Ý nghĩa của cuộc gặp giữa Thủ tướng Ấn Độ và Tổng thống Nga (Phần 2)

06:30' - 31/05/2018
BNEWS Đổi mới quan hệ "tay ba" Ấn-Nga-Trung là vấn đề chủ yếu trong chính sách quốc tế hiện nay của Ấn Độ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) trong cuộc gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Sochi ngày 21/5. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Ấn Độ Dương, Ấn Độ đang đứng trước tình trạng bị Trung Quốc lấn sâu vào các khu vực ảnh hưởng truyền thống. Tại Nam Á, Trung Quốc siết chặt quan hệ với Pakistan và đe dọa vùng biên giới phía tây bắc của Ấn Độ. 

Trong các chuyển động ngoại giao đang diễn ra, Nga tìm kiếm mối quan hệ hợp tác với Trung Quốc trong thế đối đầu với phương Tây, nhưng đây hoàn toàn không phải là hướng đi của New Delhi, vốn vẫn coi phương Tây là đồng minh.

Chuyên gia Harsh Pant cho rằng đây là thời điểm New Delhi cần xem xét lại quan hệ truyền thống lâu đời với Moskva, vốn chủ yếu dựa trên hợp tác quốc phòng, trong khi đó mặt kinh tế lại bị coi nhẹ. 

Giờ là lúc Ấn Độ và Nga cần “đối thoại thẳng thắn” về thực trạng quan hệ song phương. Nếu chỉ dựa trên các tình cảm vốn có, New Delhi và Moskva sẽ không thể đối mặt với “các thách thức mới” của đời sống chính trị thế giới đang trong giai đoạn thay đổi sâu sắc.

Trong lĩnh vực quốc phòng, một vấn đề nhức đầu đối với New Delhi hiện nay là làm sao chuyển hướng sang mua thêm nhiều vũ khí của Mỹ, nhưng vẫn duy trì quan hệ bạn hàng quân sự với Nga bởi Moskva không chỉ là nguồn cung cấp vũ khí có chất lượng, mà còn là đồng minh lâu năm.

Sau khi chính quyền Mỹ thông qua luật CAATSA (luật Chống lại những đối thủ của Mỹ thông qua các biện pháp trừng phạt) hồi tháng 7/2017 để trả đũa việc Moskva can thiệp vào bầu cử Mỹ, các đối tác tham gia các hợp đồng mua bán vũ khí “quy mô lớn” với Nga sẽ bị trừng phạt. 

Hợp đồng mua 5 hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 trị giá 4,5 tỷ USD mà New Delhi đang tìm cách ký kết với Nga chắc chắn là đối tượng của luật này. 

Báo Times of India (Ấn Độ) bình luận rằng “những ám ảnh về các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã đè nặng lên cuộc hội kiến không chính thức của Thủ tướng Narendra Modi và Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 21/5”. 

Trong một thông điệp trên Twitter cuối tuần trước, Thủ tướng Modi cho biết ông “tin tưởng cuộc đối thoại với Tổng thống Putin cho phép củng cố mối quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt” của Ấn Độ với Nga, đồng thời khẳng định quyết tâm hóa giải các trở ngại từ Mỹ.

Về mặt chính thức, Washington tỏ ra cứng rắn trong việc áp dụng luật CAATSA. Tuy nhiên, trong chính giới Mỹ và Ấn Độ đang có nhiều vận động để giúp New Delhi được hưởng quy chế miễn trừ. Theo Mukesh Aghi, Chủ tịch Diễn đàn Đối tác Chiến lược Mỹ-Ấn (USISPF), cần ghi nhận xu thế Ấn Độ ngả sang mua nhiều vũ khí của Mỹ.

Một báo cáo của Ủy ban Quân lực Quốc hội Mỹ mới đây cho biết trong 3 năm qua, New Delhi đã ký 13 hợp đồng vũ khí với các doanh nghiệp Mỹ trị giá tổng cộng 4,3 tỷ USD, trong lúc chỉ có 12 hợp đồng với Nga trị giá 1,2 tỷ USD. Tình hình này khác hẳn so với cách đây một thập niên, thời điểm Ấn Độ gần như không hề mua vũ khí của Mỹ. 

Nếu Mỹ khăng khăng áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Ấn Độ, chẳng khác nào "gậy ông đập lưng ông" vì New Delhi sẽ phải “chịu các áp lực chính trị rất lớn”, đến mức sẽ không ký hợp đồng mua vũ khí lớn nào với Mỹ nữa, chưa kể đến việc quan hệ song phương Mỹ-Ấn sẽ bị tổn thất nặng nề.

Theo Times of India, mới đây các quan chức cấp bộ của Ấn Độ và Mỹ đã có nhiều cuộc tiếp xúc về chủ đề này. Washington bảo đảm với New Delhi rằng các trừng phạt sẽ chỉ nhắm vào Nga chứ không phải Ấn Độ.

      

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục