Thái Lan có thể tung ra các biện pháp kích thích kinh tế mới

05:30' - 03/12/2019
BNEWS Thái Lan có thể tung ra các biện pháp kích thích kinh tế mới vào cuối năm nay nhằm nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của cả năm 2019 sau khi tốc độ tăng trưởng GDP trong quý III không như kỳ vọng.
Hàng hóa được xếp tại cảng ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Truyền thông sở tại dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Uttama Savanayana cho biết, Bộ Tài chính đang suy tính các biện pháp hỗ trợ dành cho một số khu vực, với mục tiêu những biện pháp như vậy phải giúp hồi sinh nền kinh tế trong nước và tiêu dùng, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME).
Theo ông Uttama, Bộ Tài chính đang giám sát chặt chẽ tình hình kinh tế. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 2,4% trong quý III/2019 là lý do khiến Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia (NESDC) hạ dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2019 từ 2,7-3,2% xuống còn 2,6%. Trong khi đó, Bộ trưởng Uttama nhận định tăng trưởng GDP không thể đạt 2,8% như dự báo của Bộ Tài chính.
Theo ông Uttama, kích thích tăng trưởng kinh tế trong những thời điểm khó khăn là cần thiết, vì mỗi khu vực có thể chịu áp lực từ sự suy giảm tăng trưởng kinh tế ở những mức độ khác nhau, nhưng lĩnh vực nông nghiệp và SME cần sự giúp đỡ. Ông Uttama nói rằng kinh tế toàn cầu giảm tốc đã tác động đến xuất khẩu - lĩnh vực vốn đóng góp tới 70% GDP của Thái Lan.
Hôm 19/11, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã chỉ thị cho các bộ trưởng kinh tế cải thiện công việc của họ. Một ngày sau đó, người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Narumon Pinyosinwat đã nói rằng Thủ tướng không có kế hoạch cải tổ Nội các hoặc thay đổi các bộ trưởng phụ trách lĩnh vực kinh tế.

Theo bà Narumon, Thủ tướng Prayut đơn giản chỉ muốn đội ngũ kinh tế tăng cường nỗ lực, đặc biệt trong việc cải thiện kinh tế nông thôn phù hợp với Chiến lược quốc gia 20 năm, Kế hoạch cải cách quốc gia và cương lĩnh chính sách của Chính phủ.
Trong khi đó, Liên đoàn các ngành công nghiệp Thái Lan (FTI) đang kêu gọi Chính phủ đưa ra những biện pháp kích thích kinh tế và đẩy mạnh đàm phán về hiệp định thương mại tự do Thái Lan-Liên minh châu Âu (EU) để giúp thúc đẩy nền kinh tế.
Theo Bộ trưởng Tài chính Uttama, các nhà đầu tư cả trong nước lẫn nước ngoài đều bày tỏ sự tin tưởng vào Hàng lang Kinh tế phía Đông (EEC) sau khi cơ sở hạ tầng cơ bản ở khu vực trải dài trên ba tỉnh Chon Buri, Rayong và Chachoengsao này có những bước tiến. Ông Uttama nhận định Thái Lan đang ở điểm chuyển tiếp để bắt kịp nền kinh tế mới và nếu nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á này có thể thu được lợi ích thông qua EEC./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục