Xây dựng mô hình PVN tự chủ hơn để hội nhập sâu hơn

16:41' - 26/09/2017
BNEWS Trong bối cảnh hội nhập quốc tế Chính phủ cần hoàn thiện thể chế xây dựng mô hình hoạt động của PVN theo hướng tự chủ hơn đi đôi với việc quy trách nhiệm người đứng đầu.
Hội thảo "Ngành Dầu khí trong bối cảnh hội nhập quốc tế" ngày 26/9/2017. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Mặc dù tiếp tục đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách Nhà nước nhưng trong quá trình hoạt động, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng đang bộc lộ những bất cập cần phải giải quyết để phát triển bền vững trước các thách thức hội nhập.
*Bất cập trong cơ chế hoạt động
Những bất cập trong cơ chế hoạt động của PVN trước các thách thức hội nhập là vấn đề được tập trung thảo luận tại Hội thảo “Ngành dầu khí trong bối cảnh hội nhập quốc tế” do Tạp chí Cộng sản và Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tổ chức vào ngày 26/9, tại Hà Nội.
Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam Ngô Thường San chỉ rõ, đặc thù của ngành công nghiệp dầu khí là sự liên kết giữa các chuỗi giá trị, từ thăm dò khai thác, đến chế biến lọc hóa dầu, đến phân phối tiêu thụ sản phẩm. Vì thế hiệu quả của Tập đoàn phải là hiệu quả tích hợp của chuỗi các khâu công nghệ (các đơn vị thành viên); trong đó cốt lõi là khâu thăm dò khai thác dầu khí.
Tuy nhiên, mô hình hoạt động của PVN hiện nay chưa tạo được sự gắn kết, hỗ trợ lẫn nhau giữa các đơn vị thành viên, khi những đơn vị này được lập ra chủ yếu để phục vụ một mục tiêu duy nhất là đảm bảo chuỗi giá trị thống nhất của ngành công nghiệp dầu khí.
Vì vậy, mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động của Tập đoàn bị xé lẻ, phân tán, tạo sự cạnh tranh nội bộ, nhất là giữa các đơn vị dịch vụ, các đơn vị thiết kế xây lắp, dẫn tới sự thiếu sự kết nối giữa các đơn vị và làm suy yếu sức mạnh nội lực tổng hợp của Tập đoàn.
Thực tế cho thấy, khi giá dầu suy giảm mạnh và tiếp tục ở mức thấp như hiện nay, các đơn vị dịch vụ dầu khí trong PVN đã có sự cạnh tranh gay gắt để có việc làm dẫn tới phân tán nguồn lực và bị “thua” trên chính sân nhà khi phải cạnh tranh với công ty dịch vụ dầu khí của nước ngoài, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam khẳng định.
Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của PVN vẫn mang nặng cơ chế xin - cho, thiếu tính tự chủ đã làm hạn chế rất nhiều hiệu quả của một Tập đoàn kinh tế lớn.
Đặc biệt, điều lệ và cơ chế tài chính hoạt động của PVN đã bộc lộ nhiều bất cập khi thiếu tính liên kết trong dây chuyền công nghệ, làm cho các khâu công nghệ không hỗ trợ được lẫn nhau và dòng tiền cũng không liên thông được giữa các đơn vị.
Chỉ ra những bất cập trong mô hình hoạt động của PVN, Tiến sỹ Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương chỉ rõ, mô hình quản trị của PVN hiện tại đang cho thấy mâu thuẫn về cơ chế hoạt động giữa tập trung, tích tụ (PVN/công ty mẹ) và phân tán trong quản lý điều hành và vốn (công ty con thường là công ty cổ phần).
Công ty mẹ Tập đoàn chịu trách nhiệm về hiệu quả sản xuất kinh doanh toàn Tập đoàn nhưng chỉ là cơ quan với bộ máy làm quản lý, còn hoạt động sản xuất kinh doanh thực sự nằm ở các tổng công ty thành viên.
Vì vậy, hiệu quả sản xuất kinh doanh toàn PVN thực chất được quyết định bởi các công ty con. Tuy nhiên, với đặc thù mỗi tổng công ty chịu trách nhiệm trong một lĩnh vực công nghệ đặc thù nhưng do tính chất sở hữu và mối quan hệ phải theo cơ chế thị trường thông qua đấu thầu (Luật Doanh nghiệp) nên hạn chế việc sử dụng năng lực tích hợp giữa các đơn vị thành viên.
Đồng quan điểm này, Tiến sỹ Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương chỉ rõ, sự phát triển của ngành dầu khí còn chậm, chưa đồng bộ so với mục tiêu đề ra; năng lực điều hành và kinh doanh còn hạn chế so với một số nước trong khu vực.

Trong khi đó, việc triển khai thực hiện cơ chế tài chính theo Kết luận số 41/KL-TW của Bộ Chính trị ngày 19/1/2006 về Chiến lược phát triển của ngành Dầu khí còn chưa đồng bộ, làm ảnh hưởng khả năng cân đối tài chính cho đầu tư của ngành.
*Tăng quyền tự chủ và quy trách nhiệm người đứng đầu
Trước các thách thức trong hội nhập và các bất cập trong mô hình hoạt động hiện nay của PVN, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam Ngô Thường San đề xuất sớm xây dựng khung pháp lý bao trùm lên toàn bộ hoạt động dầu khí từ khâu thượng nguồn, trung nguồn, hạ nguồn theo đúng tinh thần Nghị quyết số 41-BCT ngày 23/7/2015 của Bộ Chính trị về Định hướng Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và Quyết định số 1749/QĐ-TTg ngày 14/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam và Chiến lược phát triển của Tập đoàn đến năm 2025; trong đó sớm bổ sung, sửa đổi các điều kiện hấp dẫn hơn để thu hút đầu tư nước ngoài vào vùng nước sâu, xa bờ và phát triển những mỏ nhỏ kinh tế thấp.

Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam Ngô Thường San phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Anh Nguyễn/BNEWS/TTXVN

Bên cạnh đó, khung pháp lý cũng cần tạo điều kiện liên thông về công nghệ giữa các đơn vị sử dụng và đơn vị cung ứng dịch vụ trong Tập đoàn, về dòng tiền giữa đơn vị thượng nguồn và trung/ hạ nguồn theo nguyên tắc phát huy tối đa nội lực của các đơn vị trong Tập đoàn, về sử dụng các sản phẩm và dịch vụ của nhau kể cả cơ chế tạo điều kiện sử dụng vốn nhàn rỗi để mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực tạo sản phẩm mang hiệu quả kinh tế.
Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt của hội nhập quốc tế sâu rộng, Chính phủ cần hoàn thiện thể chế xây dựng mô hình hoạt động của PVN theo hướng tự chủ hơn đi đôi với việc quy trách nhiệm người đứng đầu.

Những sai sót của PVN thời gian vừa qua có liên quan đến chính vấn đề tự chủ và trách nhiệm này, nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (tiền thân của PVN) Hồ Sỹ Thoảng nhấn mạnh.
Đồng quan điểm này, Tiến sỹ Nguyễn Viết Thông đề xuất xây dựng hành lang pháp lý đặc thù nhằm tăng quyền chủ động cho PVN, nhất là về quyền tự quyết định, tự chịu trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát về cơ chế đầu tư ra nước ngoài; về công tác tự tổ chức thực hiện các dịch vụ dầu khí đặc thù trong nội bộ PVN trên cơ sở bám sát Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị.
Để PVN có thể phát triển bền vững, đủ sức cạnh tranh với các công ty dầu khí nước ngoài trong hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, Chính phủ cần quyết định tỷ lệ lãi dầu khí nước chủ nhà để lại cho PVN theo từng thời kỳ phù hợp với pháp luật về dầu khí và tình hình thực tế của đất nước.
Trên cơ sở đó, PVN chủ động xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch phát triển phù hợp với tỷ lệ để lại và có phương án huy động nguồn vốn bổ sung từ các tổ chức trong và ngoài nước cho việc triển khai các dự án thăm dò và khai thác dầu khí - lĩnh vực cốt lõi theo tinh thần Nghị quyết 41, Tiến sỹ Nguyễn Viết Thông nhấn mạnh.

Đặc biệt, giải pháp quản trị doanh nghiệp cần phải được chú trọng triển khai, nhất là việc kiểm tra, giám sát thông qua người đại diện cần phải được chú trọng bên cạnh xây dựng tiêu chuẩn và cơ chế cử người đại diện dựa trên loại hình doanh nghiệp đặc thù để PVN vượt qua các khó khăn hiện tại, tiếp tục đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của đất nước, đại diện Bộ Công Thương chỉ rõ./.

>>PVN tiếp nhận Tài sản và Hoạt động dầu khí các Lô 01&02

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục