BRI - biểu tượng của toàn cầu hóa?

05:30' - 20/09/2017
BNEWS Trong bối cảnh quá trình toàn cầu hóa từ phương Tây có xu hướng chững lại, sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của Trung Quốc dường như là một biểu tượng mạnh mẽ cho sự nổi lên của toàn cầu hóa.

Chủ tịch Tập Cận Bình đi đầu trong việc ủng hộ toàn cầu hóa. Ảnh: THX/TTXVN

Đây là nhận định được đăng trên đăng trên “Diễn đàn Đông Á” trong bài viết của Giáo sư danh dự Colin Mackerras thuộc Đại học Griffith, bang Queensland, Australia.

Sáng kiến BRI là một dự án khổng lồ gồm hai phần: một vành đai liên kết lục địa Á-Âu rộng lớn bằng các tuyến đường sắt, đường cao tốc, ống dẫn dầu và các cơ sở hạ tầng khác, và một con đường nối Trung Quốc với Đông Nam Á và thậm chí cả châu Phi thông qua các hải cảng và các liên kết hàng hải khác.

Dự án BRI diễn ra vào thời điểm khi sự chia rẽ trên toàn cầu ngày càng gia tăng, chủ nghĩa dân tộc có nguy cơ dẫn tới xung đột nghiêm trọng đang trở nên rõ rệt hơn. Toàn cầu hóa kinh tế và thương mại tự do một lần nữa bị đe dọa.

Mục đích chính của BRI là về kinh tế và mục tiêu chủ yếu là giảm sự bất bình đẳng ở Trung Quốc bằng cách thúc đẩy tăng trưởng các khu vực kém phát triển của đất nước này. Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) hồi tháng 1/ 2017, Tập Cận Bình - Chủ tịch Trung Quốc đầu tiên tham dự WEF - đã đi đầu trong việc ủng hộ toàn cầu hóa và phản đối chủ nghĩa bảo hộ.

Cuối năm 2014, Chính phủ Trung Quốc đã thành lập Quỹ Con đường tơ lụa mới và Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á (AIIB) để thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng nhằm hỗ trợ kết nối kinh tế và thương mại trong khuôn khổ BRI.

Cũng trong khoảng thời gian đó, các hoạt động trên tuyến đường sắt nối liền Yiwu, một thành phố cấp huyện tại tỉnh Chiết Giang, với thủ đô Madrid của Tây Ban Nha, đã bắt đầu hoạt động. Một phát triển quan trọng khác là Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan.

Một số nhà bình luận coi mục tiêu chính của BRI là phục vụ đối nội và họ tin rằng sáng kiến này chủ yếu là nhằm làm giảm sự chênh lệch giữa các khu vực ở Trung Quốc.

Cũng có khả năng Trung Quốc coi BRI như một bức tường thành tiềm năng chống lại chủ nghĩa khủng bố ở Tân Cương và dọc theo biên giới phía Tây của nước này, vì sự phát triển kinh tế là yếu tố tốt nhất để chống lại sự bất ổn chính trị. Tuy nhiên, các đường hướng chính sách đối ngoại của BRI cũng rất quan trọng.

Triển vọng đầu tư đầy hứa hẹn của BRI là quá hấp dẫn để mời chào các nước tham gia, chẳng khác gì so với Kế hoạch Marshall của Mỹ nhằm khôi phục lại các nền kinh tế châu Âu trong bối cảnh Chiến tranh Thế giới thứ II. Tuy nhiên, có người cho rằng Trung Quốc đang cố gắng kiểm soát các nước ở Trung Á và những nơi khác bằng kinh tế.

Tháng 5/2017, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chủ trì Diễn đàn cấp cao “Vành đai và Con đường” ở Bắc Kinh. Tham dự diễn đàn có hơn 30 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu các tổ chức như Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif…

Tuy nhiên, có một quốc gia không “mặn mà” với BRI, đó là Ấn Độ. Nước này lo lắng về mối quan hệ ngày càng tăng của Trung Quốc với Pakistan và Nga. Không có đại diện Ấn Độ tham gia diễn đàn “Vành đai và Con đường” hồi tháng 5 vừa qua.

Việc quân đội Ấn Độ ngăn cản Trung Quốc xây dựng một con đường ở Bhutan hồi tháng 6 vừa qua là một dấu hiệu nghiêm trọng, mặc dù hai bên đã đạt được một giải pháp trong các cuộc đàm phán vào cuối tháng Tám. Quan hệ Ấn-Trung có thể sẽ suy giảm trong dài hạn.

Cùng với một số quốc gia khác, Ấn Độ lo lắng về những tác động chiến lược khi Trung Quốc tiếp cận cảng nước sâu Gwadar của Pakistan, vì nó sẽ mở cửa cho Trung Quốc và vùng lãnh thổ Tân Cương đến Vịnh Ba Tư.

Trong một số khía cạnh, Ấn Độ và Trung Quốc đang cố gắng hợp tác. Ấn Độ (và Pakistan) đã gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) vào năm 2016, trong khi Diễn đàn Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS - gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) liên kết hai người khổng lồ châu Á này trong một nhóm đoàn kết lỏng lẻo để thúc đẩy lợi ích của các nền kinh tế thị trường mới nổi nhằm cạnh tranh với phương Tây.

Trong khi các chính phủ ủng hộ BRI, coi đây là cơ hội để mở rộng kinh tế và thịnh vượng, thì nhiều người dân bình thường ít bị thuyết phục. Hình ảnh của Trung Quốc ở khu vực Trung Á là rất khác nhau, có những người coi việc mở rộng kinh tế của Trung Quốc là không thể tránh khỏi nhưng có tác động tiêu cực. Họ bực bội vì một thực tế rằng các công ty Trung Quốc thường đưa theo công nhân của mình khiến người dân địa phương mất việc làm.

Quan điểm ở phương Tây cũng bị chia rẽ. Trong khi nhiều nhà quan sát và doanh nhân nhìn thấy cơ hội ở BRI cho lợi nhuận và tăng trưởng, những người khác nghi ngờ tính khả thi và thiết thực của dự án.

Các quan điểm hoài nghi coi dự án này là thiếu hiệu quả về mặt tổ chức nên không thể bền vững, và các quốc gia chính trong dự án không cam kết hoặc đủ thẩm quyền về kinh tế để làm cho nó có hiệu quả.

Nhiều người còn nghi ngờ về động cơ của Trung Quốc, coi đây là một âm mưu giành lại quyền lực truyền thống của Trung Quốc ở những khu vực nằm ở phía Tây của nước này, và phương Tây cũng lo lắng lợi ích của mình sẽ bị lu mờ.

Liệu BRI có thể thành công trong thời gian ngắn hay không vẫn chưa thể biết được. Rất có thể, tác động của BRI trong vài thập kỷ tới sẽ là rất lớn. Nó có thể sẽ làm thay đổi bộ mặt của khu vực Á-Âu và châu Phi, và là một sự thúc đẩy lớn để Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng kinh tế và chiến lược của mình trên thế giới./.

TTXVN

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục