10 sự kiện nổi bật Thủ đô Hà Nội 2024

20:54' - 31/12/2024
BNEWS Thông tấn xã Việt Nam trân trọng giới thiệu 10 sự kiện nổi bật năm 2024 do Thành ủy Hà Nội bình chọn và công bố.

Thông tấn xã Việt Nam trân trọng giới thiệu 10 sự kiện nổi bật năm 2024 do Thành ủy Hà Nội bình chọn và công bố.

1. Đổi mới mạnh mẽ tư duy, phương thức lãnh đạo của Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của toàn hệ thống chính trị của Thành phố

Với tinh thần "Kỷ cương - Trách nhiệm - Hành động - Sáng tạo - Phát triển", năm 2024 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã đổi mới mạnh mẽ tư duy, phong cách, phương thức lãnh đạo; chủ động đề xuất Trung ương và tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ có tính chiến lược để phát triển Thủ đô; chỉ đạo tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua trên địa bàn Hà Nội.

Hà Nội tiếp tục là đơn vị gương mẫu, đi đầu trong đổi mới, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Thành phố, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; khẩn trương thực hiện các định hướng chỉ đạo mới của Trung ương.

2. Quốc hội thông qua Luật Thủ đô sửa đổi - tạo thể chế, hành lang pháp lý quan trọng, cơ hội để Hà Nội phát huy tiềm năng, nội lực bước vào kỷ nguyên mới

Ngày 28/6/2024, Quốc hội thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi), đây là cơ sở pháp lý để thành phố Hà Nội thực hiện các nhiệm vụ chiến lược đã được xác định tại Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị, hướng tới mục tiêu: Đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là Thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

Tầm nhìn đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao.

3. Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt - Định hình tương lai phát triển Thủ đô

Ngày 12/12/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1569/QĐ-TTg về phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ngày 27/12/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1668/QĐ-TTg về phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Hai quyết định này được xây dựng với “tầm nhìn mới - tư duy mới toàn cầu, tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội”, tạo ra những “cơ hội mới - giá trị mới” để phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; đồng thời là kim chỉ nam để xây dựng Hà Nội trở thành Thành phố toàn cầu, đô thị sáng tạo, trung tâm hàng đầu về kinh tế số, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững.

4. Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, 25 năm Thành phố vì hòa bình - Dấu ấn mạnh mẽ với nhân dân và bạn bè quốc tế

Chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô được tổ chức trang trọng, quy mô, có điểm nhấn, lan tỏa sâu rộng từ thành phố đến cơ sở, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.

Chuỗi sự kiện kỷ niệm không chỉ thể hiện tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, mà còn khắc sâu trong lòng người dân Thủ đô, tạo niềm tin về tương lai tươi sáng của Thăng Long - Hà Nội trong kỷ nguyên phát triển mới, tạo được ấn tượng mạnh mẽ với đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế, khẳng định vị thế Hà Nội - Thành phố Hòa bình, Thành phố sáng tạo nơi hội tụ và lan tỏa những giá trị nhân văn cao đẹp của dân tộc Việt Nam.

5. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn vượt 500.000 tỷ đồng - Khẳng định vai trò “Đầu tàu kinh tế”

Vượt qua những khó khăn chung của nền kinh tế, những ảnh hưởng tiêu cực do thiên tai, bão lũ gây ra, năm 2024, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của Thủ đô tiếp tục phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ. Đến thời điểm hiện nay, GRDP của Thủ đô đạt 6,52%, tăng cao hơn cùng kỳ năm trước (6,27%). Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn vượt 500.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa ước đạt gần 470.000 tỷ đồng (chiếm gần 94%), đứng đầu cả nước. Thu hút vốn FDI đạt trên 2 tỷ USD, tiếp tục khẳng định Hà Nội là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.

Những kết quả ấn tượng trên đã khẳng định vai trò “đầu tàu” kinh tế của Hà Nội, thể hiện bản lĩnh và quyết tâm vượt khó của Thủ đô trong mọi hoàn cảnh.

6. Hà Nội tiên phong trong việc thực hiện Chuyển đổi số và Đề án 06 của Chính phủ, dẫn đầu về đổi mới sáng tạo năm 2024

Hà Nội là địa phương đầu tiên hợp nhất 3 Ban Chỉ đạo (cải cách hành chính, chuyển đổi số, Đề án 06). Thành phố cũng tiên phong thí điểm thành công nhiều tiện ích số cho người dân và khai trương Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội, Trung tâm Dữ liệu chính của Thành phố với nền tảng công nghệ hiện đại, bảo đảm an ninh, an toàn phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số của Thủ đô.

Không chỉ đứng vị trí thứ nhất Bảng xếp hạng chung về chỉ số công nghiệp CNTT; đứng thứ 2 trong 7 năm liên tiếp về Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam, Hà Nội đứng thứ nhất về chỉ số Quản trị điện tử và tiếp tục dẫn đầu về chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) năm 2024 do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

7. Phát triển công nghiệp văn hóa - Thúc đẩy mạnh mẽ du lịch, tạo động lực phát triển mới của Thủ đô

Hà Nội hiện có sự phát triển đa dạng của các sản phẩm công nghiệp văn hóa ở các lĩnh vực, tạo nên bản sắc riêng. Nhiều không gian sáng tạo ở các địa phương đã trở thành thương hiệu, điểm nhấn của Thủ đô. Các sự kiện, hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch trên địa bàn toàn Thành phố đã góp phần tăng trưởng tốt cho sự phát triển ngành công nghiệp văn hóa trên lĩnh vực du lịch văn hóa thành phố năm 2024. Số lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 27,86 triệu lượt khách, tăng 12,7% so với năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 110,52 nghìn tỷ đồng, tăng 18,3% so với năm 2023.

Thành phố Hà Nội được vinh dự đón nhận nhiều giải thưởng lớn, nổi bật như giải thưởng “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á”; “Điểm đến Thành phố golf tốt nhất thế giới năm 2024” do Tổ chức World Travel Awards trao tặng.

8. Giáo dục Thủ đô tiếp tục phát triển; an sinh và phúc lợi xã hội được bảo đảm toàn diện

Năm 2024, giáo dục và đào tạo Thủ đô đạt được nhiều kết quả toàn diện, đều khắp ở các cấp học, nhà trường, các loại hình giáo dục. Quy mô giáo dục tiếp tục mở rộng và phát triển, đứng đầu cả nước. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông chung toàn thành phố đạt 99,81%, tăng 0,25% và 5 bậc so với năm 2023, là kết quả cao nhất trong 10 năm qua; nhiều thủ khoa là thí sinh Hà Nội.

Điểm nổi bật là năm 2024, thành phố cơ bản không còn hộ nghèo, chỉ tiêu giảm nghèo về đích trước 1 năm kế hoạch đề ra giai đoạn 2021-2025; hoàn thành mục tiêu xoá 100% nhà ở xuống cấp. Thành phố cũng tiếp tục ủy thác hơn 9.500 tỷ đồng qua Ngân hàng chính sách xã hội cho hơn 96 nghìn hộ khó khăn và các đối tượng chính sách được vay vốn... và là địa phương dẫn đầu cả nước.

9. Khánh thành và đưa vào sử dụng nhiều công trình trọng điểm, đáp ứng nhu cầu phát triển mạnh mẽ của Thủ đô

Hà Nội đã hoàn thành các tuyến đường gắn với phát triển đô thị; Dự án đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội bắt đầu vận hành thương mại từ ngày 8/8/2024.

Hai công trình tiêu biểu trong nhiều công trình trọng điểm của Thành phố được gắn biển nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô: Cung Thiếu nhi Hà Nội hiện đại nhất cả nước với nhà hát, rạp phim và các câu lạc bộ nghệ thuật có tổng diện tích gần 40.000 m2 khánh thành ngày 21/9/2024. Bệnh viện nhi Hà Nội với quy mô giai đoạn 1 là 200 giường bệnh, chính thức đi vào hoạt động từ ngày 9/10/2024, kỳ vọng giảm tải cho bệnh viện nhi Trung ương, đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe trẻ em, nhân dân Thủ đô, các tỉnh lân cận.

10. An ninh, trật tự được đảm bảo; diễn tập khu vực phòng thủ được đổi mới cả về nội dung, hình thức, quy mô và tuyệt đối an toàn

Chất lượng, trình độ và năng lực sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang Thủ đô ngày càng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Thủ đô trong tình hình mới. Tổ chức thành công diễn tập khu vực phòng thủ HN - 24 với nhiều đổi mới; khẳng định năng lực quốc phòng, an ninh, năng lực sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống của Thủ đô.

Trật tự an toàn xã hội của Thủ đô có nhiều chuyển biến tích cực, tội phạm được kiềm chế, kéo giảm. An ninh quốc gia tiếp tục được giữ vững; bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn các mục tiêu trọng điểm, các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, đối ngoại trên địa bàn Thủ đô (trên 2.000 kỳ cuộc).

Đáng chú ý, Hà Nội được chọn là nơi tổ chức triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục