Diễn đàn Kinh tế quốc tế Saint Petersburg - cơ hội hợp tác rộng mở của Nga

10:01' - 29/05/2018
BNEWS Diễn đàn Kinh tế quốc tế Saint Petersburg (SPIEF-2018) lần thứ 22 được coi là "sân chơi" đối thoại cho đại diện chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng chuyên gia trên thế giới.

Diễn đàn Kinh tế quốc tế Saint Petersburg (SPIEF-2018) lần thứ 22 diễn ra tại Saint Petersburg (Nga) từ 24-26/5 tập trung vào 4 chủ đề chính gồm: “Nền kinh tế toàn cầu trong kỷ nguyên biến đổi”, “Nước Nga: Sử dụng tiềm năng tăng trưởng”, “Vốn con người trong nền kinh tế số” và “Công nghệ cho vai trò thủ lĩnh” SPIEF-22 đã thu hút được sự quan tâm rất lớn từ quốc tế.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc họp báo chung sau cuộc gặp tại Saint Petersburg ngày 24/5. Ảnh: AFP/TTXVN

Bám sát chủ đề “Tạo dựng nền kinh tế tin cậy” của Diễn đàn năm nay, các đại biểu đã trình bày những phát biểu và cùng thảo luận về việc xây dựng niềm tin trong các mối quan hệ quốc tế nói chung và trong quan hệ kinh tế nói riêng.

Bên cạnh những vấn đề quốc tế, lãnh đạo các nước Nga, Nhật Bản, Pháp và Trung Quốc đồng loạt đề cập đến vấn đề nổi cộm của thế giới như thỏa thuận hạt nhân Iran và những diễn biến mới nhất trên Bán đảo Triều Tiên.

Tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin cho rằng các biện pháp trừng phạt đang ngày càng bị xem như một công cụ chính trong chính sách thương mại của nhiều quốc gia, buộc các nước khác cũng phải thích nghi và áp đặt các biện pháp đáp trả. Đây được coi là chính sách bảo hộ thương mại mới, kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế thế giới.

Tổng thống Putin khẳng định giống với mọi quốc gia, Nga ưu tiên lợi ích quốc gia, song Moskva vẫn luôn nhận thức mình là một phần của nền kinh tế thế giới trong "thế giới kết nối". Ông khẳng định cạnh tranh là tất yếu trong kinh tế, song theo Tổng thống Putin, các quốc gia cần phải tôn trọng lẫn nhau, trên cơ sở đối thoại mang tính xây dựng và cùng có lợi.

Về phần mình, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde khẳng định việc các quốc gia sử dụng biện pháp bảo hộ thương mại là một sai lầm, và không ai có thể giành chiến thắng trong một cuộc chiến tranh thương mại.

Đoàn công tác cấp cao Việt Nam do Trưởng ban Kinh tế trung ương Nguyễn Văn Bình dẫn đầu đã tham gia nhiều hoạt động tại Diễn đàn như giới thiệu về tiềm năng của Việt Nam với hàng chục nghìn đại biểu của hơn 140 quốc gia trên thế giới; tiếp xúc song phương với Tổng Giám đốc IMF, Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), lãnh đạo Tập đoàn năng lượng Gazprom và các đối tác Nga.

Theo cố vấn Tổng thống Nga, Phó Trưởng Ban tổ chức Diễn đàn A.Kobyakov, SPIEF-22 đã đạt được kỷ lục mới cả về số đại biểu tham dự, số lượng và giá trị các thỏa thuận đạt được. Ban tổ chức cho hay bất chấp các lệnh cấm vận của phương Tây, đã có 17.000 đại biểu đến từ 143 quốc gia trên thế giới đã tới Nga để tham dự Diễn đàn, trong đó đoàn doanh nhân đông nhất là Mỹ, lên tới hơn 500 người.

Đến ngày cuối cùng của Diễn đàn, đã có 550 thỏa thuận hợp tác được ký kết, với tổng trị giá lên tới 2.365 tỷ ruble (39,5 tỷ USD), vượt xa 400 thỏa thuận đầu tư trị giá gần 2.000 tỷ ruble (32,5 tỷ USD) được ghi nhận tại SPIEF-21.

>>>Diễn đàn Kinh tế Quốc tế Saint Petersburg – Cơ hội thu hút đầu tư nước ngoài của Nga

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục