Vượt rào cản để rau quả Việt vươn xa

08:00' - 19/03/2018
BNEWS Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), các mặt hàng quả tươi của Việt Nam vẫn chưa vượt qua được các rào cản kiểm dịch của Nhật Bản.
Dưa chuột bao tử, một mặt hàng được xuất khẩu sang nhiều nước. Ảnh: TTXVN
Mặc dù thị trường Nhật Bản được đánh giá là thị trường tiềm năng đối với mặt hàng rau quả Việt Nam nhưng theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), các mặt hàng quả tươi của Việt Nam vẫn chưa vượt qua được các rào cản kiểm dịch của nước này.
Ông Trần Thanh Hải cho biết, Nhật Bản là một trong những nước đang áp dụng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm có yêu cầu rất cao. Hầu hết các tiêu chuẩn của nước này đều tương đương, thậm chí cao hơn cả những tiêu chuẩn quốc tế thông thường.
Không những thế, các tiêu chuẩn chất lượng này được áp dụng phù hợp với nguyên tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tức là không mang tính phân biệt đối xử giữa hàng hóa trong nước và nhập khẩu.
Do đó, việc đáp ứng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng của Nhật Bản là yêu cầu bắt buộc với mọi nhà nhập khẩu. Vì vậy, nếu doanh nghiệp Việt Nam muốn thâm nhập thị trường này thì điều kiện tiên quyết là phải đáp ứng đầy đủ những yêu cầu từ phía Nhật Bản.
Các chuyên gia thương mại cũng chỉ ra rằng, mặt hàng rau quả của Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản chỉ chịu sự điều chỉnh về thuế nhập khẩu và các biện pháp vệ sinh kiểm dịch.
Đối với các mặt hàng rau quả đông lạnh, việc nhập khẩu chỉ cần có chứng nhận vệ sinh kiểm dịch của cơ quan có thẩm quyền phía Việt Nam và chịu sự kiểm tra lấy mẫu ngẫu nhiên của cơ quan kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm của Nhật Bản nên việc nhập khẩu không gặp khó khăn.
Thế nhưng, những mặt hàng hoa quả tươi của Việt Nam hầu như chưa thể thâm nhập thị trường Nhật Bản do nước này có những quy định rất chặt chẽ đối với nhập khẩu rau quả tươi với lý do lo ngại sự lây lan dịch bệnh và sâu hại từ nước xuất khẩu.
Hiện tại, Việt Nam đã xuất khẩu được trái thanh long ruột đỏ, chuối, xoài, vải thiều, lá tía tô, mùi tây... sang thị trường Nhật Bản. Nhiều chủng loại trái cây chất lượng của Việt Nam với vị ngọt phù hợp với khẩu vị của người tiêu dùng Nhật Bản, có mức giá cạnh tranh rất được thị trường này ưa chuộng. Tuy nhiên, đây cũng là thị trường có yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn và chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Để khuyến khích thương mại, Chính phủ Nhật Bản thường hợp tác với các đối tác, trong đó có Việt Nam nhằm nâng cao năng lực đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng của hàng hóa xuất khẩu với các yêu cầu của Nhật Bản.
Ông Lê Văn Cường, Giám đốc Công ty TNHH Đa Lat Gap - một trong những doanh nghiệp thành công tại thị trường Nhật Bản chia sẻ, đến thời điểm này, xuất khẩu rau sang thị trường Nhật Bản khó nhất vẫn là chất lượng. Dù có lợi thế là giá rau được nâng lên nhưng đồng nghĩa với việc phải đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe, nếu làm được, khả năng mở rộng thị trường xuất khẩu sẽ trong tầm tay, còn không tuân thủ quy định về chất lượng rủi ro là rất lớn.
Theo ông Cường, rau xuất khẩu phải có chứng nhận Global GAP (quy trình sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn quốc tế). Với sản phẩm chất lượng tốt, bắt buộc áp dụng công nghệ cao, đắt đỏ, nông dân khó có thể đáp ứng được, buộc phải có sự hỗ trợ của nhà nước.
Các chuyên gia thương mại cho rằng: Để mở rộng xuất khẩu rau quả vào thị trường Nhật Bản, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam phải đáp ứng các yêu cầu kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm. Khi đáp ứng được những yêu cầu từ phía Nhật Bản, hàng rau quả của Việt Nam không chỉ xuất khẩu sang Nhật Bản mà còn xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn khác.
Cùng đó, cần có những giải pháp đồng bộ, lâu dài, quan trọng là phải xây dựng mối liên kết giữa các doanh nghiệp xuất khẩu và nông dân.
Bởi khi liên kết, nông dân sẽ có cơ hội tiếp cận kỹ thuật sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và sẽ mạnh dạn sản xuất rau quả chất lượng cao khi biết sản phẩm làm ra được doanh nghiệp thu mua để xuất khẩu.
Đơn cử như với mặt hàng chuối, nếu trước đây sản phẩm này chỉ xuất đi Trung Quốc thì nay được cả các nước khó tính ưa chuộng, trong đó có thị trường Nhật Bản.
Ngoài quy trình canh tác khép kín, chuối sau khi thu hoạch được xử lý sạch bụi, khử khuẩn, lau khô, lót xốp mỏng giữa hai lớp cùng một nải để không bị thâm cho vào túi nylon, hút chân không, xếp vào hộp để đưa vào kho lạnh, trước khi theo container ra cảng vận chuyển ra nước ngoài.
Theo đánh giá của các doanh nghiệp xuất khẩu, nhu cầu chuối nhập khẩu của Nhật Bản khá cao, do vậy đầu ra của chuối xuất khẩu Việt Nam đang mở rộng, đặc biệt với những sản phẩm chất lượng cao.
Ngoài ra, đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) lưu ý, các doanh nghiệp cần để ý đến bao bì, khâu vận chuyển để trái cây không bị hư hỏng, đảm bảo hàng nông sản, trái cây tươi phải truy xuất được nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm để đảm bảo độ an toàn cho hàng hóa xuất khẩu sang thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục