10 danh mục kinh doanh văn hóa, vui chơi, giải trí được phép tổ chức ở khu vực Hồ Tây

12:52' - 01/03/2024
BNEWS Phạm vi quản lý và khai thác Hồ Tây trong quy định này được giới hạn từ mép tiếp giáp ngoài cùng hè của các tuyến đường, phố xung quanh Hồ Tây và các công trình liền kề trở vào hồ.
Ngày 1/3, UBND quận Tây Hồ cho biết, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác Hồ Tây, UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành văn bản quy định quản lý và khai thác Hồ Tây.

UBND quận Tây Hồ là đầu mối quản lý toàn diện, tập trung, thống nhất và phối hợp với các sở, ngành thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và quy định này. Quan hệ phối hợp quản lý giữa UBND quận Tây Hồ và các sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mỗi bên, đảm bảo phục vụ lợi ích cộng đồng, giữ gìn cảnh quan khu vực, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh trật tự; tránh hình thức, chồng chéo, cản trở hoạt động bình thường của mỗi bên.

 
Quy định này cũng quy định nội dung quản lý môi trường nước, không khí và các chất thải, nước thải, rác thải; hệ thống hạ tầng; quy hoạch xây dựng và kiến trúc; hoạt động thủy sản và các hệ sinh thái thủy sinh khác; hoạt động kinh doanh dịch vụ và ăn uống; hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và vui chơi giải trí; bến thuyền, tuyến du lịch thủy; hoạt động của các phương tiện thủy và cứu hộ trên Hồ Tây... Phạm vi quản lý và khai thác Hồ Tây trong quy định này được giới hạn từ mép tiếp giáp ngoài cùng hè của các tuyến đường, phố xung quanh Hồ Tây và các công trình liền kề trở vào hồ.

Cụ thể, quy định nêu rõ 10 danh mục kinh doanh hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí được phép tổ chức ở khu vực Hồ Tây gồm: Kinh doanh dịch vụ vận chuyển khách du lịch bằng phương tiện thủy như, thuyền, cano, mô tô nước, xe đạp nước… (không lưu trú qua đêm); kinh doanh dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và nghệ thuật biểu diễn; kinh doanh sân tập golf trên mặt nước; hoạt động bơi thuyền, ca nô, xe đạp nước, lướt ván, ván buồm; tổ chức các lễ hội truyền thống, giải đua thuyền; hoạt động bơi, lặn; xe điện bánh lốp, xe đạp, xích lô du lịch trên các tuyến đường dạo xung quanh Hồ Tây; biểu diễn nhạc nước; khinh khí cầu; bay dù lượn.

Như phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã đưa tin, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng về việc tránh tình trạng thời gian qua công tác quản lý Hồ Tây có biểu hiện "cha chung không ai khóc" (nhiều đơn vị cùng quản lý), UBND quận Tây Hồ tổ chức công bố quyết định thành lập Ban Quản lý Hồ Tây theo quyết định số 178/QĐ-UBND của UBND thành phố.

Theo đó, Ban Quản lý Hồ Tây là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND quận Tây Hồ, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng theo quy định của pháp luật.

Ban Quản lý Hồ Tây là cơ quan thường trực tham mưu, giúp việc cho UBND quận Tây Hồ quản lý toàn diện, tập trung, thống nhất khu vực Hồ Tây và vùng phụ cận; tổ chức, thực hiện nhiệm vụ quản lý Hồ Tây và vùng phụ cận trong phạm vi được giao theo quy định của UBND thành phố; chủ trì, phối hợp đơn vị liên quan xây dựng các đề án, kế hoạch, quy hoạch về quản lý, đầu tư, sử dụng, khai thác Hồ Tây và vùng phụ cận; bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa, cảnh quan, môi trường, đảm bảo cho việc phát triển bền vững khu vực Hồ Tây và vùng phụ cận; thực hiện một số chức năng của chủ sở hữu công trình hạ tầng kỹ thuật khu vực Hồ Tây và vùng phụ cận khi được ủy quyền.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục