Thái Lan hướng tới kết nối với đặc khu kinh tế Dawei của Myanmar

06:30' - 16/11/2019
BNEWS Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội quốc gia Thái Lan (NESDC) sẽ trình Nội các nước này thông qua phương hướng phát triển cơ sở hạ tầng vào ngày 12/11 tới.
Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-O-Cha. Ảnh: AFP/TTXVN

Động thái trên được đưa ra trong bối cảnh Chính phủ nước này đang cố gắng thúc đẩy tuyến đường sắt kết nối giữa Hành lang Kinh tế phía Đông (EEC) với đặc khu kinh tế Dawei, Myanmar.
Một nguồn tin cho biết NESDC mong muốn các bộ trưởng quan tâm tới những phương hướng trên trong khi thông qua các gói ngân sách và dự án kết nối Myanmar với vùng Đồng bằng trung tâm và EEC ở bờ biển phía Đông.
Theo nguồn tin trên, những phương hướng của NESDC được đưa ra nhằm mục đích “định hướng” cho các dự án cơ sở hạ tầng, với mục tiêu cuối cùng là biến ba vùng kinh tế trên trở thành trung tâm cho thương mại xuyên biên giới, sản xuất nông nghiệp, các ngành công nghiệp thân thiện với môi trường và du lịch sinh thái.
Nguồn tin khẳng định “những đề xuất liên quan đến xây dựng đường sắt và đường cao tốc chiếm vị trí cốt lõi trong phương hướng của NESDC, bởi vì một khi được hoàn thành, những dự án trên sẽ đóng vai trò chủ chốt trong việc vận chuyển hàng hóa và hành khách từ cảng Dawei, Myanmar đến EEC.

Kế hoạch của NESDC là nhằm đề nghị Nội các Thái Lan đẩy nhanh phát triển đặc khu kinh tế (SEZ) ở Ban Namphun Ron, một thị trấn biên giới ở tỉnh Kanchanaburi, đóng vai trò như là “cánh cổng” dẫn đến Myanmar.
Tiến độ dự án xây dựng và phát triển cảng nước sâu và đặc khu kinh tế Dawei diễn ra rất chậm, mặc dù cả Myanmar và Thái Lan đã thành lập công ty phát triển đặc khu kinh tế Dawei - Dawei SEZ Development Co - để làm phương tiện đặc biệt nhằm quản lý những công trình ở Dawei.

Các hạng mục mà hai bên dự kiến xây dựng gồm một cảng biển, nhiều đường bộ và đường sắt, nhà máy phát điện, nhà máy nước, khu công nghiệp, tháp viễn thông và một tòa hành chính.
Ngoài ra, Phòng Thương mại cho các tỉnh phía Nam vùng Đồng bằng trung tâm (Great Plain) cũng đang đề nghị Tướng Prayut cho triển khai nghiên cứu khả thi con đường dài 2.200 km nối tỉnh Chiang Rai với Chumphong của nước này.

Người đứng đầu cơ quan trên, Thirachai Chutiman, cho biết con đường mới đó sẽ không chỉ tạo thuận lợi cho lưu thông xuống các tỉnh cực Nam, mà còn cải thiện tình trạng dịch vụ hậu cần, kho vận (logistics) giữa Thái Lan và các nước láng giềng, trong đó có Myanmar./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục