"Quy chế phong toả" sẽ giúp các công ty châu Âu tránh lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran

18:39' - 07/08/2018
BNEWS Theo Ủy ban điều hành của EU, "quy chế phong tỏa" có hiệu lực vào 4 giờ GMT ngày 7/8 sẽ ngăn các công ty châu Âu tuân thủ theo các biện pháp trừng phạt của Mỹ với Iran.

Ngày 7/8, quan chức của nước Anh phụ trách các vấn đề Trung Đông và Bắc Phi Alistair Burt nói rằng các công ty châu Âu có thể được bảo vệ khỏi những biện pháp trừng phạt mới của Mỹ đối với Iran, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi một thỏa thuận quốc tế nhằm kiềm chế khả năng phát triển vũ khí hạt nhân của Tehran.

Phát biểu trên đài BBC, ông Alistair Burt nhấn mạnh nếu một công ty lo sợ một thực thể thực thi hành động pháp lý chống lại họ do các biện pháp trừng phạt của Mỹ thì công ty đó có thể được bảo vệ trong khuôn khổ luật pháp của Liên minh châu Âu (EU).

Theo ông, việc các công ty có tiếp tục hoạt động tại Iran hay không là quyết định thương mại của họ.

Trong bối cảnh Washington khôi phục các biện pháp trừng phạt Iran ngày 7/8, một bộ luật mới của EU nhằm bảo vệ các công ty châu Âu cũng sẽ có hiệu lực để cố gắng giảm bớt điều mà giới chức EU cho là phạm vi bất hợp pháp ngoài biên giới Mỹ.

Trước đó ngày 6/8, EU đã tuyên bố khối này sẵn sàng đưa ra các biện pháp mới để bảo vệ doanh nghiệp châu Âu trước những ảnh hưởng do lệnh cấm vận được Mỹ tái áp đặt chống Iran.

Ủy ban điều hành của EU cho biết "quy chế phong tỏa" sẽ có hiệu lực vào từ 4 giờ GMT ngày 7/8. Cơ chế này sẽ ngăn các công ty châu Âu tuân thủ theo các biện pháp trừng phạt của Mỹ, trừ khi được sự cho phép của Ủy ban châu Âu.

Chính phủ các nước thành viên EU cũng được quyền sử dụng các biện pháp đáp trả "hiệu quả, cân xứng và mang tính răn đe" trong trường hợp doanh nghiệp của họ bị thiệt hại. Quy chế cũng ngăn chặn ảnh hưởng của các hành động pháp lý từ phía Mỹ và giúp các công ty châu Âu có thể khắc phục những thiệt hại do lệnh trừng phạt gây ra.

Châu Âu đưa ra các biện pháp trong nỗ lực cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran, còn gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), sau khi nước Mỹ rút khỏi thỏa thuận.

EU khẳng định JCPOA có vai trò quan trọng đối với an ninh toàn cầu và đang cố tìm cách duy trì các đường tiếp cận về tài chính cũng như kinh tế cho Teheran.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục