Ý nghĩa của tuyến đường sắt mới Azerbaijan-Georgia-Thổ Nhĩ Kỳ đối với BRI

06:30' - 13/11/2017
BNEWS Tuyến đường sắt mới kết nối Azerbaijan-Georgia-Thổ Nhĩ Kỳ, được khai trương ngày 30/10, là một bộ phận chủ chốt trong tuyến đường phía Nam của sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc.
Dự án Vành đai và Con đường (BRI) do Trung Quốc khởi xướng. Ảnh tư liệu: TTXVN

Theo báo Nikkei, việc khai trương tuyến đường sắt nối Baku (Azerbaijan)-Tbilisi (Georgia)-Kars (Thổ Nhĩ Kỳ) với tên gọi BTK dài 829 km này đánh dấu cột mốc hoàn thành quá trình xây dựng kéo dài 10 năm đối với dự án này, cho phép vận chuyển hàng hóa và hành khách giữa hai châu lục. Tuyến đường sắt này có vị trí vô cùng quan trọng vì nó kết nối Trung Á, Trung Đông và châu Âu thông qua khu vực Caucasus.

Tuyến đường bao gồm 103 km xây dựng mới có khả năng vận chuyển 1 triệu hành khách/năm và 6,5 triệu tấn hàng trong giai đoạn đầu và sẽ nâng lên thành 17 triệu tấn trong giai đoạn tiếp theo. Tuyến BTK sẽ được kết nối với mạng lưới đường sắt và vận tải trên biển hiện có tại Kars để vươn tới châu Âu.

Theo Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, tuyến BTK sẽ giúp rút ngắn thời gian vận chuyển từ Trung Quốc tới châu Âu từ trên 40 ngày xuống khoảng 2 tuần. Phát biểu tại lễ khai trương, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev ca ngợi  tuyến đường BTK là một dự án lịch sử và khẳng định mọi quốc gia trên tuyến đường sắt đi qua sẽ đều được hưởng lợi.

Với việc đầu tư xây mới nhiều đoạn đường sắt, đồng thời tiến hành tu bổ, cải tạo hệ thống đường sắt cũ, dự án này cũng đã vấp phải một số khó khăn nhất định. Dự án được khởi công xây dựng vào năm 2007 theo thỏa thuận giữa ba nước Azerbaijan, Thổ Nhĩ Kỳ và Georgia, tuy nhiên đã bị hoãn một số lần kể từ năm 2011 do gặp khó khăn về vốn.

Cùng với đó là sự khác nhau về khổ rộng đường sắt giữa các nước thuộc Liên Xô trước đây với Thổ Nhĩ Kỳ khiến tổng chi phí đầu tư cho dự án lên tới trên 1 tỷ USD. Với một khoản chi phí khổng lồ kèm theo thời gian thi công kéo dài 10 năm, tuyến BTK mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng trong sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI), đó là tạo ra một tuyến đường sắt mới kết nối Trung Quốc và châu Âu mà không cần phải đi qua Nga.

Theo lý giải của một số công ty vận chuyển Thổ Nhĩ Kỳ, việc vận chuyển hàng hóa qua Nga gặp rất nhiều trở ngại do mùa Đông ở đây quá khắc nghiệt nên các tuyến đường sắt chạy qua đây sẽ đẩy chi phí lên nhiều lần do phải đầu tư cho các hệ thống công nghệ cao điều chỉnh độ ấm.

Bên cạnh đó, do các lệnh trừng phạt của quốc tế đối với Nga sau vụ nước này sát nhập Crimea, nước Nga cũng từ chối cho phép các mặt hàng của châu Âu được vận chuyển ngang qua nước này.

Đối với Trung Quốc, tuyến BTK mới sẽ giúp nước này mở rộng việc xuất khẩu tới các nước dọc theo tuyến đường, đồng thời trở thành cơ hội tốt để Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng tại khu vực. Mặc dù Trung Quốc và các bên liên quan không thừa nhận sự dính líu của Bắc Kinh trong việc hỗ trợ vốn vay và thi công, song thực tế cho thấy Trung Quốc có quan hệ mật thiết với các nước này.

Cả Azerbaijan, Thổ Nhĩ Kỳ và Georgia đều là thành viên của Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng và đứng đầu. AIIB từng đầu tư 600 triệu USD để xây dựng đường ống dẫn dầu từ Azerbaijan về Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 2015, Trung Quốc đã vượt Nga trở thành nước xuất khẩu nhiều nhất vào Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuyến BTK cũng mang lại nhiều hi vọng cho các nước tham gia, đặc biệt là Azerbaijan. Azerbaijan có tranh chấp lãnh thổ và tranh cãi một số vấn đề lịch sử với Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời có quan hệ rất căng thẳng với nước láng giềng Armenia. Do vậy, Azerbaijan muốn thông qua tuyến BTK để xuất khẩu dầu sang Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu nhằm mở rộng thị trường, tăng nguồn thu cho nền kinh tế.

Ngược lại, Thổ Nhĩ Kỳ cũng có ý đồ nhắm vào thị trường các mặt hàng công nghiệp tại khu vực Trung Á. Là nước có nền kinh tế yếu kém, lại còn bị thiệt hại nặng nề sau cuộc xung đột quân sự với Nga năm 2008, Georgia hi vọng việc tham gia mạng lưới vận chuyển quốc tế sẽ mang lại những tín hiệu tích cực cho nền kinh tế, đồng thời sẽ giúp Tbilisi nâng cao khả năng quốc phòng, an ninh.

Tuy nhiên, việc tăng cường vận chuyển hàng hóa một cách ổn định thông qua tuyến BTK cũng còn nhiều vấn đề phải bàn, trong khi lợi ích về mặt kinh tế cũng chưa thật rõ ràng do một số hệ thống đường sắt và cảng biển đi qua khu vực này đang trong tình trạng lạc hậu, yếu kém.

Trong khi đó, tuyến đường sắt nối Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ tới châu Âu thông qua eo biển Bosporus cũng chưa được kết nối. Bên cạnh đó, tuyến BTK này cũng sẽ nằm trong vòng giám sát thận trọng của Nga, nước thường coi các nước vùng Caucasus là "sân sau" của mình.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục