"Chất xúc tác" thúc đẩy kinh tế giữa Việt Nam và Liên bang Nga

14:52' - 05/09/2018
BNEWS Thương mại hai chiều giữa hai nước đã tăng mạnh trong thời gian qua, đặc biệt trong bối cảnh Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu đã có hiệu lực từ ngày 5/10/2017.

Với dân số trên 143 triệu người, cùng với những ưu đãi thuế quan khi Nga gia nhập WTO và các hiệp định thương mại tự do (FTA), Nga hiện đang là thị trường truyền thống của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam.

Thương mại hai chiều giữa hai nước đã tăng mạnh trong thời gian qua, đặc biệt trong bối cảnh Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (VN-EAEU FTA) đã có hiệu lực từ ngày 5/10/2017.

Hiệp định này là cơ hội để tạo bước đột phá, tiến tới mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam - Liên bang Nga lên 10 tỷ USD vào năm 2020.

Chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Liên bang Nga (từ ngày 5-8/9) được diễn ra trước thềm các sự kiện lớn của hai nước gồm: kỷ niệm 25 năm ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị Việt Nam – Liên bang Nga trong năm 2019 và 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Liên bang Nga năm 2020. Đây sẽ là nền tảng thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại hai nước lên tầm cao mới.

*Thị trường tiềm năng

Theo Bộ Công Thương, năm 2016, kim ngạch thương mại Việt Nam và Liên bang Nga đã đạt 2,7 tỷ USD, tăng 26% so với năm 2015; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Nga đạt 1,6 tỷ USD, tăng 12%, nhập khẩu đạt 1,1 tỷ USD, tăng 51%.

Năm 2017, kim ngạch thương mại Việt – Nga đạt 3,56 tỷ USD, tăng 29% so năm 2016; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Liên bang Nga đạt 2,17 tỷ USD, tăng 34%, nhập khẩu đạt 1,39 tỷ USD, tăng 23%.

Về phía Việt Nam, các mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn và tăng trưởng mạnh trong thời gian vừa qua gồm: điện thoại di động, dệt may, máy vi tính và linh kiện, máy móc và thiết bị, hạt điều…Về phía Nga, các mặt hàng xuất khẩu có tăng trưởng mạnh gồm: phân bón, lúa mỳ, máy móc, thiết bị và phụ tùng, thủy sản, các kim loại khác không phải là sắt thép, sản phẩm khác từ dầu mỏ.

Riêng trong 7 tháng của năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu song phương giữa hai nước đạt 2,66 tỷ USD, tăng 34,07% so với cùng kỳ năm 2017; trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam sang Nga đạt 1,46 tỷ USD, tăng 20,8%; nhập khẩu đạt 1,2 tỷ USD, tăng 54,8%.

Dệt may là một trong những mặt hàng được xuất khẩu nhiều sang Nga. Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, những năm gần đây, các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội đã nhận được nhiều đơn hàng của các doanh nghiệp Nga yêu cầu may các sản phẩm như jacket, quần jeans…

Hiện nay, mỗi năm, Việt Nam mới chỉ xuất khẩu sang thị trường này khoảng 320 triệu USD mặt hàng dệt may, tương đương hơn 2% dung lượng thị trường. Điều này chưa tương xứng với tiềm năng của doanh nghiệp Việt và dung lượng thị trường Nga.

Với nhu cầu lớn, mỗi năm Nga nhập khẩu trên 10 tỷ USD các sản phẩm dệt may, mặc dù hàng dệt may Việt Nam còn chiếm tỷ trọng chưa đáng kể ở Nga nhưng đây được coi là thị trường đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt.

* Còn nhiều rào cản

Thị trường Nga có nhiều tiềm năng, nhưng theo kinh nghiệm của các chuyên gia và những doanh nghiệp chuyên làm hàng xuất nhập khẩu với Nga thì việc đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này cũng tồn tại không ít khó khăn và trở ngại.

Theo đó, khó khăn lớn nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam hầu như không có đầu mối giao dịch thương mại tập trung, ổn định tại thị trường này. Trong khi đó, việc đặt văn phòng đại diện, mở rộng kinh doanh tại Nga còn vướng một số vấn đề về thủ tục pháp lý phức tạp.

Ông Phí Việt Trịnh, Tổng Giám đốc May Hồ Gươm cho hay, trước đây thị trường Nga cũng là một trong những thị trường truyền thống, nhưng số lượng sản phẩm suất khẩu sang thị trường này chưa được nhiều và cũng có thời gian chững lại do một số khó khăn về địa lý cũng như khâu thanh toán.

Cụ thể, hiện nay, vận tải của hai bên chủ yếu vẫn sử dụng đường hàng hải, thời gian vận tải thường chiếm vào khoảng từ 25 - 50 ngày.

Điều này làm giảm năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Nga, do phải vận chuyển qua các cảng châu Âu rồi mới vòng lại Liên bang Nga. Hoặc, tới cảng Vladivostock rồi đi theo tuyến đường xuyên Nga từ Đông sang Tây nên chi phí vận chuyển lớn hơn so với hàng vận chuyển từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Ấn Độ....

Các chuyên gia cũng khuyến cáo về các rào cản phi thuế như: quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, quy định về kiểm dịch chất lượng... mà Nga đang áp dụng đối với hàng nông thủy sản của Việt Nam như gạo, rau, quả, thủy sản... tương đối chặt chẽ, thậm chí, chưa phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế. Việc này dẫn đến việc hàng hóa khó thâm nhập vào thị trường này.

Bên cạnh đó, việc trao đổi thông tin giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NAFIQAD) và Cơ quan liên bang về giám sát thú y và kiểm dịch thực vật Nga (Rosselkhornadzor) thường chậm trễ, cơ chế trao đổi thông tin về cảnh báo an toàn thực phẩm, cập nhật danh sách được phép xuất khẩu, quy định danh mục chỉ tiêu, mức giới hạn…từ phía Nga chưa minh bạch và kịp thời.

Hiện một số sản phẩm của Việt Nam đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt về giá cả, mẫu mã, bao bì, chất lượng, vận chuyển...so với các quốc gia khác có nguồn cung sản phẩm tương tự tại EAEU nói chung và Nga nói riêng như Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ...

Ngoài ra, ngoài tập quán thanh toán chuyển tiền bằng điện (T/T) hoặc giao tiền thì giao chứng từ (D/P), trong thời gian qua phần lớn các khách hàng của EAEU và Nga đề nghị thanh toán theo hình thức trả chậm từ 6 tháng đến 1 năm cũng gây khó khăn cho các doanh nghiệp Việt.

Cùng đó, doanh nghiệp hai bên chưa thực hiện được việc thanh toán bằng đồng nội tệ do cơ chế thanh toán ngân hàng giữa hai nước.

Việc thanh toán bằng đồng USD gặp khó khăn do biến động tỷ giá giữa đồng Rúp của Liên bang Nga và đồng USD của Hoa Kỳ mặc dù việc thúc đẩy thanh toán song phương thông qua việc thực hiện đề án thúc đẩy thanh toán song phương Việt - Nga do Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Liên doanh Việt - Nga (VRB) và Ngân hàng Ngoại thương Nga (VTB) xây dựng, đặc biệt kể từ sau khi VRB được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho phép tham gia kênh thanh toán qua kênh KFT (the HUB transaction), việc thanh toán bằng nội tệ giữa các ngân hàng hai bên đã có những tiến triển bước đầu.

* Tận dụng "chất xúc tác"

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, trong số các thành viên của Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) thì Liên bang Nga là đối tác chiến lược toàn diện quan trọng của Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Hiệp định VN-EAEU FTA là chất xúc tác mạnh cho tăng trưởng thương mại giữa Việt Nam và Liên bang Nga. Về tổng thể, hiện Liên bang Nga chiếm khoảng 90% trong tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và EAEU.

Hiện Liên bang Nga, cũng như EAEU đang tích cực mở rộng quan hệ thương mại, đầu tư với Cộng đồng ASEAN trong chiến lược tăng cường quan hệ với khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Trong khi đó, Việt Nam đang tích cực phát triển các chuỗi cung ứng hàng hoá sản xuất và tiêu dùng trong khu vực này. Vì vậy, việc tăng cường các hoạt động kinh tế, thương mại với Việt Nam theo chiều sâu sẽ cho phép các nhà sản xuất và cung ứng sản phẩm của Nga và các nước EAEU có cơ hội tham gia vào các dây chuyền cung ứng sản phẩm tại châu Á-Thái Bình Dương đã được hình thành.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam chia sẻ, kinh doanh trên thị trường Nga nói riêng và Bắc Âu nói chung đòi hỏi sự nghiên cứu thị trường kỹ lưỡng để xác định rõ tiềm năng và mong muốn của đối tác.

Bên cạnh đó, thường xuyên liên lạc với đối tác để gắn kết lâu dài, khi đã được đối tác tin tưởng thì việc hợp tác thường bền chặt.

Đồng thời, các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt hơn về chất lượng, giá cả, đòi hỏi cả những cách thức kinh doanh bài bản, phù hợp hơn trong điều kiện mới.

Bởi thị trường lớn hơn, mức thuế giảm cũng sẽ mở ra cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu của nhiều quốc gia khác chứ không riêng gì doanh nghiệp Việt Nam.

Thương vụ Việt Nam tại Liên bang Nga khuyến cáo, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nên tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm hàng năm để giới thiệu sản phẩm của mình với đối tác Nga.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng Việt vào Nga và thị trường Bắc Âu cần đảm bảo, duy trì chất lượng tốt, cải tiến mẫu mã và nên xây dựng, đăng ký thương hiệu với những mặt hàng đã có uy tín ở thị trường này. Hiện nay, thu nhập cũng như đời sống của người Nga đã được cải thiện rõ rệt so với trước kia.

Loại hàng chất lượng cao, mẫu mã đẹp mắt thường được ưa chuộng và tiêu thụ nhanh hơn. Hệ thống quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm ở Nga hoạt động khá chặt chẽ. Quan niệm đưa hàng giá rẻ, chất lượng thường vào Nga đã không hợp thời nữa./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục