Vấn đề Triều Tiên trong cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo Mỹ-Nhật

06:03' - 12/04/2018
BNEWS Tạp chí Washington Times có bài phân tích cho rằng Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có thể đối mặt với khoảnh khắc căng thẳng khi ông gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (phải) và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc gặp tại Tokyo. Ảnh: AFP/TTXVN 

Điều này phản ánh nỗi lo ngại ngày càng lớn rằng Tokyo bị đặt ra ngoài rìa khi Mỹ, Hàn Quốc và Trung Quốc theo đuổi các động thái ngoại giao trực tiếp với Triều Tiên.

Giới chức Mỹ cuối ngày 2/4 đã khẳng định cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo Mỹ-Nhật sẽ diễn ra trong hai ngày 17 và 18/4. Đồng thời cho biết cuộc gặp "mặt đối mặt" lần thứ ba giữa hai nhà lãnh đạo kể từ sau bầu cử Mỹ sẽ tập trung vào cách thức mà Washington và Tokyo chuẩn bị cho chiến dịch duy trì "áp lực tối đa" để buộc Bình Nhưỡng phải từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích trong khu vực, lý do thực sự trong chuyến thăm là Thủ tướng Abe muốn đảm bảo rằng Tổng thống Trump đặt các vấn đề lo ngại của Nhật Bản ở mức độ ưu tiên cao trong chương trình nghị sự của cuộc gặp Mỹ-Triều dự kiến được tổ chức vào đầu tháng tới.

Ông Shinzo Abe là nhà lãnh đạo đầu tiên trên thế giới có cuộc gặp với Tổng thống Trump ngay sau khi ông này đắc cử năm 2016, đang đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ nội bộ rằng quan hệ cá nhân mà ông Abe xây dựng với ông Trump liệu có phát huy tác dụng trong giải quyết những vấn đề về an ninh và thương mại của Nhật Bản hay không?

Ông Patrick Cronin, Giám đốc Chương trình An ninh châu Á-Thái Bình Dương thuộc Trung tâm vì An ninh Mỹ mới (CNAS) có trụ sở tại Washington D.C, đánh giá: "Ông Abe đang đến Mar-a-Lago để đảm bảo chắc chắn rằng Mỹ sẽ không từ bỏ Nhật Bản trong bất kỳ cuộc đàm phán cấp cao nào với Bình Nhưỡng".

Tổng thống Trump thông báo với Thủ tướng Abe rằng ông đã đồng ý một cuộc gặp cá nhân với nhà lãnh đạo Triều Tiên sau khi một phái đoàn Hàn Quốc công bố bước đột phá trước báo giới tại Nhà Trắng.

Trước đó, ông Trump đã từ chối trao cho Tokyo sự miễn trừ đối với việc đánh thuế vào mặt hàng nhôm và thép của nước này, trong khi đó, các đồng minh của Mỹ như Liên minh châu Âu (EU), Canada, Australia và Hàn Quốc lại được hưởng "đặc ân" đó.

Trả lời phỏng vấn tờ Nikkei Asian Review, ông Richard Armitage - quan chức ngoại giao hàng đầu dưới thời Bush (con) - cho rằng Tổng thống Trump và đội ngũ cố vấn chính sách đối ngoại phải "suy từ lập trường quan điểm của Hàn Quốc và Nhật Bản" khi họ sẵn sàng thúc đẩy cuộc gặp Donald Trump-Kim Jong-un.

Ông Cronin đánh giá Nhật Bản lo lắng cuộc gặp "một đối một" sắp tới giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng như cuộc gặp giữa ông Kim Jong-un và ông Donald Trump có thể dẫn tới các cuộc đàm phán 4 bên chỉ bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Triều Tiên, hơn là khuôn khổ của cơ chế 6 bên, có thêm Nhật Bản và Nga, ở giai đoạn trước đây.

Có sự lo ngại ở Tokyo rằng Washington có thể bước vào cuộc thương lượng mà chỉ đem đến cơ hội kéo dài thời gian cho việc phát triển tên lửa đạn đạo tầm xa của Triều Tiên - loại tên lửa có thể bắn tới Mỹ, trong khi lại thất bại trong việc giải trừ các loại vũ khí khác của Triều Tiên như tên lửa No Dong - có khả năng tấn công Nhật Bản.

Ngoài ra, nỗi lo sợ lớn hơn là Washington có thể sẵn sàng từ bỏ một thỏa thuận rằng "giảm trừng phạt đối với Triều Tiên trước khi nước này giảm sự đe dọa đối với Nhật Bản trên thực tế".

Quan ngại của Thủ tướng Abe chắc chắn sẽ không thể giảm sau cuộc gặp trực tiếp giữa ông Kim Jong-un với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình diễn ra hồi tuần trước. Nhật Bản từ lâu đã có mối quan hệ khó khăn với Trung Quốc và với cả hai miền Triều Tiên, một phần vì vấn đề lịch sử và tranh chấp lãnh thổ từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Ông Cronin nhận định: "Với việc ông Tập là nhà lãnh đạo đầu tiên gặp ông Kim, Trung Quốc đã sắp xếp mọi thứ và muốn tối đa hóa ảnh hưởng của họ, có thể gây phương hại tới lợi ích của Nhật Bản.

Thủ tướng Abe thực sự lo lắng về một thỏa thuận Donald Trump-Kim Jong-un mà bỏ qua lợi ích của Nhật Bản và hiện tại thì ông thực sự lo ngại về khả năng bị Bắc Kinh đặt ra ngoài rìa. Tất cả các cường quốc liên quan đều muốn thúc đẩy ảnh hưởng của họ trước một chuỗi các cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới".

Chính phủ Abe - vốn công khai ủng hộ chính sách cứng rắn "trút lửa và thịnh nộ" của Tổng thống Trump xuống Bình Nhưỡng - đã phản ứng một cách tích cực đối với triển vọng của các cuộc đàm phán trực tiếp Mỹ-Triều.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích nhấn mạnh "mặt sau của vấn đề" là các quan chức Tokyo muốn cứu vãn thể diện khi cho rằng Tổng thống Hàn Quốc Moon, người đã thúc đẩy mạnh mẽ giải pháp ngoại giao đối với Bình Nhưỡng, có nhiều ảnh hưởng với Tổng thống Mỹ hơn là Nhật Bản.

Khi sáng kiến về các cuộc gặp thượng đỉnh mới manh nha hình thành từ tháng trước, ông Jun Okumura - nhà phân tích chính trị ở Tokyo thuộc Viện Minh Trị về các vấn đề toàn cầu - nhận định: "Có những người cho rằng chúng ta đang chứng kiến một phiên bản khác của hiện tượng Trung Quốc 'vượt qua Nhật Bản' về thương mại và kinh doanh.

Nhưng ai quan tâm đến điều đó? Điều quan trọng là có sự ủng hộ rõ ràng đối với việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt để đổi lấy việc Triều Tiên không phát triển chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa nữa".

Thủ tướng Abe cũng dự kiến thúc đẩy xu hướng đó trong cuộc gặp sắp tới với Tổng thống Trump nhằm củng cố mối quan hệ cá nhân mà ông đã xây dựng từ cuộc gặp đầu tiên ở tòa nhà Trump Tower vào tháng 11/2016, làm tiền đề cho cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo ở Mar-a-Lago, chuyến thăm của nguyên thủ nước ngoài đầu tiên mà ông Trump đón ở khu nhà nghỉ riêng tại Florida.

Tuy nhiên, hiện cũng có mối lo ngại về chiều hướng đi xuống giữa hai nhà lãnh đạo khi ông Donald Trump quyết định rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Cũng có điềm báo cho mục tiêu đối ngoại của Nhật Bản là trong cuộc gặp tại Mar-a-Lago vào tháng 2/2017, điều đáng nhớ nhất lại là Triều Tiên thử tên lửa ngay thời gian diễn ra chuyến thăm của ông Abe.

Quan điểm đối ngoại không theo thông lệ của Tổng thống Trump, trong đó yêu cầu các nước đồng minh như Nhật Bản phải trang trải chi phí nhiều hơn cho sự đảm bảo an ninh, đã khiến Tokyo phật ý. Ông Trump còn gây chấn động trong chuyến thăm Nhật Bản hồi tháng 11/2017 khi phát biểu với báo giới rằng "tên lửa của Triều Tiên có thể bị vô hiệu hóa bởi Nhật Bản sẽ bắn chúng khỏi bầu trời nước này nếu Tokyo mua đầy đủ các trang thiết bị quân sự của Mỹ".

Nhật Bản đang bước vào cuộc tranh luận dai dẳng về việc sửa đổi Hiến pháp. Thủ tướng Abe đang dẫn đầu quan điểm cần phải xây dựng lực lượng vũ trang của Nhật Bản mạnh mẽ hơn - động thái gây lo ngại cho Hàn Quốc và Trung Quốc.

Trong tuyên bố ngày 2/4, Nhà Trắng cho rằng cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Nhật sắp tới sẽ "tái khẳng định liên minh Mỹ-Nhật như là nền tảng của hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương".

Tuyên bố khẳng định: "Hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận chiến dịch quốc tế nhằm duy trì gây áp lực tối đa đối với Triều Tiên trước cuộc gặp dự kiến của Tổng thống Trump với nhà lãnh đạo Kim Jong-un... Hai bên cũng sẽ trao đổi các phương thức để mở rộng quan hệ thương mại, đầu tư giữa hai nước một cách công bằng và đôi bên cùng có lợi"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục