Xây dựng “khung chuẩn” cho hệ thống định mức đơn giá

14:58' - 02/06/2018
BNEWS Đầu tư xây dựng và phát triển đô thị thường chiếm tỷ trọng hơn 70% tổng đầu tư phát triển toàn xã hội và có tầm ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Trong những năm qua, nội dung quản lý định mức và giá xây dựng theo từng giai đoạn đã có những điều chỉnh thích hợp và là một trong những yếu tố then chốt ảnh hưởng lớn tới giá trị công trình, hiệu quả đầu tư dự án và hoạt động phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Tuy nhiên, so với yêu cầu quản lý hiện nay hệ thống này còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Phóng viên BNEWS/TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Khánh, Cục trưởng Cục Kinh tế, Bộ Xây dựng xung quanh việc Đề án hoàn thiện hệ thống định mức và đơn giá xây dựng.

BNEWS:Thưa Cục trưởng, Đề án hoàn thiện hệ thống định mức và đơn giá xây dựng sẽ khắc phục được những tồn tại, bất cập nào trong vấn đề quản lý chi phí xây dựng tồn tại suốt thời gian vừa qua?

Cục trưởng Phạm Văn Khánh: Xây dựng là ngành kinh tế lớn, góp phần quan trọng nhất tạo ra tài sản cố định của nền kinh tế và xã hội. Đầu tư xây dựng và phát triển đô thị thường chiếm tỷ trọng hơn 70% tổng đầu tư phát triển toàn xã hội và có tầm ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Ông Phạm Văn Khánh, Cục trưởng Cục Kinh tế, Bộ Xây dựng. Ảnh: Xây Dựng

Đề án Hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng theo Quyết định số 2038 của Thủ tướng Chính phủ nhằm khắc phục những bất cập về quản lý chi phí trong xây dựng và dịch vụ đô thị hiện nay chưa hoàn toàn phù hợp với cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế.

Hệ thống định mức và giá xây dựng hiện nay quản lý theo phương thức một mô hình chuẩn. Điều này không phù hợp với đặc điểm của công trình xây dựng là những công trình có điều kiện và năng suất khác nhau. Trong khi đó, yêu cầu của quản lý nhà nước là phải bảo đảm tính công bằng, tính đúng, tính đủ. Đặc biệt, phải đáp ứng yêu cầu phù hợp với cơ chế thị trường.

Định mức hiện nay đang dẫn đến một số bất cập. Cơ chế là theo cơ chế tự thanh tự chi, vì vậy chúng ta cho thanh toán với mọi loại công nghệ. Thực tế, nhiều dự án thường áp dụng những mức có công nghệ lạc hậu để tính toán, do vậy làm tăng chi phí.

Cơ chế Nhà nước công bố định mức để chủ đầu tư tham khảo cũng như tư vấn giúp chủ đầu tư tham khảo trong việc xác định đơn giá dự toán. Thế nhưng, cũng vì tham khảo đó nhiều chủ thể đã sử dụng những định mức lạc hậu và có xu hướng làm tăng chi phí. Vì vậy, phải khắc phục những bất cập này.

Ngoài ra, định mức hiện tại là chưa rõ về công nghệ, nên việc áp dụng còn tùy tiện. Thậm chí có những trường hợp áp dụng năng suất thấp, nhưng khi lập đơn giá lại vận dụng đơn giá năng suất cao của các máy mới, máy công suất cao, máy đắt tiền. Điều này làm tăng chi phí máy lên tới 200 - 300%. Những bất cập ấy cần phải khắc phục nhanh.

Còn về dài hạn, để phù hợp với kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế thì phương pháp xác định định mức phải thay đổi. Đây là nội dung căn bản, quan trọng nhất.

Và cơ chế thị trường là phải điều tra thực trạng năng suất thị trường để đưa ra một mức làm căn cứ đơn giá xác định dự toán của các dự án năng suất công. Thay vì trước đây việc xác định dự toán mô hình chuẩn phải điều tra thị trường trên tất cả các địa phương, các doanh nghiệp, các công trường để đưa ra năng suất trung bình.

BNEWS: Hệ thống đơn giá hiện được cho là vẫn còn nhiều trở ngại dù đã được đổi mới. Vậy có thể kỳ vọng chuyển biến ra sao qua Đề án này, thưa Cục trưởng?

Cục trưởng Phạm Văn Khánh: Mặc dù những năm qua chúng ta đã cố gắng đổi mới được nhiều, tuy nhiên, so với yêu cầu phù hợp với quản lý theo cơ chế thị trường thì vẫn cần điều chỉnh tiếp. Ví dụ, giá vật liệu xây dựng hiện nay là tính với tất cả mọi điều kiện, mọi khối lượng nhưng đều chỉ có một đơn giá xác định theo thông báo giá của địa phương.

Trong khi đó, thực tế thị trường, mua sỉ hoặc mua lẻ mức chiết khấu hoàn toàn khác nhau, 1 tấn xi măng khác với 10 tấn và càng khác với 100 tấn. Cũng tương tự, 1 thiết bị vệ sinh thì khác với 100 thiết bị vệ sinh... Có những tình huống chiết khấu tới mấy chục phần trăm nhưng vẫn hướng dẫn theo 1 mức giá. Do vậy những dự án nào số lượng ít thì thiếu chi phí, trong khi đó dự án nào khối lượng lớn thì thừa chi phí.

Còn về chi phí nhân công, đơn giá nhân công cũng đã có thông tư hướng dẫn xác định đơn giá theo thị trường, tiến tới phù hợp với thị trường. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta mới phân theo 2 phương án đơn giá nhân công, mà 2 đơn giá đó chỉ chênh lệch nhau 13%.

Trong khi đó thực tế thị trường, nhân công xây dựng có trên 50 loại đơn giá nhân công, những loại đơn giá nhân công cao nhất và đơn giá nhân công thấp nhất chênh lệch nhau tới 600 - 700%. Vì vậy không đảm bảo nguyên tắc tính đúng tính đủ với phương pháp và cơ chế hiện nay.

Về chi phí lắp máy cũng chênh nhau về chi phí giá của một giờ, 1 ngày, 1 tháng, 1 năm.... Thực tế thị trường đơn giá lắp máy của 1 giờ khác rất nhiều so với đơn giá của 1 ngày, 1 tháng, 1 năm. Để đảm bảo nguyên tắc tính đúng, tính đủ, cũng phải thay đổi.

Phương pháp tính giá lắp máy cũng vậy. Hiện tất cả giá lắp máy đều phân bổ vào hao phí của một công việc, nhưng có những máy dùng chung cho cả công trường thì vẫn áp dụng cách tính đơn giá như vậy dẫn đến chi phí chênh lệch nhau rất nhiều.

Chẳng hạn, nhìn vào cần cẩu tháp của nhà cao tầng, nếu như 1 cần cẩu tháp đó phục vụ 1 nhà 500 m2 và với 2000 m2 thì đã chênh lệch công suất rất nhiều. Cùng với quy mô công trình như vậy, ở các điều kiện thi công khác nhau thì năng suất cũng hoàn toàn khác. Ngay từ cơ cấu dự toán đã có những cái chưa phù hợp, chưa đảm bảo, xác định rõ chi phí cố định và chi phí biến đổi.

Phương pháp xác định chi phí xây dựng chung cũng vậy. Trước xác định theo mô hình chuẩn, còn bây giờ yêu cầu xác định theo cơ chế thị trường. Chúng ta đi điều tra chi phí chung của tất cả các doanh nghiệp, để đưa ra được danh sách chi phí chung cho phù hợp nhất. Phải đảm bảo nguyên tắc những công nghệ và mô hình quản lý lạc hậu buộc phải thay đổi nhằm đáp ứng mức trung bình để thắng thầu và có việc làm.

Một nội dung nữa là khắc phục tồn tại thiếu cơ sở dữ liệu để phục vụ thông tin cho quản lý. Mục tiêu là dự đoán được tương lai, đánh giá được quá khứ và phục vụ định hướng chiến lược, định hướng của bộ, ngành. Đây là một nhiệm vụ rất quan trọng. Ngoài ra nó tạo ra thị trường công khai minh bạch.

BNEWS: Với Đề án này theo Cục trưởng có thể chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực phát sinh trong triển khai các dự án như thế nào ?

Cục trưởng Phạm Văn Khánh: Khi đã xây dựng được một cơ sở dữ liệu, đơn giá và định mức công khai thì xây dựng hệ thống phần mềm dùng chung cho các dự án vốn Nhà nước. Nhờ đó sẽ đảm bảo tính hiệu quả, tính thống nhất, đặc biệt là sẽ sử dụng và sẽ tiệm cận được với công nghệ 4.0.

Từ khâu lập dự toán, ý tưởng, thiết kế, tổ chức thi công cho đến quản lý vận hành đều thực hiện trên máy tính, sau đó đưa ra thực tế. Do vậy, dự án khi đi ra thực tế triển khai sẽ rất nhanh, hiệu quả, không bị ứ đọng vốn và đẩy nhanh được tiến độ, giảm chi phí đi rất nhiều.

Đề án này mục tiêu là phù hợp với cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế nhưng nó cũng góp phần chống thất thoát lãng phí, khắc phục được những tồn tại của hệ thống định mức, cơ chế quản lý. Nhờ đó, tạo ra một thị trường, không gian minh bạch đảm bảo tính đúng tính đủ, sẽ góp phần nâng cao hiệu quả dự án đầu tư. Đây là nhiệm vụ quan trọng nhất và góp phần chống thất thoát lãng phí trong đầu tư xây dựng rất hiệu quả.

BNEWS: Trân trọng cảm ơn Cục trưởng!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục