Vị thế Philippines trong chiến lược của Mỹ

06:30' - 21/11/2017
BNEWS Đối với hầu hết các nhà lãnh đạo châu Á, công bằng mà nói chiến lược của Tổng thống Mỹ Donald Trump là một bí ẩn, nhưng liệu chìa khoá để hiểu được mục tiêu của Mỹ ở châu Á liệu có nằm ở Philippines?
Ngày 13/11, tại thủ đô Manila, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (ảnh, phải) có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump (ảnh, trái) bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN và các hội nghị cấp cao liên quan. Ảnh: THX/TTXVN

Philipines, cũng như tình trạng của nhiều quốc gia châu Á hiện nay, từng mắc kẹt giữa Mỹ và Trung Quốc. Mặc dù chuyến công du của ông Trump chắc chắn là để cố gắng thể hiện cho khu vực này thấy Mỹ đang quan tâm tới châu Á ở một mức độ nào đó, rõ ràng Tổng thống Mỹ quan tâm sâu sắc đến hai vấn đề, đó là Triều Tiên và thương mại.

Vậy làm thế nào để Philippine đưa ra những giải pháp mà Tổng thống Trump mong muốn từ châu Á?

Về vai trò lịch sử, Philippines và Mỹ có mối quan hệ lâu dài và chông gai, bắt đầu từ cuộc chiến tranh Mỹ-Philippines kéo dài 3 năm, bắt đầu từ năm 1899. Quyết định thôn tính Philippines của Mỹ gây nhiều tranh cãi với nguyên nhân một phần bởi Kỷ nguyên Đế chế - các quốc gia cắm cờ ở bất cứ vùng đất nào có thể, thực dân hoá các quốc gia khác để biến thành lãnh thổ của riêng mình.

Nhưng nó cũng được thúc đẩy bởi mong muốn của Mỹ chiếm một vị trí chiến lược trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương để bảo vệ lục địa Mỹ khỏi xâm lược và để bảo vệ nền kinh tế của mình. Một trăm năm trôi qua với không nhiều thay đổi.

Cuối cùng, Mỹ trao trả độc lập cho Philippines năm 1946 nhưng giữ căn cứ quân sự của mình trong quần đảo, rõ ràng là để theo dõi những gì đang xảy ra ở quốc gia láng giềng.

Sau độc lập, Philippines duy trì quan hệ phập phù với Mỹ. Các cuộc biểu tình chống lại chủ nghĩa đế quốc Mỹ những năm 1980 và 1990, cùng với phong trào bài Mỹ và thiên tai năm 1991 buộc Mỹ di dời căn cứ quân sự tới đảo Guam và một số nơi khác.

Tuy nhiên, cuộc chiến chống khủng bố và những cuộc nổi dậy của quân Hồi giáo ở miền Nam Philippines và vấn đề Biển Đông đã đưa hai nước xích lại gần nhau hơn - với sự hồi sinh của các căn cứ quân sự tạm thời của Mỹ ở Philippines.

Trong khi đó, Trung Quốc đã thay đổi chiến lược khi trở thành đối tác thương mại hàng đầu của các nước châu Á, bao gồm cả Philippines. Bắc Kinh cũng đang tiến vào Philippines với cam kết đầu tư trị giá 9 tỷ USD vào các dự án trong khuôn khổ sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI).

Giáo sư Carl Thayer, Giám đốc hãng tư vấn Thayer Consultancy ở Sydney, cho rằng Philippines đã có thời gian tích cực chống lại các tuyên bố của Trung Quốc trên Biển Đông, và thậm chí đưa vụ việc ra toà án quốc tế và giành chiến thắng, nhưng dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte, ván bài đã lật ngược.

Tuy nhiên, ông Thayer cũng đề cập đến việc Tổng thống Duterte đã làm tốt thế nào trong việc khiến Trung Quốc và Mỹ đối đầu nhau, một chiến lược mà nhiều nhà lãnh đạo châu Á khác cũng có thể sử dụng. Ông cho biết Mỹ đã giúp Philippines chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Marawi và điều đó đã giữ họ lại trong cuộc chơi này.

Về vấn đề Triều Tiên, khi Tổng thống Donald Trump viết trên Twitter rằng ông sẽ ngừng giao dịch thương mại với bất kỳ quốc gia nào kinh doanh với Bình Nhưỡng, Chính phủ Philippines ngay lập tức cắt đứt thương mại với Triều Tiên.  

Động thái vội vàng trên được giải thích là vì Philippines muốn đảm bảo rằng nước này tuân thủ các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc, và số tiền mà Triều Tiên kiếm được trong làm ăn với Philippines không đổ vào ngành công nghiệp vũ khí. Nhưng một lý do thực tế khác là trao đổi thương mại giữa Philippines và Mỹ đạt ít nhất 8 tỷ USD mỗi năm, so với con số 53 triệu USD với Triều Tiên.

Mặt khác, có một điều mà Philippines và Mỹ có thể tìm thấy điểm chung, đó là quan điểm của họ về các vấn đề nhân quyền. Mặc dù chính quyền của Tổng thống Barack Obama chỉ trích cuộc chiến chống ma túy của Tổng thống Duterte, nhưng Tổng thống Trump tuyên bố ông sẽ tới Philippines vì đó là “một vị trí chiến lược quan trọng” và một quan chức Mỹ nói rằng hai nhà lãnh đạo chia sẻ “mối quan hệ ấm áp”.

Họ thường được so sánh với nhau, bởi tính cách nổi trội và sự thẳng thắn của họ. Để đổi lấy sự ủng hộ trong vấn đề Triều Tiên, Tổng thống Trump dường như không nhấn mạnh đến nhân quyền ở Philippines như người tiền nhiệm của ông, và điều này hoàn toàn phù hợp với Tổng thống Duterte.

Không chỉ bởi vì Mỹ và Philippines là hai nền dân chủ, là đồng minh trong lịch sử (bất chấp quá khứ chông gai của họ) và hai nhà lãnh đạo chia sẻ những nét tính cách thú vị, mà còn bởi vì sự hoà hợp về chiến lược, do đó, Philippines ngày càng trở thành con át chủ bài cho vị thế của Mỹ ở châu Á.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục