số tiền cứu trợ trong năm 2015.

Cũng theo OECD, số tiền chi cho việc tiếp nhận người tị nạn trong năm ngoái đã chiếm tới 6,9% kinh phí chi cho viện trợ phát triển, song ngoại trừ các nguồn quỹ dành riêng cho người tị nạn, thì số tiền cứu trợ thực tế vẫn tăng tới 1,7%.

Kể từ năm 2000 - khi các quốc gia trên thế giới nhất trí thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, số tiền viện trợ phát triển đã tăng 83%.

Tổng Giám đốc OECD Angel Gurria cho rằng chính phủ các quốc gia cần triển khai những quyết sách dài hạn để có đủ nguồn tài chính trang trải các chi phí cho người tị nạn trong tương lai, cũng như giúp họ hòa nhập với xã hội sở tại. Bên cạnh đó, cũng phải đảm bảo rằng nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) phải được chuyển tới các quốc gia và những người dân thực sự cần được hỗ trợ nhất.



Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục